Trở lại vùng đất lửa - Kỳ cuối: Viết tiếp chuyện thời bình

Ghi chép của LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC 15/09/2017 11:53

“Vành đai diệt Mỹ” ngày ấy - bây giờ, ngút ngàn sắc màu vàng tươi của những cánh đồng đang vào mùa gặt. Những dòng xe tải trọng lớn nối đuôi nhau vào nhà máy, công trình. Nửa thế kỷ trôi qua, mảnh đất khói lửa đã xanh màu trở lại, đón thêm những bước chân tìm về…

Tin liên quan

  • Trở lại vùng đất lửa - Kỳ 2: Giữa làn đạn bom…
  • Trở lại vùng đất lửa - Kỳ 1: Hoa nở ở… chiến hào
Một góc làng Tịch Tây.  Ảnh: ĐĂNG QUÂN
Một góc làng Tịch Tây. Ảnh: ĐĂNG QUÂN

1. Chúng tôi theo chân người làng Tịch Tây về phía những cánh đồng dưới “chân đồi kháng chiến” Yên Ngựa. Cơn gió chiều thổi mạnh từ phía sông Trường Giang, mát rượi. Một vùng quê yên bình. Thoạt nhìn, rất khó để hình dung ra vùng đất nơi chúng tôi đang đứng lại là vành đai ác liệt nhất, ghi dấu bao chiến công hiển hách của cha ông ngày trước. Là bởi, nhịp sống hối hả của những người nông dân giữa mùa gặt như lấp đi những “vết xước” thời chiến, ngay trên vùng đất quê mình.Tiếng máy gặt lúa xình xịch chạy khắp cánh đồng, từng bao lúa căng tròn chuẩn bị được bốc lên xe tải đang chờ sẵn, giữa một màu vàng tươi.

Men theo con đường đất chạy dài về phía chân núi, ngước nhìn lên tấm bia di tích, những dòng chữ về trận đánh ngoan cường làm nên chiến thắng Núi Thành vẫn vẹn nguyên, rõ nét: “Vào lúc 0 giờ 30, ngày 26.5.1965, Tiểu đoàn 70 - Tỉnh đội Quảng Nam đã nổ súng đánh vào cứ điểm quân sự của Mỹ…”. Rồi cả 8 chữ vàng được khắc lên tấm bia đầy niềm kiêu hãnh cho vùng đất “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Đi giữa rừng keo xanh thắm, chúng tôi hồi tưởng về quá khứ, về trận thắng lịch sử hơn 50 năm về trước. Những tiếng súng chát chúa vang trời, núi Yên Ngựa mịt mù khói lửa. Những bước chân ngược núi, tấn công vào trận địa của giặc, lập nên chiến tích lẫy lừng… Chúng tôi hái một nhánh hoa dại bên bìa rừng, nghiêm cẩn đặt trước tấm bia di tích, trước lúc ra về. Rừng cây vi vu trước gió, dịu mát theo bước chân tìm về quá khứ. Có tiếng người trở ra từ bìa rừng, trên vai mang theo những tàu lá dừa nước. Thật lạ, ở vùng đất trung du này, dừa nước như một món hàng. Đã có nhiều hộ ở Tịch Tây kiếm thêm thu nhập từ món quà thiên nhiên ban tặng mà tưởng chừng chỉ “độc quyền” ở vùng đầm rú. Tịch Tây, lạ thêm trong ánh mắt chúng tôi trên hành trình tìm về.

Cổng vào Khu công nghiệp, cảng và hậu cần cảng Tam Hiệp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cổng vào Khu công nghiệp, cảng và hậu cần cảng Tam Hiệp. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Lão nông Nguyễn Tấn Lực (67 tuổi) cười hiền, nói sau hàng chục năm đổi mới, quê hương Tịch Tây đã đổi thay rất nhiều. Từ điện, đường, trường, trạm, đến các dự án dân sinh đủ đầy. Thời ông làm trưởng thôn, khoảng từ những năm 1990 trở về trước, vùng cứ địa năm xưa chỉ toàn là đồi núi cằn cọc sỏi đá. Cuộc sống cứ thế gian truân, tất cả chỉ dựa vào mấy sào ruộng dưới chân núi. Năm được, năm mất. Mùa màng ai tính giỏi hơn trời. Vậy mà, cũng qua đi một thời gian khó… Cuối chiều, bóng cây che mát dọc tuyến đường làng. Từng dòng người hối hả lùa đàn trâu trở về nhà, sau vụ mùa lúa mới. Chúng tôi ngoái lại nhìn đồi Yên Ngựa. Một màu xanh trải dài phủ khắp cánh rừng. Con đường thẳng tắp như xẻ đôi cánh đồng lúa nước, rộn ràng với những chuyến xe chở bao thóc đầy. Hương lúa ngạt ngào khắp cánh đồng quê.

2.Từ Tịch Tây, chúng tôi mang câu chuyện về những đổi thay ở vùng đất chiến trường xưa, trên “vành đai diệt Mỹ” với Phó Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa - Nguyễn Thành Đạt. Ông cười. Nụ cười ẩn chứa niềm tự hào, sau những thành công từ cải tạo ruộng đồng cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới. “Những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những tuyến đường rộng đẹp trải dọc tận khu dân cư, và cả hệ thống điện lưới được kéo về, phủ khắp toàn xã”. Ông Đạt nói tất cả thứ đó là sự đổi thay ở vùng đất này, sau bao nhiêu năm nỗ lực thoát mình khỏi tàn tích chiến tranh. Tam Nghĩa bây giờ đã có những bước trỗi dậy, trở thành vùng kinh tế động lực của Núi Thành, với nhiều dự án khu công nghiệp lớn, đầy kỳ vọng. Màu xanh công nghiệp đang bắt đầu hình thành trên vùng đất quê một thời hoa lửa. Chiều về, giờ tan tầm đường sá đầy những màu áo đồng phục của công trường, nhà máy. Một nhịp sống công nghiệp đúng nghĩa, ở cái nơi từng khốc liệt về chiến sự, từng hoang tàn xơ xác và nghèo nàn sau giải phóng.

