Nguy cơ tái nghèo

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 12/09/2017 13:39

Mỗi năm, cứ đến mùa mưa bão, các tỉnh miền Trung lại nơm nớp với bài toán đã cũ: xóa nghèo và tái nghèo!

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 10 năm trước đây và hậu quả của biến đổi khí hậu hiện nay đe dọa đến việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm 12 tỉnh thành từ Quảng Bình đến Lâm Đồng) gần đây đã cho thấy nổi lên một hiện tượng: những hộ dân đã được báo cáo xóa hoặc giảm nghèo, chỉ một thời gian ngắn sau lại tiếp tục… tái nghèo! Tỷ lệ nghèo theo báo cáo ở các địa phương cho thấy đã giảm xuống mức 10% dân số, nhưng trên thực tế ở nhiều tỉnh số hộ tái nghèo lại bằng hoặc cao hơn số được giảm nghèo, trong đó có Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng. Bình quân có đến 60 - 70% số hộ tái nghèo tại khu vực miền Trung.

Theo giải thích của Bộ LĐ-TB&XH, do mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu còn thấp, sử dụng vốn chưa hướng vào những nguyên nhân nghèo đói bức xúc nhất; thu nhập của hộ cận nghèo còn bấp bênh; đã và đang xảy ra tình trạng ỷ lại vào chính sách ưu đãi và sự đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng... Tuy nhiên, có một nguyên nhân hết sức quan trọng là thiên tai thường xuyên xảy ra trong khu vực nông thôn như hạn hán, bão lũ cùng với sự quản lý lỏng lẻo, quan liêu trong xây dựng và thực hiện các dự án trọng điểm ở nông thôn cũng là tác nhân của tình trạng tái nghèo. Nhiều công trình xây dựng kém chất lượng đã hư hại sau bão lụt. Trong khi đó, người dân lại thiếu khả năng xây dựng nhà ở có đủ điều kiện chống chịu bão lũ lớn như hiện nay.

Nhìn vào thực trạng đời sống người dân trong các trận lũ đang diễn ra tại Quảng Bình và các tỉnh Bắc miền Trung vừa qua cũng thấy được điều này. Tôi còn nhớ cách đây không lâu xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là hình mẫu trong xóa đói giảm nghèo, là xã đầu tiên trong huyện xin rút khỏi Chương trình 135 của Chính phủ, nhưng sau 2 trận lũ lụt lớn thì Tân Hóa trở lại thời kỳ... 100% hộ đói. Muốn quy hoạch dân cư đến nơi cao hơn, mỗi xã phải mất đến cả 100 tỷ đồng. Nhiều địa phương không có lấy một chiếc thuyền công để đi cứu dân thì lấy đâu ngân sách để đầu tư chừng đó tiền! Một chủ tịch xã trong vùng lũ Hà Tĩnh nói thiệt lòng: “Nếu Nhà nước đầu tư cho mỗi xã chúng tôi chục chiếc thuyền, thì lãnh đạo cấp trên cứ ngủ ngon giấc chứ chẳng phải lo ai chết cả!”. Nhưng thuyền là để cứu người, còn tài sản, nhà cửa vùng lũ thì sao?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tuy tốc độ giảm nghèo của Việt Nam đạt nhanh nhưng vẫn thiếu bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo khá đông rất dễ tái nghèo do những bất cập trong xây dựng chiến lược, triển khai các dự án cụ thể, xây dựng các quy hoạch ở nông thôn. Ngân hàng Thế giới cho rằng các nước có nguy cơ cao về tái nghèo cần tập trung tài chính ngay trên từng địa bàn nông thôn để tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cơ bản, cơ sở hạ tầng và các chương trình an sinh xã hội cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Đó là các mục tiêu rất cụ thể, nhưng không phải dễ dàng nếu không được nhận thức và định hướng thống nhất từ các cấp. Các mục tiêu đó tuy là ngắn gọn nhưng hàm chứa những nội dung mang tính khoa học, liên ngành và cần được thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong các kế hoạch kinh tế - xã hội trung đến dài hạn của từng địa phương. Các nhà phân tích xã hội học đô thị còn cho rằng, 4 chương trình ấy không chỉ giảm được áp lực tái nghèo ở nông thôn mà còn tránh được các hệ lụy về di dân, áp lực xã hội và môi trường hiện nay tại các đô thị.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG