Thời cơ và con người
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám 1945 để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử. Trong đó có bài học về vấn đề dự đoán, nắm bắt và tận dụng thời cơ.
Nhiều nhà nghiên cứu phân tích, thời cơ của Cách mạng Tháng Tám chỉ xuất hiện và tồn tại trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15.8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pô-xđam (ngày 5.9). Nếu tổng khởi nghĩa sớm khi quân phát xít Nhật còn mạnh thì có thể ta phải đánh đổi nhiều xương máu mà chưa chắc thành công. Còn nếu muộn, quân Đồng minh đã vào, thế “tứ bề thọ địch” xuất hiện càng khó giành chính quyền và tuyên bố độc lập.
Chính vì thời cơ thường chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian ngắn nên không phải ai cũng có thể dự báo được thời cơ, theo dõi, nắm bắt và lợi dụng nó để đạt tới cái đích của mình. Phải có con người, lực lượng được chuẩn bị chủ động tích cực mới làm được điều đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đã sớm chủ trương đoàn kết phát huy sức mạnh dân tộc, xây dựng đoàn thể, lực lượng, để nắm bắt, vận dụng thời cơ “ngàn năm có một” giành độc lập cho non sông khi hội đủ điều kiện chín muồi.
Trong phạm vi hẹp của một tỉnh, như Quảng Nam, vấn đề nắm bắt và tận dụng thời cơ để giành chính quyền về tay nhân dân cũng không là ngoại lệ. Dĩ nhiên có những nét riêng và màu sắc địa phương. Nghiên cứu lịch sử cách mạng của Quảng Nam, nhiều người đã chú ý đến vai trò của Cố Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công, với nhận định rằng, đó là người góp công lớn để đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh thành của cả nước tổng khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám. Là nhà hoạt động cách mạng có tính quyết đoán, Võ Chí Công tỏ rõ sự nhạy bén về nắm bắt thời cơ, không chỉ một lần vào tháng 8.1945 mà còn nhiều lần khác về sau, như chỉ đạo giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3.1975, hay đúc kết đề xuất cơ chế khoán 100, rồi khoán 10 giải phóng sức sản xuất cho nông nghiệp, nông dân thời đổi mới (mà câu ca hiện đại còn lưu truyền: Hoan hô anh Võ Chí Công/ Anh cho khoán hộ ruộng đồng tốt tươi).
Danh nhân Nguyễn Trãi đã đúc kết: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn”. Biến thời cơ thành sức mạnh đã đưa cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, biến dân tộc ta từ thân phận nô lệ thành người chủ vận mệnh của mình, biến đất nước nhỏ bé “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” và tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn độc lập).
Nói về con người, tất phải đề cập những cá nhân lãnh tụ, lãnh đạo kiệt xuất - thường là người dự đoán đúng, nắm bắt và vận dụng đúng thời cơ, còn có một lực lượng vô cùng to lớn đó là nhân dân, dân tộc. Không có cuộc cách mạng vĩ đại nào không đi ra từ sức mạnh của nhân dân. “Lật thuyền mới biết sức dân như nước” (Nguyễn Trãi), nên khi nhân dân, dân tộc đoàn kết thành một khối sẽ tạo thành sức mạnh long đời lở đất, thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ đập tan lũ bán nước và quân cướp nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chiêm nghiệm. Lực lượng lãnh đạo nào mà không có nhân dân ủng hộ thì sẽ bị tiêu tan, làm gì có thể nắm bắt thời cơ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, cách mạng Việt Nam đã sang trang mới, khi đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, bài học về dự báo, nắm bắt và tận dụng thời cơ từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Việc dự báo chính xác tình hình, nắm bắt và tận dụng cơ hội để đẩy mạnh phát triển quê hương, đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cần sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của các cá nhân lãnh đạo xuất sắc và càng cần hơn nữa việc hội tụ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
BÁO QUẢNG NAM