Mây đen che phủ hội nghị BRICS

NAM VIỆT 05/09/2017 15:35

Ngày 3.9, hội nghị thượng đỉnh BRICS khai mạc tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực gây lo ngại.

Hai nhà lãnh đạo Trung-Ấn. Ảnh: AP
Hai nhà lãnh đạo Trung-Ấn. Ảnh: AP

BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới bao gồm 5 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS chiếm tổng cộng 23% nền kinh tế thế giới và 43% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, ngay trong ngày khai mạc, đài truyền hình trung ương Triều Tiên lên tiếng chính thức xác nhận nước này đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H) lắp trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Bất chấp sự lên án kịch liệt và gây sức ép không nhỏ từ cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, sau lần gần đây nhất vào tháng 9.2016. Trước động thái trên của Bình Nhưỡng, ngày 4.9, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị BRICS đã đồng loạt lên án vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên. Tuyên bố Hạ Môn nêu rõ:” Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng hiện nay và vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh vấn đề này chỉ nên được giải quyết thông qua các giải pháp hòa bình và đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên”.

Nhiều chuyên gia phân tích tình hình cho rằng, vụ thử hạt nhân của Triều Tiên được xem là “phép thử thật sự” nhắm vào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bắc Kinh được xem như “nhân tố” có quyền lực thực sự ảnh hưởng đến các tính toán ở Washington về tình hình Triều Tiên. Vì thế, dư luận không ngạc nhiên khi Trung Quốc giận dữ chỉ trích gay gắt vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, trong khi ông Donald Trump nói Trung Quốc không ngăn nổi động thái “khiêu khích” gây nguy hiểm của Triều Tiên. Trước đó, Trung Quốc ủng hộ Liên hiệp quốc thắt chặt biện pháp trừng phạt Triều Tiên và  thông báo ngừng hoạt động xuất - nhập khẩu các khoáng sản với Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định rằng các lệnh trừng phạt về kinh tế của phương Tây nhằm vào Triều Tiên sẽ không có hiệu quả. Đồng thời các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn chỉ gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có trách nhiệm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bên cạnh vụ Triều Tiên phóng thử hạt nhân, phải kể đến căng thẳng biên giới Doklam nằm giữa hai nước Trung - Ấn nổi lên trong nhiều tháng qua. Xung đột Trung - Ấn có thể dẫn đến những khủng hoảng khó lường, bởi giữa hai nước láng giềng có chung 3.500km biên giới, mà phần lớn trong số này còn đang tranh chấp, cũng là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Nguyên nhân chính là quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam theo Ấn Độ, hay Động Lãng theo tiếng Trung, để xây dựng các công trình giao thông. Cách đây khoảng hơn một tuần, Ấn Độ và Trung Quốc thông báo đạt thỏa thuận rút quân nhằm xoa dịu căng thẳng tại khu vực tranh chấp, cùng bước vào hội nghị BRICS năm nay.

Trước đó, nhà lãnh đạo hai nước Trung - Ấn từng bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng Doklam khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Đức vào đầu tháng 7. Do đó, hội nghị BRICS lần thứ 9 diễn ra trong ba ngày từ ngày 3.9 được xem là cơ hội để hai nước tháo ngòi nổ căng thẳng. Tuy nhiên, khu vực tranh chấp Doklam vốn diễn ra từ nhiều thập niên qua không phải dễ dàng giải quyết triệt để. Như giới phân tích cho rằng, “ngòi nổ” Doklam đã hạ nhiệt ngay trước thềm hội nghị BRICS, nhưng vẫn có những tác động lâu dài tới bối cảnh địa chính trị.

NAM VIỆT

NAM VIỆT