Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân: San sẻ gánh nặng cộng đồng
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân đạt 95%. Đây là một mục tiêu không dễ đạt được, khi trước mắt có những khó khăn cần phải giải quyết.
Bảo hiểm y tế toàn dân mang tính san sẻ cộng đồng.Ảnh: D.L |
Thách thức của lộ trình
Thực hiện BHYT toàn dân là một chính sách có ý nghĩa an sinh quan trọng, nhằm đạt được sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đổng thời qua đó thể hiện tính nhân văn ở sự sẻ chia giữa người mạnh khỏe và người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Thế nhưng, thời gian qua đối tượng thuộc các xã bãi ngang ven biển, xã nghèo, khó khăn, hộ nghèo thoát nghèo… tham gia BHYT giảm là một thách thức cho lộ trình này. Vì vậy, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã chú trọng công tác tuyên truyền tại các địa bàn và đối tượng nêu trên. Nhiều kế hoạch, hoạt động tuyên truyền đã được triển khai cụ thể, sinh động đến cơ sở. Qua đó, giúp người dân hiểu được lợi ích kinh tế, đảm bảo được sức khỏe khi có thẻ BHYT nên từ cuối năm 2016 nhiều người đã chủ động đăng ký tham gia BHYT hộ gia đình. Năm 2016, tỷ lệ BHYT bao phủ toàn dân đạt 93% (vượt kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2017 là 92%).
Theo đề án về thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tăng dần tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân qua các năm: 2016 hơn 90%, 2017 hơn 90,5%, 2018 hơn 91%, 2019 hơn 93% và 2020 hơn 95%. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT sẽ không ngừng được nâng cao, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT theo quy định. Tỉnh sẽ phấn đấu tiếp tục duy trì nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt 100%; tăng tỷ lệ các nhóm đối tượng chưa đạt 100% gồm nhóm người lao động và người sử dụng lao động, hộ gia đình, học sinh sinh viên, nhóm được ngân sách hỗ trợ như hộ nông, ngư, diêm nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, thực hiện lộ trình này sẽ gặp không ít trở ngại nhưng phải thực hiện cho đạt vì đây là mục tiêu an sinh xã hội. Trở ngại lớn nhất chủ yếu đến từ đặc trưng của tỉnh là số lượng đối tượng chính sách được ngân sách nhà nước bao cấp kinh phí mua thẻ BHYT rất lớn. Vì thế, khi những đối tượng như người nghèo, cận nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo hay người dân vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thay đổi vào năm 2017, thì ngân sách nhà nước không còn bao cấp kinh phí mua thẻ BHYT, như vậy người dân phải mua thẻ BHYT tự nguyện. Khi đó, việc tuyên truyền phải được thực hiện như thế nào cho hiệu quả để người dân tiếp tục tham gia BHYT, không làm ảnh hưởng đến lộ trình tiến đến BHYT toàn dân.
Nhiều giải pháp
Về việc cấp thẻ BHYT đối với người nhiễm HIV, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, băn khoăn: “Đối với người nhiễm HIV, trong giai đoạn này thì ngân sách nên cấp thẻ BHYT để họ được điều trị, khám chữa bệnh như những người bình thường khác. Nếu cấp thẻ BHYT thì thông tin về họ phải được giữ kín. Như vậy trên thẻ BHYT phải ghi ra sao để đảm bảo không có tính phân biệt đối xử đối với nhóm người này, nhưng cơ sở y tế vẫn biết để có hướng khám chữa bệnh đảm bảo cho họ, giảm lây nhiễm HIV cho xã hội”. |
Theo ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, hiện nay cần tập trung tuyên truyền ở các nhóm chưa tham gia BHYT, gồm người lao động thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và nhóm người lao động hợp đồng lao động dưới 3 tháng (hơn 27 nghìn người); nhóm người dân tham gia BHYT tự nguyện trong cộng đồng dân cư; nhóm học sinh sinh viên đã được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí... Và vào năm 2017 có khoảng 20 nghìn người sống tại các xã khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, cùng với khoảng từ 2 - 5 nghìn người thoát nghèo mỗi năm tiếp theo sẽ chuyển qua nhóm tự nguyện tham gia BHYT.
