Lúng túng với chất thải rắn

TRẦN HỮU 05/09/2017 09:39

Thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ các khu xử lý rác thải, chưa dự báo được lượng chất thải rắn thông thường xả ra, xử lý bằng phương pháp thủ công… là những thách thức trong công tác quản lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường hiện nay.

Hệ thống xử lý nước thải tại bãi rác Tam Xuân 2 đang hoàn thiện. Ảnh: TRẦN HỮU
Hệ thống xử lý nước thải tại bãi rác Tam Xuân 2 đang hoàn thiện. Ảnh: TRẦN HỮU

Xử lý thủ công

Nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh chủ yếu thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn và thành thị. Còn chất thải rắn (CTR) công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các làng nghề..., lâu nay phần lớn các chủ nguồn thải thu gom và hợp đồng xử lý chung với CTR sinh hoạt phát sinh ở cơ sở. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường như Sở Tài nguyên - môi trường cũng thừa nhận chưa thống kê chính xác tổng khối lượng CTR công nghiệp thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Tổng lượng CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2016 theo tính toán là 1.010 tấn/ngày. Trong đó, CTR sinh hoạt ở khu vực đô thị 335 tấn/ngày (chiếm 33% tổng lượng CTR) và CTR sinh hoạt khu vực nông thôn khoảng 675 tấn/ngày (chiếm 67% tổng lượng CTR). Năm 2017 kinh phí sự nghiệp dành cho đầu tư, quản lý, xử lý CTR 154 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, chính quyền không thu đủ thu đúng phí vệ sinh môi trường. Đứng trên cầu Tam Hòa dễ bắt gặp cảnh tượng người dân vứt rác thải tùy tiện xuống sông Trường Giang. Hậu quả là phía hạ du thuộc xã Tam Hải hứng chịu đủ rác thải trôi dạt về. “Vùng biển Tam Hải bị ô nhiễm nặng, rất cần một công trình xử lý ô nhiễm. Nhưng, vịn vào lý do các công trình xử lý rác thải quy mô lớn ở các nơi khác đầu tư lãng phí, kém hiệu quả dân đã không đồng tình cho xây dựng lò đốt rác tại chỗ, dù địa phương năm lần bảy lượt vận động tuyên truyền” - ông Trung nói. Tại huyện Phú Ninh, dù được công nhận huyện nông thôn mới, đảm bảo tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường, song theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đạo, năm 2017 kinh phí tỉnh phân bổ về 1,5 tỷ đồng. Mức thu phí rác thải theo đơn giá cũ thấp nhưng người dân vẫn không chịu đóng tiền. Năm 2018, địa phương cần 4,3 tỷ đồng để hợp đồng thu gom, vận chuyển với đơn vị có chức năng. Nếu tỉnh không bù thêm chi phí thì tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn sẽ rất khó khăn. Đến nay huyện chưa có quy hoạch khu xử lý CTR.

Khối lượng CTR của tỉnh tăng mỗi năm, năm 2016 khoảng 1.010 tấn/ngày nhưng lại thiếu các hạng mục công trình xử lý rác thải với công suất lớn. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, rác thải chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp. Trong số 20 bãi rác đang hoạt động chỉ có 6 bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh, gồm bãi rác Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) và 3 bãi chôn lấp ở xã Ba (Đông Giang), Đông Phú (Quế Sơn) và Trà Sơn (Bắc Trà My); 14 bãi rác thủ công còn lại nhỏ lẻ với quy mô diện tích dưới 0,5ha. Thời gian gần đây, nhiều bãi rác quy mô lớn như Tam Xuân 2, Đại Hiệp luôn trong tình trạng quá tải. Quá trình vận chuyển rác thải từ các địa phương lân cận về đây xử lý không đảm bảo môi trường, bốc mùi khiến người dân bức xúc. Trước đây, do giải quyết cấp bách lượng rác thải, việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý CTR rất tạm bợ, dễ bị ngấm sâu xuống lòng đất tràn ra môi trường bên ngoài; theo thời gian các hạng mục đã xuống cấp.

Quy hoạch không còn phù hợp

Bất cập lớn trong xử lý CTR tại các địa phương là chưa phân loại rác thải tại nguồn để xử lý triệt để. Hiện cả tỉnh chỉ có một nhà máy sản xuất phân compost xử lý rác sinh hoạt tại xã Cẩm Hà (TP.Hội An) với công suất thiết kế 55 tấn/ngày. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường, chính quyền các địa phương triển khai quy hoạch quản lý CTR còn chậm. Nhiều điểm quy hoạch xử lý rác thải không còn phù hợp. Hai đô thị lớn là TP.Tam Kỳ và Hội An, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 88 - 95%, trong khi đó khu vực nông thôn và miền núi chỉ đạt 35 - 42%. Việc lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý rác thải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo quy định rất khó khăn. Đơn cử như công trình lò đốt rác tại xã đảo Tam Hải dù được bố trí hơn 4 tỷ đồng để xây dựng nhưng người dân vẫn không đồng tình ủng hộ.

Trước thực trạng các bãi rác, khu xử lý CTR không đáp ứng được năng lực xử lý, UBND tỉnh chủ trương đầu tư hệ thống lò đốt theo tiêu chuẩn quy định hiện hành. Gần đây nhất, UBND tỉnh cho phép Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng đầu tư khu xử lý rác thải và phát điện theo hình thức PPP. Công ty này đề xuất xây dựng trên diện tích 5,1ha tại phần diện tích đất còn lại 21,5ha quy hoạch của khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 chưa sử dụng. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng, đề xuất của công ty trên không phù hợp. Lý do diện tích chồng lấn với diện tích đất đã cấp cho Công ty CP Môi trường đô thị làm khu xử lý rác thải Tam Xuân 2; không đảm bảo khoảng cách an toàn bởi cách nhà máy nước BOO Phú Ninh 28m; danh mục dự án chưa có trong quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Núi Thành, chưa đăng ký trong kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện. Còn theo UBND xã Tam Xuân 2, thời gian qua người dân khiếu nại về việc ảnh hưởng đến môi trường do nước thải, mùi hôi từ bãi rác Tam Xuân 2. Việc tiếp tục đầu tư dự án xử lý rác thải tại đây sẽ vô tình vận chuyển rác các nơi khác về nhiều hơn nên người dân không đồng thuận. “Không thống nhất cho phép Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng đầu tư nghiên cứu địa điểm xây dựng trong phạm vi 21,5ha quy hoạch của khu xử lý rác Tam Xuân 2 với lý do hiện nay đã hết đất sử dụng” - bà Hạnh khẳng định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đề nghị các địa phương chủ động, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài Nguyên - môi trường trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn cho phù hợp; xây dựng dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2018; tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả đề án quản lý CTR các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU