Cõi riêng của "địa phương ca"
Theo thời gian, những bài hát dạng “huyện ca”, “xã ca” xuất hiện càng lúc càng nhiều. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giới thiệu, quảng bá hình ảnh của một vùng đất nào đó, “địa phương ca” còn có khả năng kết nối, khơi dậy tình yêu quê hương trong hồn người...
Bất luận thế nào thì “địa phương ca” vẫn có một đời sống và số phận riêng đáng trân trọng. Trong ảnh: Một buổi giới thiệu tác phẩm mới của Chi hội Âm nhạc Quảng Nam. |
Cõi riêng
Dù có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít những ý kiến có vẻ mỉa mai, song “địa phương ca”, “huyện ca” vẫn đang là một “dòng nhạc” có một sức sống riêng. Thống kê chưa đầy đủ, 18 huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Nam đã có hơn 100 bài hát “huyện ca” đang lưu hành và nhiều bài trong số đó đã trở thành “chỉ dấu” ấn tượng và đầy đủ về một vùng đất mỗi khi nó cất lên. Trong đó, có thể kể đến các ca khúc như “Quế Sơn đất mẹ ân tình” (Đình Thậm); “Tam Kỳ khúc hát yêu thương” (Trần Ái Nghĩa); “Miền quê không xa” (Hồ Xuân Hương) ; “Gọi em là chiều Phú Ninh” (Phan Văn Minh); “Đêm hội phố Hoài” (Nguyễn Duy Khoái)... Bên cạnh rất nhiều những bài “huyện ca” đã và đang được lưu hành, không ít địa phương cấp xã trong tỉnh hiện cũng đã có “xã ca”, “phường ca”, vẫn thường được hát, được diễn trong các sinh hoạt cộng đồng hay trong các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, cho dù có lúc có nơi bị người nọ người kia xem thường về “tầm vóc” và “vị thế”, song hiện nay “địa phương ca” vẫn là một phần tất yếu của đời sống âm nhạc. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giới thiệu, quảng bá hình ảnh của một vùng đất nào đó, “địa phương ca” còn có khả năng kết nối, khơi dậy tình yêu quê hương trong mỗi tâm hồn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và ca hát của một bộ phận công chúng nhất định. “Đừng vì tính chất địa phương của các bài hát “địa phương ca” mà cho rằng chúng bé nhỏ, tầm thường. Mỗi vùng đất có một dáng vẻ riêng, ca khúc viết về chúng cũng từ đó mà cất lên thì sao lại nói là “rộng” hay “hẹp”? Vấn đề là bằng tài năng của mình, người nhạc sĩ phải biết cách làm cho hình ảnh, bản sắc, những nét đặc trưng của vùng đất ấy thăng hoa, hòa điệu cùng âm nhạc...” - nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích nói thêm. Tương tự, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Quảng Nam cũng cho rằng bất luận ai khen chê thế nào đi nữa thì “địa phương ca” vẫn có đời sống và số phận riêng của nó. Trong thực tế có nhiều bài “địa phương ca” hầu như chỉ được lan truyền ở một địa phương nào đó và ngược lại, không ít bài được rất nhiều người thuộc, được hát khắp trong nam ngoài bắc. Tuy nhiên, không nên chiếu theo đó mà cho rằng bài này “to” bài kia “nhỏ”; càng không nên xem thường các ca khúc “địa phương ca” chỉ phổ biến ở diện hẹp để từ đó xem thường cả “dòng nhạc” đặc thù này.
Sân chơi vẫn đang mở rộng
Mặc dù đã có gần 30 bài hát được các nhạc sĩ sáng tác riêng cho mình nhưng năm ngoái, TP.Tam Kỳ vẫn mở cuộc vận động sáng tác ca khúc về “thành phố hoa sưa vàng”. Nghe tin, không ít người tỏ ra ái ngại, vì sợ sẽ bội thực “Tam Kỳ ca”, vì e rằng sẽ có sự “giẫm đạp” ý tứ và cảm xúc lên những ca khúc đã có - nhất là với các ca khúc đã “thành danh” với vùng đất này. Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thì có cái nhìn lạc quan, rằng không việc gì phải e ngại, bởi với một thành phố trẻ đang vươn mình thì có biết bao nhiêu điều cần gửi trao, tâm sự... Và quả thật, sau nửa năm phát động, đã có tới 17 ca khúc mới về Tam Kỳ - mới cả về giai điệu, cảm xúc - được chọn từ hàng chục ca khúc do các nhạc sĩ từ nhiều nơi trong nước gửi về tham gia.
Không riêng gì Tam Kỳ, từ giữa năm ngoái sang đến đầu năm nay, thêm hai địa phương khác cũng mở cuộc vận động sáng tác ca khúc về đất và người quê mình, đó là thị xã Điện Bàn và huyện Nam Trà My. Bằng cách này, ngoài khoảng 20 ca khúc địa phương ca đã có từ trước, Điện Bàn đã có thêm chừng ấy ca khúc nữa cho riêng mình. Còn với Nam Trà My, sau khi cuộc vận động kết thúc, lần đầu tiên huyện miền núi cao này đã có hẳn một album riêng với 10 ca khúc. Trong đó có một ca khúc nhanh chóng thoát ra khỏi không gian hẹp của quê hương cao sơn ngọc quế, đến với công chúng và giới nhạc sĩ miền Trung - Tây Nguyên khi được đưa đi biểu diễn và đoạt giải B tại Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2017 - ca khúc “Về Nam Trà My” của nhạc sĩ Hoàng Bích...
Lùi lại một chút, trước đó mấy năm, các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Nông Sơn, Đại Lộc, Tây Giang cũng đã tổ chức vận động sáng tác ca khúc về địa phương mình. Trong đó, có một số ca khúc viết về Nông Sơn, Phú Ninh cũng nhanh chóng vươn ra khỏi phạm vi của huyện, của tỉnh, được giới thiệu rộng rãi trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia. Dù vậy, mới đây, một cán bộ lãnh đạo của huyện Nông Sơn cho biết, thời gian tới rất có thể huyện sẽ lại mời các nhạc sĩ về quê mình sáng tác, không phải vì chưa hài lòng với những bài “huyện ca” đã có mà là muốn có thêm những ca khúc “đậm đà” hơn để góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh một vùng đất trẻ trung, năng động, đầy kỳ vọng và triển vọng phát triển ra với bạn bè muôn nơi. Trong khi đó, một vài địa phương khác cũng đang tiếp tục tìm kiếm và chờ đón những ca khúc mới về đất và người quê mình...
BẢO ANH