Sắc mới ở vùng căn cứ cách mạng

NGUYỄN SỰ 02/09/2017 10:15

Là chiếc nôi của phong trào cách mạng, chịu tổn thất nặng nề về người và của, nên mảnh đất Quế Hiệp (huyện Quế Sơn) đối diện với vô vàn khó khăn sau ngày thống nhất đất nước. Vậy nhưng, với tinh thần đoàn kết, cán bộ và nhân dân nơi đây đã đồng cam cộng khổ xây dựng quê hương ngày càng phát triển…

Diện mạo nông thôn Quế Hiệp ngày càng khang trang.Ảnh: VĂN SỰ
Diện mạo nông thôn Quế Hiệp ngày càng khang trang.Ảnh: VĂN SỰ

Nỗ lực phát triển kinh tế

Chúng tôi về thăm lại vùng căn cứ cách mạng Quế Hiệp vào một ngày cuối tháng 8. Khác với cách đây 15 năm, những cánh đồng lúa nơi này giờ đã tươi tốt hơn, óng ánh hạt vàng của sự no ấm. Ông Trần Thanh Chung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Hiệp nói rằng, sau ngày quê hương giải phóng, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám người dân địa phương. Theo ông Chung, thời điểm đó, vãi hạt giống xuống đất là nhà nông cứ ngửa mặt cầu mưa, bởi hệ thống thủy lợi chẳng có gì. Nước tưới không chủ động, kỹ năng canh tác lạc hậu, nhiều loại giống lúa bị thoái hóa nên vụ nào năng suất cũng đạt thấp, thậm chí không ít mùa mất trắng. Do vậy, chuyện thiếu gạo ăn vào kỳ giáp hạt liên tục xảy ra đối với phần lớn hộ dân của xã. Trước tình trạng đó, với quyết tâm “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, chính quyền cùng người dân nơi đây chung tay góp sức khai hoang hàng nghìn héc ta đất làm nương rẫy, lấp hàng loạt hố bom sâu hoắm làm ruộng lúa và đắp những con đập đưa nước về đồng, để rồi làm nên những mùa vàng. Ông Chung nói: “Hiện nay, mỗi vụ nông dân trên địa bàn xã gieo sạ 291ha lúa. Đông xuân vừa qua, năng suất bình quân toàn xã đạt hơn 55 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với cách đây 10 năm và tăng 30 tạ/ha so với thời điểm năm 1985. Để có được kết quả như vậy, ngoài việc tập trung chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến và hỗ trợ nhà nông đưa nhiều loại giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất đại trà, những năm qua bằng nhiều kênh vốn huy động địa phương đã đầu tư xây dựng 2 đập dâng Cây Cốc, Đồng Nguyên và 2 hồ chứa lớn là Suối Tiên, Vũng Tôm với tổng kinh phí 50 tỷ đồng nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới”.

Ông Trần Hữu Ninh - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, tháng 8.2012 địa phương phát động xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm triển khai, đến thời điểm này, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí, gồm: quy hoạch, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin - truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị - tiếp cận pháp luật, quốc phòng - an ninh. Từ nay đến cuối năm 2017, Quế Hiệp phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là trường học và môi trường.

Theo ông Ninh, 5 năm qua nhờ linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn, Quế Hiệp đã đầu tư hơn 45 tỷ đồng cho chương trình này. Thời gian tới, địa phương cần ít nhất 5 tỷ đồng để thực hiện hoàn tất các tiêu chí còn lại, cố gắng cán đích nông thôn mới vào năm 2021.

Nếu như cây lúa giữ vai trò đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ thì kinh tế rừng được xem là hướng mũi nhọn giúp người dân Quế Hiệp làm nên những cuộc đổi đời. Ông Nguyễn Sơn ở thôn Nghi Sơn cho hay, gia đình ông có 15ha đất trồng cây keo lá tràm. Bình quân mỗi năm ông khai thác 4ha và thu về 500 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lại lãi ròng 320 triệu đồng. Ông Sơn hồ hởi nói: “Năm 2001, tôi bắt đầu khai hoang, cải tạo những khu đất trống đồi trọc để tiến hành trồng loại cây nguyên liệu này. Hơn 15 năm nay, nhờ có nguồn thu nhập cao nên cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá”. Không riêng ông Nguyễn Sơn, 600 hộ dân khác của xã Quế Hiệp cũng nhanh chóng cải thiện kinh tế gia đình từ mô hình trồng cây keo lá tràm. Ông Trần Thanh Chung cho biết, Quế Hiệp hiện có 1.513ha đất chuyên trồng rừng nguyên liệu. Hằng năm, người dân khai thác khoảng 300ha và tổng giá trị đạt không dưới 18 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Châu - Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp, nhờ nỗ lực phát triển kinh tế nên những năm qua đời sống nhân dân địa phương chuyển biến rõ nét. Ông Châu nói: “Theo dự tính, năm 2017 này thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2007. Hiện giờ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,9%, giảm hơn 21% so với cách đây 10 năm”.

Đột phá về hạ tầng

Tuyến đường trọng yếu từ thị trấn Đông Phú đi về khu vực Suối Tiên thuộc xã Quế Hiệp một thời chật hẹp, lầy lội giờ đây chỉ còn trong ký ức của bao người, thay vào đó là con đường bê tông thoáng rộng. Ông Trần Nam Huân - cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng nông thôn mới xã Quế Hiệp cho biết, con đường này có tổng chiều dài 5,3km, trong đó có 3,6km chạy qua địa bàn xã với tổng kinh phí đầu tư toàn tuyến hơn 51 tỷ đồng. Điều đáng nói, nhờ cấp ủy, chính quyền, mặt trận, hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên trước khi bắt tay vào việc thi công, cả 104 hộ dân ở địa phương đã tự nguyện chặt bỏ nhiều loại cây trồng, tháo dỡ các vật kiến trúc và hiến gần 44 nghìn mét vuông đất với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Theo ông Huân, ngoài 26km đường huyện đi qua địa bàn đã được Nhà nước xây dựng kiên cố thì Quế Hiệp còn có 13km đường liên thôn, liên xóm. Những năm qua, nhờ xã linh hoạt lồng ghép các cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân nên đã tiến hành bê tông hóa được 10,5km với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng. Trong năm 2018, Quế Hiệp sẽ tiếp tục kiên cố hóa 2,5km giao thông nông thôn còn lại để tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Bên cạnh việc chú trọng thi công hạ tầng giao thông thì hệ thống điện cũng đã được những đơn vị liên quan kéo về tận các thôn, xóm của Quế Hiệp, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và qua đó mở ra cơ hội đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất nhằm góp phần giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn.

Để đảm bảo phục vụ việc dạy và học, thời gian qua cơ sở vật chất trường lớp ở Quế Hiệp cũng được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư. Hiện nay, ngoài việc xây thêm 6 phòng chức năng và tường rào cổng ngõ của Trường THCS Quế Hiệp với số tiền 3,2 tỷ đồng thì các cơ quan có trách nhiệm cũng tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Trường Mẫu giáo Quế Hiệp có quy mô 2 tầng với tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng, sẵn sàng đưa vào sử dụng ngay từ năm học mới 2017-2018. Theo tìm hiểu, hiện giờ Trường Tiểu học Quế Hiệp đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, còn Trường THCS Quế Hiệp và Trường Mẫu giáo Quế Hiệp sẽ phấn đấu được công nhận đạt chuẩn trong năm 2018. Cần nói thêm, những năm gần đây cả 5 nhà sinh hoạt văn hóa thôn trên địa bàn xã đều được xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu hội họp và giao lưu văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao của nhân dân… Ông Nguyễn Minh Châu chia sẻ: “Những năm 1980, Quế Hiệp không có một căn nhà xây kiên cố, không một chiếc xe máy, hạ tầng giao thông chỉ là những con đường đất đỏ nhỏ hẹp, hệ thống trường lớp và cơ sở khám chữa bệnh quá tạm bợ, trụ sở làm việc của chính quyền thì nhếch nhác… Gian khổ, thiếu thốn là vậy nhưng nhờ phát huy tối đa nội lực, cán bộ và nhân dân Quế Hiệp đã làm nên một cuộc cách mạng mới trên hành trình dựng xây quê hương. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực chăm lo phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội”.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Nằm trong thung lũng hẹp thuộc phía tây huyện Quế Sơn, lưng tựa vào núi Hòn Tàu - vùng căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà - nên Quế Hiệp hứng chịu bom đạn của kẻ thù cày xới.  Trải qua 2 cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn xã có 181 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 625 liệt sĩ, 227 thương bệnh binh, 97 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày... Thời gian qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước, bằng nhiều kênh vốn huy động, xã Quế Hiệp đã hỗ trợ xây dựng 187 nhà tình nghĩa với tổng trị giá gần 6,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Châu - Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp cho biết, hiện nay hơn 90% số gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở xã. Đặc biệt, những năm gần đây Quế Hiệp huy động nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp 705 mộ liệt sĩ, xây dựng tường rào cổng ngõ, trồng cây xanh trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã. Bên cạnh đó, xã cũng xây dựng nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu vực Suối Tiên, di tích nhà bà Sưu ở thôn Lộc Đại, bia chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ tại Dốc Đỏ thuộc thôn Nghi Thượng. Đồng thời bố trí 300m2 đất tại khu tái định cư thôn Nghi Sơn để xây dựng nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Ngô Viết Hữu... Sắp đến, Quế Hiệp sẽ tiến hành khởi công xây dựng tượng đài nằm trong nghĩa trang liệt sĩ xã với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