Gió chiều vẫn lồng lộng thổi về từ dưới cát biển. Từ trên cao khu tượng đài Chiến thắng Núi Thành nhìn về, màu xanh điệp trùng của những hàng cây phủ kín đất xưa. Một diện mạo tươi mới khác, mang dáng dấp đô thị, từ công nghiệp, thương nghiệp - những sản vật của vùng. Kháng chiến chống Mỹ, Núi Thành có đến 4.612 liệt sĩ, hơn 1.200 người là thương binh, bệnh binh và hàng ngàn người bị địch tra tấn, tù đày. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho huyện Núi Thành là minh chứng về sự anh hùng của vùng đất lửa. Cùng với đó 517 Mẹ Việt Nam anh hùng được tôn vinh và hơn 40 ngàn huân, huy chương các loại được trao tặng. Những con số biết nói, để thấy được sự phát triển hôm nay của Chu Lai – Núi Thành, đương nhiên đã góp thêm một trang sử đầy tự hào. Năm 2003, Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai ra đời. Theo các nguyên lãnh đạo UBND tỉnh lúc bấy giờ, KKTM Chu Lai xuất phát điểm trước tiên từ chính những cái có của vùng đất này.

Từ việc chọn Chu Lai vì ở vị trí chiến lược vô cùng quan trọng tại miền Trung Việt Nam, với đường bờ biển dài và một bên là dải đất rộng mênh mông, có điều kiện giao thông thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và thế giới thông qua quốc lộ 1, đường ven biển quốc gia, đường sắt xuyên Việt, đường biển qua cảng Kỳ Hà, đường hàng không qua sân bay Chu Lai và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chưa kể, lực lượng lao động trẻ dồi dào, có truyền thống cần cù và có khả năng tiếp nhận công nghệ nhanh. Dù vẫn còn đó những cái khó, từ xuất phát điểm cho điều kiện phát triển ở Núi Thành ngày ấy còn rất thấp, là đất cát hoang hóa, cằn cỗi, đời sống của người dân còn nghèo, hạ tầng yếu kém, nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế mở còn khá khiêm tốn, thu ngân sách trên địa bàn ít ỏi… Nhưng quyết tâm khai phá vùng đất mở trên chính quê hương “trận đầu đánh Mỹ” đã làm động lực để chính quyền và nhân dân Quảng Nam quyết tâm tới cùng trong sự nghiệp xây dựng KKTM Chu Lai… Những nhóm dự án đã cho những mùa quả ngọt, không chỉ với riêng Núi Thành. Chưa kể, người Núi Thành hiện nay đã đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đón chờ những làn sóng phát triển mới, tự mình làm nên những cơ nghiệp từ chính đồng đất quê hương.

Một chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Chu Lai, vẽ trên nền trời những vệt sáng. Từ Tượng đài Chiến thắng, chúng tôi nhìn và nghe thấy cả những tiếng động cơ ầm ào khắp các phía. Những lứa tuổi 17 khi ấy, hẳn vẫn luôn tự hào trước những bước thay đổi từng ngày từng giờ của vùng đất chiến trường xưa, mỗi bận họ trở về. Con đường mang tên Vũ Thành Năm (thị trấn Núi Thành) – người đại đội trưởng của trận đánh đầu, bây giờ, giữ trong mình những bước chân tuổi trẻ.

3.Vài ngày trước còn nắng như vậy. Bây giờ đã mưa giăng tứ bề. Đủ thấy mảnh đất này khắc nghiệt bao nhiêu. Bão về. Cơn bão mang tên Doksuri. Ngư dân miền Trung, ngư dân Quảng Nam và dân vùng chảo lửa xưa ở vành đai diệt Mỹ đang sẵn sàng đón bão. Họ quen với tất cả cơn bão, chống chọi với mọi cơn cuồng nộ của từ thiên tai và nhân tai để tồn tại và phát triển. Tôi chợt hình dung dáng vóc lao đi vội vã của hàng nghìn công nhân giờ tan ca. Ở vùng đất đầy cát này - họ - là những nốt nhạc ở cung bổng đánh dấu mốc cho sự đổi thay. Anh Lê Thanh Vương (28 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Chu Lai), chị Nguyễn Thị Phương Thanh, người dân xã Tam Mỹ, đang làm việc tại Khu công nghiệp Chu Lai; hay nhiều người khác nữa. Họ đều là những người sinh ra khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc, và những câu chuyện lịch sử chỉ được biết qua ký ức của người già, sách vở. Bây giờ, họ là công nhân địa phương, làm việc ngay trên chính quê hương mình, không phải tha hương như gần 15 năm trước. Họ thấy mình may mắn. Anh Lê Thanh Vương nói, Khu công nghiệp Chu Lai mở ra, đã tạo một bước ngoặt cho chính cuộc sống mình. Tha hương cũng làm thuê cho người ta. Về quê mình làm ổn định, lại dư dả hơn.

Họ, cũng như bao người con khác của đất này, đang từng ngày viết tiếp câu chuyện lịch sử của thời bình...

Ghi chép của LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC

Ghi chép của LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC