SEA Games, Asiad và Olympic
SEA Games được coi là “ao làng”, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi lẽ, gần như có một quy luật bất thành văn là “nước nào đăng cai thì nước đó giành ngôi vị nhất toàn đoàn”. Không có một điều lệ khung cho đấu trường SEA Games. Ngược lại, môn thi đấu, số lượng nội dung được chọn một cách tùy hứng, thậm chí đôi lúc theo… cảm hứng của nước chủ nhà như việc Malaysia đề xuất đội bóng đá U22 của họ được quyền chọn bảng đấu! Dần dần, những môn thể thao thuộc sân chơi lớn nhất hành tinh như Olympic hay lớn nhất châu lục như Asiad phải rút lui, nhường chỗ cho các môn truyền thống của nước đăng cai SEA Games. Do đó, cứ mỗi kỳ SEA Games người ta lại thấy xuất hiện một số môn thể thao lạ hoắc.
Vận động viên Lê Tú Chinh giành 3 HCV điền kinh, trở thành nữ hoàng tốc độ mới của Việt Nam.Ảnh: Zing.vn |
Nói điều này để thấy, thể thao Việt Nam vừa có một kỳ SEA Games khá thành công khi gặt hái được kết quả tốt ở các môn Olympic. Đó mới là điều đáng trân trọng và là câu chuyện đáng để nói. Kỳ tích của điền kinh là biểu hiện rõ nhất cho thành công của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Với việc giành được 17 tấm huy chương vàng (HCV) - nhiều nhất trong số các môn, lần đầu tiên chúng ta vượt qua Thái Lan để trở thành nước sở hữu số lượng HCV điền kinh nhiều nhất tại đại hội. Tại bất kỳ đại hội thể thao nào, điền kinh là môn luôn được quan tâm rất nhiều, nếu không nói là số một. Nếu như bóng đá là “vua” thì điền kinh được gọi là “nữ hoàng”. Năm nay, thể thao Việt Nam xuất hiện nhiều “nữ hoàng” mới và còn khá trẻ như Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền. Tin vui hơn là thành tích của các vận động viên này tiệm cận với thành tích tại đấu trường Asiad.
Xếp sau điền kinh là môn bơi lội và cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên được nhắc đến đầu tiên với 8 HCV. Thật ra Ánh Viên không phải là gương mặt mới và thành tích 8 HCV từng được cô gái người Cần Thơ thiết lập ở SEA Games 28 cách đây 2 năm. Song, mục tiêu chính của “cô gái vàng” bơi lội Việt Nam là đấu trường Asiad và cả Olympic chứ không phải khu vực Đông Nam Á. Ròng rã mấy năm trời khổ luyện trên đất Mỹ rõ ràng không phải để cho “tiểu tiên cá” lấy vàng ở sân chơi SEA Games. Và thực tế, chứng kiến chiến thắng của Ánh Viên tại SEA Games 29 vừa qua cho thấy trình độ của cô có một khoảng cách khá xa so với các đối thủ ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trên đất Malaysia vừa qua, bơi lội chúng ta còn trình làng 2 tài năng còn khá trẻ là Nguyễn Hữu Kim Sơn (15 tuổi) và Nguyễn Huy Hoàng (17 tuổi) đều giành HCV, đặc biệt là phá kỷ lục SEA Games.
Ngoài điền kinh và bơi lội, chúng ta còn chiến thắng ở một số môn Olympic khác như cử tạ, thể dục dụng cụ, bóng bàn. Không chạy theo số lượng HCV ở những môn thể thao “ao làng”, định hướng phát triển của thể thao Việt Nam là các môn Olympic và Asiad. Và tại SEA Games 2017, chúng ta đã có được kết quả theo đúng định hướng đó khi trong tổng số 58 HCV của đoàn thể thao Việt Nam thì có đến 46 HCV ở các môn Olympic. Trong chia sẻ gần đây với báo chí, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 cho rằng, nếu được toàn quyền quyết định, SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam sẽ chỉ tổ chức các môn thể thao Olympic, bởi chỉ có như vậy mới đánh giá đúng thực lực của một nền thể thao. Ý tưởng này cần được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực mới có thể thành hiện thực. Đồng thời khắc phục tình trạng “ao làng”, chủ nhà tranh thủ “vơ vét huy chương”, giành rất nhiều HCV SEA Games nhưng lại trắng tay khi bước ra những đấu trường lớn là Asiad hay Olympic.
TƯỜNG VY