Rừng rốn Tắk Long
Khi những đứa trẻ Xê Đăng ở làng Tắk Long vừa mới sinh, người cha mang nhau thai, rốn của đứa trẻ vào rừng rốn của làng để treo lên những cành cây to khỏe. Họ quan niệm làm như vậy sẽ giúp những đứa trẻ khỏe và mau lớn.
Cánh rừng rốn ở làng Tắk Long của người Xê Đăng. Ảnh: N.Đ.T |
1. Đầu tháng 9, ở huyện miền núi Nam Trà My có những cơn mưa xuất hiện bất chợt. Tôi vào tránh mưa ở quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Hồng Thương ở làng Tắk Long (thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) và được nghe kể về rừng rốn linh thiêng của dân làng Tắk Long. Chị Thương kể, cách đây vài năm, hai vợ chồng chị từ Tắk Pỏ lên làng Tắk Long mở quán tạp hóa lập nghiệp. Sau đó, vợ chồng chị xin đất, phát dọn cây nứa, đốt lách để trồng một số loại cây. Hôm đốt rẫy, không may có gió nam nổi lên lửa cháy lấn sang khu rừng nguyên sinh bên cạnh. Thấy lửa cháy lớn, hai vợ chồng chị Thương kêu gọi dân làng Tắk Long ra dập lửa. Khi chạy ra đến nơi, họ vừa dập lửa vừa la hét: “Sao mày đốt rừng thiêng của làng? Mày đốt chết con tao rồi, dân làng Tắk Long sẽ giết cả nhà mày” - chị Thương nhớ lại.
Vì là rừng nguyên sinh, cây mục, lá khô phủ một lớp dày nên lửa liếm vào khiến đám cháy càng lớn. Được sự giúp đỡ của dân làng, mãi một lúc sau, ngọn lửa được khống chế. Lúc này, chị Thương mới được dân làng cho hay, nơi ngọn lửa vừa cháy vào đó là rừng rốn linh thiêng nhất của làng Tắk Long, không một ai có thế đụng đến dù chỉ là bẻ một cành cây. Rừng còn thì làng còn. Bấy giờ vợ chồng chị Thương mới biết đó là rừng thiêng của làng. Rừng rốn bị cháy, vợ chồng chị Thương bị dân làng “khép tội” xâm hại khu rừng thiêng. Theo luật tục của làng, nếu ai đụng đến rừng thiêng của làng, muốn ở lại làng phải nộp phạt. Thể lệ nộp phạt được tính theo đùm rốn treo trong cánh rừng mà ngọn lửa đã gây hại. Mỗi đùm rốn chị Thương phải nộp một con gà để các gia đình tự mời thầy về cúng mong thần linh xóa tội. Theo ước tính của già làng, vợ chồng chị Thương đã đốt cháy hết 15 đùm rốn phải nộp phạt 15 con gà cho làng.
2. Già làng Tắk Long Hồ Văn Đen cho rằng, ngôi làng Tắk Long nằm dưới ngọn núi Ngọc Linh có rừng rốn rất linh thiêng với tập tục treo rốn trẻ em lên những cành cây đã được người Xê Đăng ở đây truyền từ đời này sang đời khác. Đứa bé khi chào đời được người cha lấy phần rốn, nhau thai và những vật dụng như áo quần, khăn tã có dính máu gói lại thành một đùm cẩn thận rồi mang vào treo trong rừng rốn. Phía trong được bọc một lớp vải, tiếp đến là vài túi ni lông rồi đưa vào rừng rốn treo lên cành cây chắc khỏe. Già làng Hồ Văn Đen cho hay, người Xê Đăng ở Tắk Long quan niệm, người chết nằm xuống thì về với đất, còn đứa bé mới sinh ra ở trên thì sống trên đời. Nhau thai và rốn đều có linh hồn nó, do đó không thể chôn mà phải treo để cho sống. “Người Xê Đăng ở làng Tắk Long treo rốn trong rừng chỉ cầu mong cho con cái khỏe mạnh nên rừng rốn của làng không một được ai chạm đến. Người trong làng chỉ được đến treo rốn rồi rời đi” - già Tắk Long nói. Người dân trong làng muốn phát nương để trồng lúa rẫy gần khu vực rừng rốn phải để lại vùng giáp ranh. Bất cứ ai vi phạm đều phải nộp phạt theo tập tục, nếu nhẹ là một con gà, nặng phạt trâu, heo.
3. Cũng giống như những thanh niên khác ở làng Tắk Long, anh Hồ Văn Huy làng Tắk Long cho biết, anh không biết tập tục treo rốn trẻ em vào rừng có từ bao giờ, dân làng truyền lại và mọi người phải làm theo. Anh Huy kể, khi vợ anh vừa mới sinh em bé, anh nhanh chóng lấy nhau thai rốn và các vật có dính máu cho vào tấm vải, bọc kỹ lại, rồi cho vào 2 túi ni lông, sau đó đưa vào rừng rốn treo lên cây chắc khỏe. “Khi treo rốn lên cây phải tìm những cây chắc khỏe nhất vì như thế đứa trẻ lớn lên với khỏe mạnh. Cách tốt nhất để treo rốn lên cây là chọn chỗ treo cách mặt đất hơn 2m” - anh Huy nói. Dẫn tôi vào gần khu rừng rốn, anh Huy giải thích: “Mình sống ở làng nên phải tuân thủ tập tục của làng, không thể vào rừng được”. Anh ngồi ở bìa rừng, chỉ một mình tôi vào rừng rốn. Trong khu rừng có hàng đùm rốn treo lên. Có nhiều đùm vừa mới được treo lên còn bốc mùi hôi, có nhiều đùm rốn đã mục nát rơi xuống đất vì đã quá lâu… Khi tôi vừa bước ra khỏi rừng rốn, anh Huy bảo, bây giờ cuộc sống của đồng bào Xê Đăng ở làng Tắk Long đã khá lên, dân làng được nhiều cán bộ địa phương tuyên truyền về văn hóa, cách làm ăn…
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, hiện nay hủ tục treo rốn vào rừng của đồng bào Xê Đăng trên địa bàn đã giảm mạnh. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực tuyên truyền, vận động đồng bào không thực hiện việc treo rốn vào rừng nên hiện nay chỉ còn một số nơi trên địa bàn còn hủ tục này. “Địa phương đã có nhiều chương trình tuyên truyền cho người dân về văn hóa…cách làm ăn hiệu quả. Trong đó có chương trình ba công chức trên địa bàn huyện phải có trách nhiệm kèm cặp một hộ gia đình thoát nghèo trong vòng một năm. Ba công chức sẽ phải đảm nhận hộ được giao để tuyên truyền kiến thức, văn hóa đồng thời dạy họ từ cách thức làm ăn, canh tác hiệu quả. Với cách làm này, các hủ tục lạc hậu sẽ dần dần được loại bỏ khi đời sống của người dân được nâng lên” - ông Bửu nói.
Rừng rốn là hủ tục hay mỹ tục của người Xê Đăng? Theo tôi, điều đó cần nghiên cứu kỹ càng mới đánh giá đúng. Bởi duy trì rừng rốn là gìn giữ những cánh rừng nguyên sinh...
THANH THẮNG