Để đảm bảo lộ trình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, ngành phải tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhằm đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, tiến tới nền BHYT toàn dân. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm người thuộc hộ cận nghèo 30% mức đóng (trung ương đã hỗ trợ 70%) để mua thẻ BHYT. Nhóm học sinh sinh viên ngoài 30% mức hỗ trợ của trung ương, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 20% mức đóng để khuyến khích tham gia BHYT. Hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được hỗ trợ 20% mức đóng; người nhiễm HIV được hỗ trợ 100% mức đóng. Đối với nhóm tự nguyện tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được hỗ trợ theo hình thức giảm dần số tiền mua thẻ BHYT theo số người, cho mua theo thời gian ngắn để giảm gánh nặng tài chính.
Ngoài sự hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng như trên, việc truyền thông chính sách BHYT đến với nhân dân cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Theo ông Phạm Văn Lại - Giám đốc BHXH tỉnh, các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH đều được đổi mới, đi vào chiều sâu. “Đáng chú ý nhất là cải cách hành chính được đẩy mạnh, hoạt động tuyên truyền đi vào chiều sâu, đến tận cơ sở, gặp trực tiếp nhân dân, người lao động nên hiệu quả mang lại rất rõ nét. BHXH từ tỉnh đến huyện, thành phố đều tập trung cải cách hành chính, chuyển đổi tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ đối tượng, lấy mục tiêu là sự hài lòng của đối tượng làm thước đo đối với từng cá nhân, đơn vị” - ông Lại nói.
Trợ lực từ Nghị quyết 21
Đến nay đã tròn 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”. Khi nghị quyết ra đời vào tháng 11.2012, Tỉnh ủy đã có sự chỉ đạo sát sao, các sở, ban, ngành và địa phương đã ngay lập tức ban hành các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, triển khai thực hiện trong toàn dân. Khẳng định tầm quan trọng của nghị quyết 21, ông Phạm Văn Lại - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Nghị quyết 21 đã tạo bước chuyển biến vô cùng quan trọng trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân tại Quảng Nam. Từ đó, vị trí và vai trò của chính sách BHXH, BHYT được nâng tầm, và là chính sách an sinh xã hội mang tính bền vững. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, nhằm tiến đến BHYT toàn dân được xem là việc chung của cả xã hội chứ không còn là trách nhiệm của riêng ngành BHXH nữa. Và điều quan trọng là các mục tiêu đặt ra trong đề án tiến tới nền BHYT toàn dân của Quảng Nam đều có thể đạt được theo đúng lộ trình”.
Ông Lại nhắc nhớ thời điểm trước khi Nghị quyết 21 ra đời, dường như việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT được xem là việc của riêng ngành BHXH, các ngành, địa phương không mấy quan tâm. Với người dân, khi được hỏi về chế độ chính sách liên quan đến BHXH, BHYT thì tỏ ra thờ ơ, thậm chí có người hoàn toàn không có thông tin về các chính sách này. Thế nhưng, khi Nghị quyết 21 ra đời, toàn hệ thống chính trị vào cuộc, đến thời điểm này, chính sách BHXH, BHYT đã bao phủ rộng khắp. Mỗi ngành, địa phương đều xem đó là trách nhiệm và cùng với ngành BHXH, ngành y tế thực hiện chính sách sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu chủ yếu trong thực hiện Nghị quyết 21 chính là tiến tới nền BHYT toàn dân, với đích đến của cả nước vào năm 2020 là độ bao phủ BHYT đạt tỷ lệ 80%. Nhưng Quảng Nam đề ra mục tiêu đạt 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2020, đó là sự phấn đấu lớn.
LÊ DIỄM