Chiếc thúng chai
Cư dân miền duyên hải, hải đảo sáng tạo ra nhiều phương tiện vận chuyển, đi lại trên biển, sông nước như ghe, thuyền, tàu, bè... trong đó thúng là loại phương tiện được sử dụng phổ biến nhất. Đối với ngư dân, ngoài những loại tàu thuyền lớn, hầu như nhà nào cũng có một vài chiếc thúng để phục vụ cuộc sống, mưu sinh.
Những chiếc thúng của ngư dân để trên bãi biển sau khi đi đánh bắt hải sản. Ảnh: TẤN VỊNH |
Thúng có hình tròn, được đan bằng tre, vành buộc bằng dây mây. Trong mỗi làng chài đều có một vài thợ làm nghề đan thúng chuyên nghiệp. Mỗi tháng họ có thể đan được vài chiếc thúng để cung cấp cho dân trong làng hoặc bán đi nơi khác. Thúng đan xong được trét bằng dầu rái vào lòng thúng và mặt bên ngoài để khỏi thấm nước và sử dụng được lâu hơn. Dầu này được mua từ những người chuyên đi khai thác cây chai lấy dầu ở miền núi nên ngư dân còn gọi là thúng chai. Người ta lấy một mảnh vỏ dừa buộc vào khúc tre làm công cụ trét thúng. Sau nhiều lần sơn trét, phơi dưới nắng, lớp dầu rái ngày càng đắp dày lên thân thúng. Chiếc thúng từ màu trắng của nan tre chuyển dần sang màu đen bóng của dầu rái.
Thúng có nhiều loại, to nhỏ khác nhau. Loại nhỏ chở được vài ba người, loại lớn chứa được 5 đến 6 người. Để điều khiển chiếc thúng, người ta chỉ cần một cái dầm (chèo) nhỏ. Người điều khiển cầm chiếc dầm chèo khoặc khuấy nước để chiếc thúng lướt đi. Ngư dân dùng thúng để đi câu, bủa lưới, khai thác hải sản gần bờ như hái rong mơ, bắt sò, ốc, tôm, cua hoặc làm phương tiện qua lại ở cửa sông, vịnh nhỏ... Ở những bãi ngang, tàu thuyền đánh cá thường neo đậu ngoài biển, cách bờ vài chục mét, chiếc thúng là phương tiện trung chuyển hữu hiệu nhất đưa hàng hóa và ngư dân lên thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền thúng mới đan, trét bằng dầu rái.Ảnh: TẤN VỊNH |
Khi ngư dân đi đánh bắt ngoài khơi, tàu thuyền lớn thường chở theo 20 đến 30 chiếc thúng. Về đêm, mỗi ngư dân lấy thúng bơi tản mác ra xa khỏi chiếc thuyền chính để câu cá mực. Khi trời sáng họ bơi thúng trở về và tập trung số cá mực vừa đánh bắt được lên thuyền lớn để chế biến tại chỗ, đông lạnh. Thúng lênh đênh trên biển khơi, tuy rất mong manh nhưng vẫn là phương tiện gọn nhẹ, cơ động, an toàn cho ngư dân hành nghề trong những ngày sóng yên biển lặng.
Những lúc trời động, không đi biển, những chiếc thúng nằm úp trên bờ hoặc dựng vào gốc dương liễu, gốc dừa. Thúng là phương tiện “thân thiện với môi trường”, tiết kiệm vì không hao tốn nguyên liệu vận hành. Đây là phương tiện lý tưởng chở du khách tham quan khám phá các vùng sông nước. Tại Hội An có đội lái thúng chuyên chở du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, một thắng cảnh nổi tiếng ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Nhiều du khách rất thích thú khi được ngồi trên những chiếc thúng nhỏ, len lỏi qua những hàng dừa xanh mát. Thúng đáy kính làm bằng vật liệu composite chở khách du lịch ngắm rạn san hô, chiêm ngưỡng sinh cảnh biển ở những khu bảo tồn biển. Ở các bãi tắm, thuyền thúng là phương tiện giám sát, cứu hộ, giúp người tắm biển yên tâm vẫy vùng, đùa vui với sóng biển, thưởng thức vị mặn nồng của đại dương. Tại làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ) các họa sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam, sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại Học Kiến trúc Hà Nội cùng các giảng viên Trường Đại học Kỹ thuật và thiết kế Singapore đã sáng tạo “Con đường thuyền thúng” với hơn 100 chiếc thúng và ghe nan bố trí bên bờ biển và bờ sông Trường Giang. Trên mỗi chiếc thúng là những hình vẽ sinh động và màu sắc tươi tắn. Trên các bức tường của làng bích họa Tam Thanh, làng bích họa Tam Hải (Núi Thành) còn vẽ nhiều bức tranh về chủ đề thuyền thúng tạo nhiều xúc cảm nghệ thuật trong cộng đồng.
Trong các lễ hội của ngư dân miền biển như lễ hội cầu ngư, đua thuyền, thì lắc thúng là môn thể thao hấp dẫn nhất. Những ngư dân khỏe mạnh tranh đua lắc thúng. Họ không hề dùng chèo, chỉ cần đặt tay lên vành thúng và nhún người lắc mạnh để lấy đà và chiếc thúng lao đi trên mặt nước. Hoặc họ lấy dầm múa trên không như làm xiếc để cho cái thúng quay tròn trên mặt nước. Chiếc thúng quay rất nhanh, gây mất thăng bằng, chòng chành như đang ngồi trên chiếc đu. Đó là cách chơi thúng của những người có sức khỏe, thích cảm giác mạnh.
Thúng là vật dụng gắn bó với đời sống cư dân miền sông nước.
Chiếc thuyền dài, chiếc thúng tròn tạo nên hình ảnh sinh động trên mặt biển và cảnh quan thơ mộng của các làng chài ở vùng duyên hải, hải đảo. Thúng đi vào hội họa, nhiếp ảnh, thi ca. Nó là di sản biển làm nên vẻ đẹp văn hóa của cộng đồng ngư dân miền biển, là nốt nhạc đằm thắm, mặn mà của biển xanh.
TẤN VỊNH