Áp dụng công nghệ mới thay cho sức người

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 06/09/2017 13:43

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở tổ 7A, khối phố Hương Trung, (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) là cơ sở chạm khắc gỗ của anh Nguyễn Văn Nam nhưng không còn nghe ồn bởi tiếng búa, tiếng đục và ô nhiễm bụi, do áp dụng công nghệ mới vào sản xuất bằng máy chạm khắc gỗ 3D.

Tin liên quan

  • KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO
Anh Nam đang vận hành máy điêu khắc gỗ 3D.Ảnh: N.Đ.N
Anh Nam đang vận hành máy điêu khắc gỗ 3D.Ảnh: N.Đ.N

Anh Nam thuộc thế hệ 8X, quê ở Tam Dân (Phú Ninh). Năm 18 tuổi, anh Nam xuống Tam Kỳ theo học nghề chạm khắc gỗ, vừa học vừa làm kiếm cơm nuôi bản thân. Một năm sau, anh Nam nhập ngũ, được biên chế về Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10. Hơn 2 năm đóng quân ở Đăk Tô, Tân Cảnh (Kon Tum). Năm 2002, anh Nam xuất ngũ trở về địa phương và chọn nghề mộc đã học trước đó để sinh sống. Qua thời gian tìm hiểu, anh quyết định thuê mặt bằng tại khối phố Hương Trung để mở cơ sở chạm khắc gỗ gia công. Chính sự tận tâm với nghề, sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên dần dà nhiều người tìm đến. Hơn 4 năm thuê mặt bằng tại đây, nhiều lần hàng xóm phàn nàn vì bụi và tiếng ồn của cơ sở mộc. Biết là hoạt động của cơ sở gây ảnh hưởng đến xung quanh nhưng đến năm 2016 anh mới dành dụm đủ tiền khắc phục hạn chế trên.

Theo đó, anh Nam vào TP.Hồ Chí Minh tìm mua chiếc máy điêu khắc gỗ 3D hiệu CNC cùng một số thiết bị phục vụ cho công việc chạm khắc gỗ với tổng giá trị hơn 210 triệu đồng. Anh Nam chia sẻ: “Số tiền trên đối với chúng tôi rất lớn nhưng thời buổi này nếu không đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại sẽ khó nâng cao năng suất”. Trước đây khi có hàng gia công, anh Nam phải lấy mẫu rập lên tấm gỗ vẽ theo yêu cầu của khách hàng, sau đó dùng đục, dũi để chạm khắc thủ công. Từ khi có máy đến nay chỉ mỗi thao tác là vẽ lập trình lên máy vi tính và để gỗ dưới mũi dao. Khi bật nguồn máy sẽ tự chạy theo mẫu đã thiết kế sẵn, sau đó làm nguội, chà giấy nhám, đánh bóng sản phẩm và giao cho khách hàng. Đặc biệt, từ khi lắp đặt máy hút bụi không chỉ giữ được máy móc sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực sản xuất mà còn không bị ô nhiễm bụi trong khu dân cư. “Làm thủ công năng suất thấp, thu nhập không cao, chất lượng hàng lại thấp. Từ khi áp dụng máy điêu khắc gỗ 3D vào công việc, chất lượng hàng vượt trội, không bị sứt mẻ, đường nét sắc sảo. Năng suất tăng 3 - 4 lần, nếu như trước đây ngày công của chúng tôi chỉ ở mức hơn 100 nghìn đồng/người/ngày thì đến nay có thể thu nhập được từ 300 - 400 nghìn đồng/người/ngày. Đó là đối với những đơn đặt hàng bình thường, chứ đơn đặt hàng có cùng mẫu mã với số lượng nhiều thì chúng tôi sử dụng cùng một lúc 4 mũi dao năng suất càng cao hơn” - anh Nam cho hay.

Cơ sở chạm khắc gỗ hiện có 3 thợ làm việc, không chỉ thuần thục về chạm khắc gỗ mà còn giỏi về đồ họa, tạo nên những mẫu mã đẹp. Đặc biệt, cơ sở đã tạo hàng trăm bức hoành phi, câu đối rất bắt mắt góp phần tích cực vào việc phục dựng các ngôi nhà cổ, đình thờ, miếu mạo…

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ  “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO”

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC