Ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả trợ cấp ưu đãi người có công: Tiến tới số hóa dữ liệu

LÊ DIỄM 08/09/2017 08:57

Hôm qua 7.9, UBND tỉnh có cuộc họp nghe Sở LĐ-TB&XH báo cáo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chi trả chế độ ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng. Theo nhận định của ngành chức năng, Quảng Nam có đến 23% dân số là NCC, trong khi chế độ chính sách thường xuyên biến động, địa bàn lại rộng và nhiều xã ở quá xa nên việc chi trả chế độ, quản lý hồ sơ NCC gặp không ít khó khăn. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới số hóa dữ liệu về NCC là hết sức cần thiết.

Hồ sơ người có công đang được lưu trữ thủ công nên cần thiết phải số hóa để quản lý tốt hơn. Ảnh: D.L
Hồ sơ người có công đang được lưu trữ thủ công nên cần thiết phải số hóa để quản lý tốt hơn. Ảnh: D.L

Ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 1997 đến năm 2015 đơn vị đã ứng dụng chương trình phần mềm quản lý tài chính chi trả trợ cấp ưu đãi NCC. Phần mềm này chủ yếu phục vụ cho công tác chi trả trợ cấp, như tìm kiếm tên NCC hưởng trợ cấp, kết xuất danh sách chi trả (trợ cấp hàng tháng), khai báo hệ thống việc điều chỉnh mức trợ cấp mới; xuất chuyển dữ liệu... Phần mềm chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý tài chính; chưa kết xuất được danh sách NCC hưởng chế độ điều dưỡng, ưu đãi học sinh - sinh viên, phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình; không kết xuất được báo cáo tổng hợp từng nhóm NCC hưởng trợ cấp. Phần mềm cũng không tổng hợp báo cáo được tình hình tăng - giảm người nhận chi trả trợ cấp hàng tháng; không tra cứu được trường hợp trùng tên, trùng chế độ trợ cấp, không in được danh sách NCC hưởng trợ cấp đến thôn, tổ, khối phố để xác định trường hợp trùng tên, hưởng trùng chế độ; danh sách không sắp xếp theo thứ tự a, b, c...

Để khắc phục những khó khăn trên, từ đầu năm 2016 đến nay, thực hiện chủ trương chung của Bộ LĐ-TB&XH, sở chuyển sang ứng dụng phần mềm “Quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi NCC” cho việc chi trả trợ cấp. Theo đó, các phòng LĐ-TB&XH, trung tâm nuôi dưỡng - điều dưỡng NCC tiến hành khảo sát, thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến NCC (ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ thôn, tổ; quan hệ người hưởng; tên liệt sĩ, người phục vụ thương binh) để cập nhật bổ sung thông tin vào phần mềm do Trung tâm Thông tin Bộ LĐ-TB&XH cài đặt. Ông Võ Đình Thạo - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Từ khi ứng dụng phần mềm mới, cán bộ chi trả có thể giải đáp cơ bản những vướng mắc liên quan đến hoạt động chi trả. Chuyện cập nhật thông tin người được hưởng chế độ, nhận dữ liệu tăng mới từ sở đến các đơn vị, cũng như việc chuyển dữ liệu biến động (cắt giảm chết, chuyển đi nơi khác) của các đơn vị về sở để tích hợp dữ liệu toàn tỉnh và chuyển dữ liệu cho Bộ LĐ-TB&XH được thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, việc chọn lọc dữ liệu, tìm kiếm trường hợp trùng tên, trùng chế độ và kết xuất dữ liệu kịp thời phục vụ cho công tác chi trả trợ cấp NCC; tra cứu, thẩm định xét duyệt hồ sơ chính xác, kịp thời, hiệu quả”. Ngoài ra, việc kết xuất dữ liệu báo cáo trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần, trợ cấp ưu đãi học sinh - sinh viên, trợ cấp dụng cụ chỉnh hình và bảo hiểm y tế... từ cấp huyện đến tỉnh kịp thời.

Số hóa là cần thiết

Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp thực hiện tốt việc chi trả chế độ trợ cấp chính sách mà còn phục vụ cho công tác quản lý tài chính, quản lý NCC hưởng chế độ; tiện lợi trong tra cứu, tìm kiếm phục vụ công tác quản lý, xử lý thông tin, giải quyết hồ sơ chính sách NCC. Tuy vậy, phần mềm hiện nay có nghiệp vụ khá phức tạp, như cơ sở dữ liệu lớn, phần mềm điều hành riêng biệt; trong khi trường hợp hưởng chính sách trợ cấp có số lượng quá lớn, lại phân thành nhiều nhóm, nhiều mức trợ cấp, mà việc kết nối dữ liệu đôi lúc còn chậm, mặc dù đã được kiểm tra và vận hành nhưng quá trình sử dụng có khi phát sinh một số lỗi. Đối với dữ liệu kế toán hiện vẫn chưa đáp ứng được một số yêu cầu đặc thù tại phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, nhất là nghiệp vụ liên quan đến yêu cầu của kho bạc như chứng từ, giấy rút kinh phí, chuyển khoản... chưa đúng biểu mẫu, báo cáo theo quy định của Bộ Tài chính. Trung tâm Thông tin Bộ LĐ-TB&XH chưa hỗ trợ kịp thời kỹ thuật về khai báo hệ thống dữ liệu, gây khó khăn trong công tác chi trả trợ cấp, báo cáo và tổng hợp dữ liệu cả tỉnh, như: thay đổi mức trợ cấp, mức lương tối thiểu. Thông tin cập nhật tăng mới, cắt giảm và xuất chuyển, nhận dữ liệu từ huyện đến tỉnh hoặc ngược lại chưa kịp thời. Đến nay còn huyện Phước Sơn chưa triển khai phần mềm, mặc dù đã được triển khai tập huấn cài đặt, bàn giao số liệu từ cuối năm 2015, gây khó khăn trong công tác báo cáo tổng hợp kinh phí chi trả, tổng hợp dữ liệu toàn tỉnh.

Quảng Nam hiện có hơn 330 nghìn hồ sơ đối tượng NCC nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin chỉ mới ở việc quản lý chi trả, chưa ứng dụng được trong quản lý hồ sơ. Hiện nay việc quản lý, tra cứu hồ sơ NCC tại Sở LĐ-TB&XH còn thực hiện thủ công, lưu trữ hồ sơ giấy nên theo thời gian bị hư hỏng nhiều, dễ dẫn đến mất dữ liệu. Riêng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chi trả chế độ ưu đãi, hiện nay dùng phần mềm chung của Bộ LĐ-TB&XH nên khi có lỗi, sai sót rất khó khắc phục.

Trong cuộc họp vào sáng ngày 7.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu Sở Thông tin truyền thông nghiên cứu có thể “địa phương hóa” phần mềm nhưng vẫn trên nền phần mềm chung của Bộ LĐ-TB&XH, như vậy khi xảy ra lỗi sẽ dễ khắc phục. Đồng thời Sở LĐ-TB&XH cần yêu cầu huyện Phước Sơn báo cáo lại vì sao không sử dụng phần mềm, làm ảnh hưởng đến toàn tỉnh. Đồng chí Lê Văn Thanh khẳng định, việc số hóa dữ liệu về NCC là cần thiết, sẽ tránh bị sót, bị trùng, theo dõi được việc chi trả đúng hạn hay không, quản lý tốt hơn hồ sơ NCC. Do đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan phải xây dựng một đề án riêng về việc số hóa dữ liệu NCC, có thể nghiên cứu học hỏi mô hình ở một số tỉnh, thành phố đã ứng dụng việc số hóa dữ liệu NCC để áp dụng.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM