Cần nâng mức hỗ trợ xây nhà tránh lũ

HOÀNG LIÊN 20/09/2017 12:10

Chương trình hỗ trợ xây nhà tránh lũ tại nhiều xã trọng điểm của Đại Lộc đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Nhu cầu về nhà ở tránh lũ trong cộng đồng rất lớn, nhưng việc giải ngân, hỗ trợ, cho vay vốn... còn quá thấp, nhiều hộ nghèo không đủ sức làm nhà.

Bà Nguyễn Thị Lệ Sơn (xã Đại Lãnh) bên căn nhà tránh lũ kiên cố của gia đình. Ảnh: H.Liên
Bà Nguyễn Thị Lệ Sơn (xã Đại Lãnh) bên căn nhà tránh lũ kiên cố của gia đình. Ảnh: H.Liên

Tránh lũ hiệu quả

Đại Lãnh là vùng trũng thấp của huyện Đại Lộc, có sông Côn và sông Vu Gia chảy qua địa phận. Mỗi năm, nơi đây chịu tác động nặng nề của những đợt lũ dữ. Nhu cầu đầu tư nhà cửa kiên cố, có gác tránh lũ trở nên bức thiết, nhất là đối với hộ nghèo và cận nghèo. Từ nguồn hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp với thời hạn trả kéo dài 15 năm của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện (15 - 30 triệu đồng/hộ), từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 48 của Chính phủ (17 triệu đồng/hộ), hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Đại Lãnh đã có thêm nguồn lực để xây gác tránh lũ. Theo quy định, mỗi gác (chòi) tránh lũ, diện tích sàn tối thiểu 10 - 20m2, thường được tích hợp, nâng cấp từ căn nhà dân đã có sẵn để thuận tiện trong việc di chuyển, tránh trú khi có lũ lớn. Từ các chương trình hỗ trợ theo Quyết định 48, vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện với số tiền gần 30 triệu đồng, xã Đại Lãnh được chọn làm thí điểm 44 nhà (chòi) tránh lũ giai đoạn 2014 - 2016. Ngoài ra, mỗi căn nhà (chòi) còn được hỗ trợ thêm 30 triệu đồng, tổng cộng là 60 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Lệ Sơn (thôn Tân Hà, Đại Lãnh) vay mượn thêm 40 triệu đồng để xây cầu thang, gác tránh lũ với diện tích sàn 20m2.  “Với 60 triệu đồng từ nhiều nguồn hỗ trợ, vốn vay dài hạn, tôi vay mượn thêm để sửa lại nhà, đổ sàn xây gác tránh lũ. Tôi không dám nghĩ có ngày mình làm được căn nhà thế này” - bà Sơn nói.

Ông Mai Tấn Hùng cũng đã xây dựng được căn chòi tránh lũ kiên cố cao 8m, sát căn nhà chính làm nơi tránh bão lũ cho cả gia đình. Căn chòi có cầu thang với các bậc tam cấp để leo lên tránh lũ. Không chỉ tránh lũ, nơi đây còn là nơi trú ẩn an toàn cho cả gia đình mỗi khi bão tràn về. Không chỉ bà Sơn, ông Hùng, ông Lê Tấn Hanh, Nguyễn Bé, bà Lê Thị Bé (thôn Hoằng Phước Bắc, Đại Lãnh) cũng có thêm điều kiện làm căn nhà tránh lũ kiên cố, ổn định cuộc sống nơi vùng “rốn lũ”. Cách đây 6 - 7 năm, chồng chết, chị Thái Thị Hoa (xã Đại Hưng) một mình làm lụng vất vả nuôi 3 con nhỏ ăn học, căn nhà trống trơn, tuềnh toàng, nghe tin bão lũ về, mấy mẹ con nơm nớp lo sợ, phải di chuyển sang nhà người khác tránh trú nhờ. Bây giờ nỗi lo ấy được xua tan vì chị đã có căn gác cao, kiên cố, sàn đổ rộng rãi. Nghe tin báo xả lũ, gia đình chị chỉ việc dọn dẹp vật dụng, đưa thóc lúa lên gác là xong. “Có căn gác lửng, nước lũ tràn về ban đêm tôi cũng không nơm nớp lo như trước nữa” - chị Hoa nói. Cũng như chị Hoa, ông Nguyễn Cừ ở thôn Trúc Hà; ông Nguyễn Anh ở thôn Trung Đạo, xã Đại Hưng cũng đã an cư trong những căn nhà tránh lũ được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

 Cần nâng mức hỗ trợ

Tính đến cuối năm 2016, xã Đại Hưng đã xây dựng được 37 căn nhà tránh bão lũ cho các hộ nghèo. Theo UBND xã Đại Hưng, mỗi hộ được xét chọn xây dựng nhà tránh lũ cũng được hỗ trợ 17 triệu đồng theo Quyết định 48 và 15 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH huyện cùng 1 triệu đồng xã hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo, như vậy tổng mức hỗ trợ là 33 triệu đồng/nhà. Năm 2017, xã được giao chỉ tiêu  vận động 10 hộ nghèo xây nhà tránh lũ. Theo bà Lương Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBND xã, đây là chương trình thiết thực đối với người dân vùng lũ, tuy nhiên, với mức hỗ trợ quá thấp, nhiều người nghèo không đủ điều kiện xây nhà tránh lũ bởi vật giá, nhân công tăng cao. Theo bà Hương, Nhà nước cần nâng mức hỗ trợ để nhiều người dân vùng lũ có điều kiện làm nhà tránh lũ. So với nhiều nơi, hộ nghèo xã Đại Lãnh có thêm cơ hội nhận hỗ trợ từ mô hình chòi tránh lũ với 30 triệu đồng/nhà.  Có 44 hộ được nhận hỗ trợ từ mô hình này. Theo ông Trương Văn Vôn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, năm 2017, Đại Lãnh được giao chỉ tiêu làm được 63 nhà, song đến nay chỉ mới giải ngân được 7 nhà. “Thực tế bà con có nhu cầu làm nhà tránh lũ rất lớn. Song cái khó là đối tượng xét chọn phải là hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều hộ nghèo không đủ khả năng làm nhà phần lớn là đối tượng già yếu, neo đơn, khó khăn trong đối ứng.

“Vì thế, các ngành liên quan cần xem xét, nâng mức hỗ trợ, nâng mức cho vay để người dân vùng lũ có điều kiện xây nhà tránh lũ. Bởi mức đầu tư tối thiểu mỗi gác tránh lũ đổ sàn 20m2, có cầu thang kiên cố phải tốn hàng trăm triệu đồng” - ông Vôn nói. Cũng theo ông Vôn, riêng dự án mô hình thí điểm xây chòi (gác) tránh lũ tại Đại Lãnh đã kết thúc, song trước nhu cầu thực tế về nhà ở tránh lũ còn lớn, địa phương đã đề xuất đơn vị quản lý dự án tiếp tục hỗ trợ thêm hơn 10 hộ cấp thiết khác. Còn bà Lê Thị Xuân Trang - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc cho hay, hiện đơn vị đã giải ngân 3,8 tỷ đồng theo Quyết định  48 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 273 căn nhà được hỗ trợ trong tổng số 440 nhà thuộc diện hỗ trợ từ đề án do tỉnh phê duyệt. Bà Trang cũng cho biết thêm, không thể phủ nhận hiệu quả thiết thực từ đề án, song nguồn vay hỗ trợ còn quá khiêm tốn, hộ nghèo, cận nghèo không đủ điều kiện làm nhà. Đó cũng là lý do nguồn vốn giải ngân không hết, dù đơn vị đã nhiều lần thông báo địa phương lập danh sách hộ vay vốn nhưng con số hộ đăng ký vay vẫn không nhiều.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN