Giềng mối xóm làng
Ở nông thôn, ta thường gặp cảnh một nhà có tang thì cả xóm nghỉ việc vào đúng ngày đưa tiễn người xấu số về nơi an nghỉ một cách tự nguyện, để chung tay cùng tang quyến. Một nhà có hôn lễ thường gửi giấy mời cho lân lý cả xóm đến dự, không sót một ai. Một người ốm, cả xóm cũng thay nhau đến thăm, an ủi…
Tình nghĩa xóm làng ở nông thôn rất được coi trọng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Sau mối quan hệ gia đình, tộc họ thì tình làng nghĩa xóm rất được coi trọng. Đó là một đặc điểm văn hóa ở nông thôn Việt đến nay vẫn còn được gìn giữ. Tục ngữ có câu “Bán bà con xa mua láng giềng gần”, là nói cái sự gần gũi “Tối lửa tắt đèn có nhau” của xóm giềng. Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ chữ Hán về xóm làng, mà 4 câu đầu là: “Tổng tổng lâm lâm sinh chí phồn/ Sở cư xứ xứ hữu hương thôn/ Hào hoa hấp nhĩ tỉ lân hội/ Nhân hậu y nhiên mỹ tục tồn” (Dịch nghĩa: Nườm nượp sum sê sinh sản ra đông đúc/ Nơi nơi có người ở là có xóm làng/ Hào hoa tập hợp, xóm giềng kề bên nhau/ Nhân hậu vẫn thế, phong tục tốt đẹp còn nguyên).
Xóm làng là một từ cổ thuần Việt, chỉ những đơn vị cư trú. Nhiều xóm tạo ra làng. Nhiều làng hay thôn tạo nên xã. Nhưng thôn và xã lại là từ Hán Việt. Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao khi khảo sát việc hình thành các làng đã tổng kết có 7 hình thái hình thành các làng, nhưng hình thái nào thì làng cũng là sự tập hợp từ nhiều xóm, trại. Người Quảng Nam mỗi lần nhắc đến quê hương, dù trong lời than vãn, chúc tụng nhau hay thậm chí la mắng con cháu vẫn nhắc đến đầu tiên là hai từ xóm, làng trước hết: Bớ làng xóm ơi!; Tình làng nghĩa xóm… Điều này đã được các nhà nghiên cứu xác nhận khi đề cập các mối quan hệ từ thấp đến cao ở nông thôn: Gia đình, tộc họ, xóm làng... Sau “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” thì vẫn là “Bán bà con xa mua láng giềng gần” như một đạo lý sóng đôi nhắc nhớ lối sống muôn đời, là lân lý chòm xóm từ xưa. Vì thế tôi nghĩ mỗi chòm xóm tuy từ xưa chỉ có chừng 25 nóc nhà trở lại, nhưng nó tạo nên một sức sống, một sức mạnh lớn lao...
Như cái làng Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn) quê tôi: Từ xưa có ba xóm: Đông Bình (xóm Dưới), Tây Định (xóm Trên), Trung Lương (xóm Chay). Sau thì có thêm xóm Rừng, xóm Chợ và hai chòm vì chỉ có 9-10 căn nhà là chòm Côi, chòm Tiếu ở cách biệt các xóm. Nhưng từ hơn 400 năm trước mỗi xóm đã xây dựng được âm linh nghĩa tự, miễu xóm để thực hành những nghi thức văn hóa tâm linh đầy chất nhân văn. Cả làng lại có chùa làng thờ tam giáo đồng nguyên, có đình làng thờ thành hoàng bổn cảnh và các vị tiền hiền các tộc lớn đã có công quy dân lập ấp.
Tôi vừa đến thăm đình làng Khuê Bắc ở ngoại ô Đà Nẵng. Bên cạnh đình làng có cả miếu thờ Tam vị thổ công vốn là các vị thần của nền văn hóa Chămpa, tiền nhân của các làng Đại Việt. Đình làng Khuê Bắc là một di chỉ khảo cổ hiếm hoi còn lưu giữ hiện vật của 3 tầng văn hóa Sa Huỳnh, Chăm và Đại Việt, cho thấy làng xóm đã kế thừa, gìn giữ được một nếp văn hóa Việt nặng nghĩa nhân…
Trong tài liệu Quảng Nam xã chí lập vào năm 1944, nhiều làng đã tồn tại các xóm, các trại, các chòm. Trước đó, từ thế kỷ 17, phía bắc Dinh trấn Thanh Chiêm, Điện Bàn, bên cạnh các làng lớn được mô tả trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An còn có 6 giáp (lục giáp) vì có dưới 50 đinh hay các trại như Quảng Hậu. Sau các giáp, trại này dân cư tăng dần lên đã được lập làng và mang xã hiệu từ sau sự kiện “Bắc địa tấu từ” mà các nhà nghiên cứu xác định là sau giai đoạn Bùi Tá Hán vào bình định Quảng Nam, Quảng Ngãi thời kỳ sau Lê - Mạc…
Ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) ngày nay - gồm có các thôn Chiêm Sơn, Đông Yên, Phú Bông và Thi Lai - từng nhiều lần thay tên như Duy Hòa (1948 - 1950), Duy Trinh (1950 - 1954), Xuyên Trường (1955 - 1975) và trở lại tên xã Duy Trinh từ năm 1977 đến ngày nay. Riêng thôn Đông Yên là sự hình thành của 6 xóm cùng có từ Yên làm gốc và ghép với một từ tố khác lần lượt là Hòa, Thuận, Đinh, Vĩnh, Mỹ, Tân… là địa phương nổi tiếng nghề nuôi tằm dệt lụa từ xưa. Hay, làng Câu Nhí xưa (nay thuộc xã Điện An, huyện Điện Bàn) gồm các xóm Miên La, Đồng Phủ, Hạnh Ba, Thai La, Mục Mã, Nhà Đề, Nhà Bối. Làng Hà My (thuộc xã Điện Dương ngày nay) nguyên có tên cũ là Hà Tôm, được xác lập từ các xóm Trung, xóm Tây, xóm Đông, xóm Trảng Cát, Gò Nông, Sa Khê, Văn Kinh, Thăng Liên, xóm Huế, xóm Nò, xóm Lờ, cũng là một địa phương nổi tiếng nhiều mặt nằm dọc sông Cổ Cò nối Đà Nẵng với Hội An.…
Dân số phát triển, các xóm từ vài ba chục căn nhà đã tăng lên nhanh chóng và đó là nguyên nhân thay đổi các địa danh địa vực. Từ xóm phát triển thành các thôn thuộc một xã. Có những thôn lớn (gồm nhiều xóm) hình thành hẳn một xã - mà các nhà dân tộc học trong quá trình nghiên cứu thường gọi là “nhứt xã nhứt làng”. Trong quá trình đó, nếu trước đây các xóm thường bị cô lập, tách biệt do giao thông không thuận lợi, thì nay đã được kết nối. Nhiều đường liên thôn được mở rộng, bê tông hóa đã tạo nên những thay đổi rõ rệt. Đi về các vùng nông thôn, nếu trước đây có tình trạng thanh niên phân biệt, tỵ hiềm giữa xóm này với xóm kia hay việc kết hôn nhiều đời chỉ diễn ra giữa nam nữ thuộc các tộc họ trong cùng một xóm, một làng, thì nay đã giảm hẳn. Quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới cộng với ứng dụng công nghệ thông tin liên lạc đã tạo ra nguy cơ bản sắc văn hóa làng xã bị phai nhạt nhưng đồng thời cũng tạo ra sự tích cực về mặt xã hội là các mối giao lưu kinh tế, hôn nhân đã mở rộng.
Lịch sử hình thành các xóm, hay châu, trại ngày xưa còn là do một người của một tộc họ nào đó đến khẩn hoang rồi đưa bà con, họ hàng tộc mình đến ở, hình thành các xóm. Ngày nay tồn tại nhiều làng có tên Đặng Xá, Mai Xá, Hồ Xá chẳng hạn, đã chứng minh vùng đất ngày xưa của các gia đình họ Đặng, họ Mai, họ Hồ… quần cư. Về sau có thêm các tộc khác đến ở hoặc có những “chàng rể” đến lấy vợ và ở lại. Các “xá” ấy có thêm nhiều họ khác. Cũng có trường hợp do quan hệ nghề nghiệp, hoặc do việc hình thành các làng lớn đã kết nối các xóm trở lại với nhau. Quá trình đó góp phần xóa dần sự biệt lập, khu biệt, kỳ thị địa phương. Nhưng xét cho cùng cái văn hóa “tình làng nghĩa xóm” vẫn là một nét văn hóa cần gìn giữ ở khía cạnh tích cực của nó. Có lẽ vì vậy mà những ý thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hào hoa tập hợp, xóm giềng kề bên nhau. Nhân hậu vẫn thế, phong tục tốt đẹp còn nguyên”, như một lời nhắc nhở, cho dù xã hội tiến bộ đến đâu!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG