Đồng hành với nhà nông

NGUYỄN HƯNG 12/09/2017 14:08

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng với lãnh đạo các sở, ban, ngành vừa  có chuyến khảo sát thực tế các mô hình hợp tác xã (HTX), mô hình kinh tế vườn và các điểm du lịch ở huyện Tiên Phước để giúp tỉnh có cơ sở đánh giá tổng quan về tiềm năng của địa phương…

Lãnh đạo tỉnh làm việc với huyện Tiên Phước về phát triển hợp tác xã, kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Ảnh: N.H
Lãnh đạo tỉnh làm việc với huyện Tiên Phước về phát triển hợp tác xã, kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Ảnh: N.H

Nhiều mô hình HTX hình thành

HTX Chế biến nông sản cau, quế Tiên Phước do anh Lê Văn Thẩm làm chủ nhiệm đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc hiện đại trị giá gần 10 tỷ đồng trên diện tích 1.000m2. Anh Thẩm cho biết, khi đi vào hoạt động công nghệ máy móc sẽ sấy nhanh (3 ngày có thể cho ra một mẻ, trong khi các lò cau bình thường phải mất đến 5 ngày) chất lượng cao, ít tốn công lao động so với lò sấy cau truyền thống. Theo dự tính trung bình mỗi năm cơ sở chế biến sẽ cho ra lò khoảng 800 - 1.000 tấn cau khô. Hiện tại, diện tích trồng cau trên địa bàn Tiên Phước khá lớn, tùy theo giá cả thị trường dao động, mỗi năm nông dân thu về khoảng 80 - 100 tỷ đồng. Còn anh Nguyễn Đình Khánh ở thôn 5, Tiên Cảnh cùng với các thành viên đứng ra thành lập HTX nông nghiệp Cảnh Tiên. Theo đó, các thành viên bỏ ra gần 2,5 tỷ đồng đầu tư sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích 3,5ha. Công trình đang thi công, dự kiến đi vào hoạt động mỗi ngày có thể cung cấp 500kg rau tươi ra thị trường. Anh Nguyễn Đình Khánh - Chủ nhiệm HTX cho biết: “Chúng tôi phần lớn còn trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng HTX nên bước đầu mong tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện về đất sản xuất lâu dài và thông tin kịp thời những cơ chế ưu đãi của Nhà nước giúp HTX có điều kiện phát triển”.

Bên cạnh đó, HTX Thỏ sạch xứ Tiên T&Đ do anh Trần Văn Đoàn ở thôn 2 Tiên Cảnh làm chủ nhiệm bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Hiện tại HTX có khoảng  2.500 con vừa nhân đàn, vừa bán con giống. Trung bình mỗi năm cơ sở xuất bán khoảng 6 tấn thỏ, ước tính thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Còn HTX Trầm hương do anh Trần Thế Hiển ở thôn 2 Tiên An làm chủ nhiệm chuyên sản xuất tinh dầu hương trầm nguyên chất và các mặt hàng trầm mỹ nghệ. Hiện HTX sản xuất hơn 1,5 tấn trầm hương với đủ loại mẫu mã, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/ năm. Đó là 4 trong tổng số 18 HTX đăng ký hoạt động trên nhiều lĩnh vực như sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, để giúp HTX phát triển sản xuất huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở làm việc, đất sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi… UBND huyện vừa phối hợp với Liên minh HTX Quảng Nam tổ chức đối thoại trực tiếp với các sáng lập viên HTX nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, định hướng cho HTX phát triển.

Đồng hành với nhà nông

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3150 ngày 29.8.2017 nhằm thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam. Theo Quyết định số 3150 trong giai đoạn 2017 - 2020 huyện Tiên Phước được tỉnh hỗ trợ mỗi năm 10 tỷ đồng để phát triển KTV, KTTT gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng.

Hiện nay, diện tích vườn của huyện Tiên Phước gần 7.500ha, trong đó vườn nhà  3.414ha, trên 80% diện tích đã được cải tạo đang phát huy hiệu quả. Trong 8 tháng đầu năm 2017, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã cải tạo chỉnh trang được 60 mô hình vườn nhà xanh - sạch - đẹp với mức đầu tư 100 - 150 triệu đồng. Riêng sản lượng cây thanh trà năm nay thu về khoảng 25 nghìn tấn quả, ước thu nhập 16 tỷ đồng. Các loại cây ăn quả khác cũng đem lại cho nhà nông hơn 200 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1.000 mô hình vườn đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp có hiệu quả kinh tế cao, phát triển hơn 200 trang trại, gia trại và 20 trang trại chuyên canh cây tiêu, lòn bon, thanh trà, măng cụt, sầu riêng… Theo ông Hường Văn Minh, hiện tại đã có một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng đầu tư khu nghỉ dưỡng, siêu thị mini Tiên Phước (khoảng 20 tỷ đồng); trồng và chế biến dược liệu, dự án nông nghiệp sinh thái tổng hợp (100 tỷ đồng); dự án Khu đô thị du lịch sinh thái sông Tiên (120 tỷ đồng); dự án khách sạn sông Tiên (52 tỷ đồng). Ngoài ra, huyện cũng đang xem xét một số dự án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (KTV, KTTT) với quy mô từ 3ha trở lên của một số doanh nghiệp, HTX đang có nhu cầu phát triển.

Sau khi đi khảo sát một số mô hình KTV, HTX, tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tiên Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Tiên Phước hội tụ đủ các yếu tố để phát triển KTV, KTTT gắn với du lịch sinh thái làng quê. Huyện nên gắn phát triển HTX, tổ hợp tác với việc phát triển KTV, KTTT; trong đó chú ý đến phong trào khởi nghiệp của thanh niên, đây là lực lượng nòng cốt, họ có cách nghĩ, cách làm hay giúp địa phương phát triển kinh tế. Các sở, ban, ngành cần tạo điều kiện giúp Tiên Phước triển khai thực hiện Đề án 548 phát triển KTV, KTTT gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 lồng ghép trong Quyết định số 3150 giai đoạn 2017 - 2020 của UBND tỉnh. “Để các HTX, tổ hợp tác, KTV, KTTT trên địa bàn huyện Tiên Phước phát triển cần phải tạo ra sự liên kết “4 nhà” để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Tiên Phước phát triển KTV, KTTT cần gắn với phát triển du lịch sinh thái; tuy nhiên trong quá trình đầu tư phát triển kinh tế, du lịch cần có phương án cụ thể tránh phá vỡ không gian, cảnh quan sinh thái làng quê” -   Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

NGUYỄN HƯNG

NGUYỄN HƯNG