16 năm sau vụ khủng bố 11.9

QUỐC HƯNG 11/09/2017 12:31

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố, từ ngày 8 đến 10.9 cả nước Mỹ cầu nguyện và tưởng nhớ ngày tấn công khủng bố 11.9.2001 và kêu gọi người dân khắp thế giới chia sẻ với người dân Mỹ về mất mát này.

Đặt hoa tưởng niệm nạn nhân 11.9 tại Mỹ. Ảnh: Alamy
Đặt hoa tưởng niệm nạn nhân 11.9 tại Mỹ. Ảnh: Alamy

Ngày 11.9, cả thế giới chấn động trước biểu tượng cho sức mạnh Mỹ - tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) bốc cháy và sụp đổ vì bị khủng bố, khiến gần 3.000 người từ hơn 90 quốc gia khác nhau bị thiệt mạng. Ngày 2.5.2011, một nhóm đặc vụ SEAL của Mỹ đã đột kích vào nơi ở và tiêu diệt kẻ cầm đầu Bin Laden tại Abbottabad, Pakistan. Nhưng đã 16 năm trôi qua, những hình ảnh, ký ức đau thương về ngày thảm họa 11.9 tại Mỹ vẫn còn ám ảnh, chưa nguôi trong tâm trí nhiều người. Gia đình các nạn nhân vẫn chờ đợi kết quả từ giám định viên. Thống kê đến nay, còn hơn 1.110 người, tức 40% nạn nhân, chưa được nhận diện, dù nhiều công nghệ giám định AND được áp dụng. Ngày nay, một tòa tháp mới đã được xây dựng lên ở “Khu vực số 0” cùng với một đài tưởng niệm nạn nhân 11.9. Cạnh đó, hơn 6.000 người khác bị thương trong vụ khủng bố và rất nhiều người bị các di chứng về tâm lý, bệnh tật khác kéo dài đến tận ngày nay.  

Sáng 11.9.2001, người dân New York đến công sở như mọi ngày. Cách đó 530km, 19 kẻ sắp thực hiện phi vụ cuối cùng trong đời khiến nước Mỹ mãi mãi thay đổi. Đúng 8h46, một tiếng nổ chói tai vang lên, chiếc máy bay mang số hiệu 11 của American Airlines đâm vào tầng 93 đến 99 của tòa tháp phía bắc. Sau đó 17 phút, phi cơ mang số hiệu 175 của hãng hàng không United Airlines đâm vào tầng 75 đến 85 của tòa tháp phía nam. Trong tích tắc, gần 3.000 người cùng 19 kẻ khủng bố tàn ác thiệt mạng.

Mười sáu năm sau thảm họa trên, Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thế giới không phải chứng kiến vụ khủng bố nào gây thiệt hại nghiêm trọng với quy mô như thế. Thời hậu Bin Laden, chủ nghĩa khủng bố có thể bị suy yếu hoặc hoạt động co cụm trong khi chủ nghĩa khủng bố mới nổi lên - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nay cũng mất đi nhiều căn cứ trọng yếu khi IS thất thủ tại Mosul (Iraq) vào tháng 7 vừa qua. Đây được xem là chiến thắng mang tính biểu tượng quan trọng, bởi tại Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq được IS tuyên bố thành lập Vương triều Hồi giáo Khalifat, là cơ quan đầu não tập trung tất cả bộ máy quân sự, hành chính, dân sự của IS. Tiếp sau đó, các Lực lượng dân chủ Syria - một liên minh do Mỹ hậu thuẫn để chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đã “hất cẳng” IS ra khỏi một nửa Raqqa - thành trì của IS tại Syria. Ngoài ra, mối đe dọa do các “chiến binh nước ngoài” của Mỹ quay trở về đã được đào tạo bởi IS là khá thấp so với các nước châu Âu...

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công cuộc chống khủng bố nhưng vẫn còn nhiều mối đe đọa đến an ninh toàn cầu. Nhiều vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Mỹ, châu Âu và một số nơi khác trên thế giới sau biến cố 11.9 tại Mỹ. Năm 2005, khủng bố tấn công liên tiếp trên các tàu điện ngầm Luân Đôn (Anh) và trên một chiếc xe buýt hai tầng ở Quảng trường Tavistock khiến 52 người dân thường thiệt mạng và hơn 700 người khác bị thương, là sự cố khủng bố lớn nhất của Vương quốc Anh kể từ vụ đánh bom Lockerbie năm 1988. Trong gần hai năm qua, châu Âu chứng kiến 20 vụ tấn công khủng bố khiến số người thiệt mạng lên đến hàng trăm người, phần lớn là các vụ khủng bố do IS chủ mưu. Thiệt hại nghiêm trọng nhất phải kể đến Pháp, như vụ tấn công thành phố Nice ngay đêm quốc khánh 14.7.2016 khiến gần 90 người chết. Theo thống kê của tổ chức New Research, kể từ 2014, nước Mỹ chứng kiến nhiều vụ khủng bố khiến gần 100 người thiệt mạng.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG