Trường học Nhật Bản chú trọng bữa ăn trưa

QUỐC HƯNG 06/09/2017 15:07

Bữa ăn trưa tại các trường học bán trú tại Nhật được xem như mô hình kiểu mẫu, nhiều quốc gia học tập.

Học sinh bán trú tại Nhật tự phục vụ thức ăn cho nhau. Ảnh: citylab
Học sinh bán trú tại Nhật tự phục vụ thức ăn cho nhau. Ảnh: citylab

Từ lâu, Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có nền giáo dục chuẩn mực khi chú trọng phát triển thể chất và nhân cách cho học sinh, nhất là đảm bảo về dinh dưỡng học đường. Các em được cung cấp thức ăn ngon, tươi sống với các nguyên liệu thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ các nông trại, đảm bảo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Do đó, chỉ riêng tại các trường từ tiểu học đến trung học cơ sở, không chỉ có đầu bếp tay nghề cao mà còn có sự tham gia của chuyên gia dinh dưỡng và cả giáo viên trong trường. Bữa ăn trưa tại trường được xem như một trong những chương trình giáo dục trẻ em Nhật, chứ không đơn thuần là giờ giải lao. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã hiểu rằng những thứ đưa vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc của không chỉ một ngày mà cả cuộc đời.

Theo thống kế, hiện có hơn 10 triệu học sinh Nhật đang theo học tại các trường bán trú. Tại bữa ăn trưa, học sinh sẽ được hướng dẫn về dinh dưỡng từng loại thức ăn, về văn hóa và lịch sử nước Nhật. Nhiều trường học bán trú không thuê nhân viên tạp vụ bởi chính các em sẽ tự phục vụ và dọn rửa. Các chuyên gia dinh dưỡng bữa ăn trưa của Chính phủ Nhật - Nobuko Tanaka và Miki Miyoshi cho biết, cách làm đó sẽ giúp các em phát huy tính tự lập, biết chia sẻ cũng như hình thành nhân cách. Vào những năm cuối thế kỷ 19, một số trường tại Nhật bắt đầu cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh nghèo. Sau đó, chương trình Shokuiku (thực phẩm và giáo dục dinh dưỡng) được nhân rộng ra toàn quốc. Trong những năm chiến tranh, bữa ăn trưa của học sinh do các nhà tài trợ quốc tế cung cấp, chủ yếu là sữa và bánh mỳ. Ngày nay, món ăn trưa gồm cơm - món chính, canh, các loại rau củ, đậu và cá, thịt, sữa, trái cây. Thực đơn thay đổi mỗi ngày và học sinh không được yêu cầu món ăn khác. Tuy nhiên một số trẻ bị dị ứng sẽ được nhà trường chuẩn bị thực đơn riêng. Giờ ăn trưa ở các trường tiểu học Nhật cũng quan trọng không kém giờ lên lớp. Nên các em không cần phải vội vã, chỉ việc thong thả ngồi và thưởng thức bữa ăn. Đối với học sinh dưới bậc trung học không được phép mang theo thức ăn riêng tới trường. Trong khi các thành phố trả lương cho nhân viên nấu ăn, cha mẹ sẽ trả tiền thức ăn với khoảng 2,5 USD (khoảng 56.000 đồng) mỗi suất. Số tiền này có thể được giảm và miễn phí hoàn toàn cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình bữa ăn trưa chuẩn mực tại Nhật trên thực tế đã mang lại nhiều mặt tích cực. Mục đích chính là giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh và sống có trách nhiệm với bản thân. Tuổi thọ của người Nhật được xếp vào hàng cao nhất thế giới và tỷ lệ béo phì cũng rất thấp, góp phần làm gia tăng tuổi thọ trung bình của người Nhật lên 85, thuộc hàng cao nhất thế giới. Với tầm quan trọng của bữa ăn trưa dành cho học sinh, Chính phủ Nhật đã đưa giáo dục về dinh dưỡng và nguồn gốc thực phẩm vào luật, bắt đầu từ Luật cơ bản của Shokuiku (2005) cho đến Luật Sức khỏe tại trường học (2008).

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG