Lập hồ sơ sức khỏe điện tử: Khó khăn giai đoạn hai

NGUYỄN DƯƠNG 12/09/2017 13:28

Qua giai đoạn đầu gấp rút lập hồ sơ sức khỏe điện tử, toàn tỉnh cơ bản đã đạt gần 100% số người được xác lập hồ sơ. Bước vào giai đoạn 2, là giai đoạn then chốt để hoàn thiện mọi xét nghiệm củng cố hồ sơ đã xuất hiện nhiều khó khăn.

Việc lập hồ sơ với những bệnh phức tạp sẽ gặp nhiều khó khăn. TRONG ẢNH: Bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. (ảnh minh họa)Ảnh:D.LỆ
Việc lập hồ sơ với những bệnh phức tạp sẽ gặp nhiều khó khăn. TRONG ẢNH: Bệnh nhân sử dụng dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. (ảnh minh họa)Ảnh:D.LỆ

Chưa có kinh phí

Là một trong các tỉnh đầu tiên được Bộ Y tế thí điểm mô hình lập hồ sơ sức khỏe điện tử, Quảng Nam nỗ lực để thực hiện giai đoạn đầu từ tháng 7 đến cuối tháng 8.2017. Theo đó, đã hoàn thành việc lập hồ sơ cho hơn 1,4 triệu người dân trong tỉnh, với tỷ lệ gần 100%. Đó là nỗ lực của tất cả cán bộ y tế hoàn thành chỉ tiêu Bộ Y tế đề ra. Tuy nhiên, việc chưa có kinh phí phân bổ phục vụ  công tác này đang trở thành trở ngại lớn giai đoạn tiếp theo. Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện nay kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng chưa biết đến khi nào mới có kinh phí rót về để phục vụ công tác này. “Trước mắt, chúng tôi động viên tất cả anh em cùng cố gắng để thực hiện giai đoạn 1 của chương trình. Còn lại vẫn phải chờ kinh phí để tiếp tục” - ông Văn nói.

Theo bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, đây là địa phương tập trung dân cư đông nhất trong cả tỉnh, chính vì vậy việc thu thập thông tin để cập nhật hồ sơ điện tử gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ y tế cơ sở phải huy động hết năng suất mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. “Đến hiện tại, chúng tôi đã lập hơn 223 nghìn hồ sơ điện tử, đạt 100% so với kế hoạch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, nghĩa là mới lập hồ sơ để quản lý nên có thể nhanh chóng đạt được. Nếu để hoàn thiện một hồ sơ hoàn chỉnh còn rất nhiều việc phải làm, nhất là vấn đề kinh phí” - bác sĩ Thoại nói. Theo tính toán của bác sĩ Thoại, việc cần thiết nhất để hoàn thiện các thông số, chỉ số, hồ sơ bệnh lý của mỗi người cần phải tiến hành các xét nghiệm liên quan, nhất là xét nghiệm máu. “Trung bình mỗi người (tối thiểu) tốn khoảng 100 nghìn đồng để có được những thông tin sơ bộ. Như vậy, nhân lên với số người của tỉnh đó là con số rất lớn, vì vậy để có nguồn kinh phí phục vụ hoạt động này không hề dễ dàng”.

Khó cho miền núi

Công việc quan trọng nhất là phải liên thông được giữa 2 phần mềm: khám chữa bệnh điện tử (VNPT-HIS của Tập đoàn VNPT) và phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (Tập đoàn Viettel). Khi đó, người dân ở tuyến xã có lên tuyến huyện hay tỉnh để khám chữa bệnh thì đã có thông tin cần thiết về tiền sử bệnh án của người dân.

Một trong những khó khăn của các huyện miền núi khi thực hiện chương trình lập hồ sơ sức khỏe điện tử chính là ở đây hệ thống thông tin liên lạc còn yếu. Có nơi còn chưa có điện nên phải thực hiện bằng 3G nên rất khó để cập nhật kịp thời. “Người dân khu vực này thường xuyên lên rẫy làm việc trong thời gian dài. Vì vậy chúng tôi phải huy động đoàn thanh niên của Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn thường xuyên về đến xã những ngày cuối tuần để trực tiếp khám và lập hồ sơ cho bà con. Tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất tại các nơi này chưa thể khắc phục được. Những xã như Phước Lộc cách trung tâm quá xa, nhiều thôn vẫn chưa có điện nên việc sử dụng mạng, phần mềm rất khó khăn” - bác sĩ Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết.

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết, một số địa phương ở xa trung tâm hành chính xã, điện thắp sáng  không ổn định, một số thôn chưa có điện lưới cũng như hệ thống thông tin liên lạc, không có mạng 3G, 4G… nên việc cập nhật dữ liệu trên máy khó khăn, phải cập nhật thủ công qua nhiều công đoạn. Bên cạnh đó, kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, do vậy đã ảnh hưởng đến việc cập nhật, xử lý dữ liệu. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện các thao tác làm quen với các dữ liệu phần mềm quản lý sức khỏe cá nhân nên một số mục còn khá bỡ ngỡ. Mặt khác, thời gian được tập huấn và hướng dẫn thực hành thao tác về phần mềm không nhiều, nên một số cán bộ, nhân viên không theo kịp” - bác sĩ Thông nói.
Ngoài ra, việc cùng lúc sử dụng nhiều phần mềm mới để thực hiện công tác khám chữa bệnh như: phần mềm VNPT- HIS, cổng giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội tỉnh hay phần mềm quản lý sức khỏe điện tử khiến cho các cán bộ y tế gặp nhiều khó khăn. “Việc liên thông dữ liệu từ các phần mềm khác như: tiêm chủng mở rộng, báo cáo bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính, phần mềm VNPT - HIS chưa hoàn chỉnh nên cũng khó cho chúng tôi trong việc vận hành, cập nhật các thông tin liên quan cần thiết, để thống nhất hoàn chỉnh một hồ sơ” - bác sĩ Thông nói.

Theo ông Nguyễn Văn Văn, ở giai đoạn 2 (bắt đầu từ tháng 10 tới) sẽ tập trung bổ sung những thông tin cần thiết để hoàn thiện 100% hồ sơ sức khỏe cho người dân. Huy động mọi nguồn lực của các cơ sở y tế để tiến hành thu thập những bệnh lý cần thiết thông qua những buổi khám sức khỏe toàn dân hay khám chữa bệnh nhân đạo.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG