Kenya cấm túi ni lông nghiêm ngặt nhất thế giới
Kenya trở thành quốc gia thi hành luật cấm túi ni lông nghiêm ngặt nhất thế giới, với mức phạt lên đến gần 40.000USD và 4 năm tù.
Rác thải - vấn đề nghiêm trọng tại Kenya. Ảnh: AP |
Kể từ đầu tuần này, việc sản xuất, sử dụng hay xuất nhập khẩu túi ni lông đều bị cấm tại Kenya. Những trường hợp vi phạm, nhất là các nhà sản xuất và buôn bán sẽ bị phạt tù lên tới 4 năm hoặc bị phạt với số tiền từ 19.000 đến 40.000USD. Không chỉ cấm sản xuất và sử dụng túi ni lông tại địa phương, tất cả khách du lịch hay những người muốn vào Kenya đều phải để lại túi ni lông ở các cửa khẩu hay nhà ga tại Kenya. Tuy nhiên, việc sử dụng túi ni lông cho mục đích sản xuất như đóng gói sản phẩm sẽ được miễn hình phạt.
Kenya không phải là quốc gia đầu tiên tại châu Phi ban hành lệnh cấm túi ni lông nhưng lại có mức phạt nặng nhất. Hiện trên thế giới có khoảng 40 quốc gia như Hà Lan, Đan Mạch, Pháp… thực hiện chủ trương nói không hoặc hạn chế việc sử dụng túi ni lông.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, người dân Kenya sử dụng 24 triệu túi ni lông mỗi tháng, riêng các hoạt động buôn bán tại siêu thị đã lên tới 100 triệu túi ni lông mỗi năm. Rác thải ni lông là vấn đề báo động tại Kenya khi chúng được vứt bừa bãi khắp nơi. Không chỉ riêng Kenya mà thế giới hiện đối mặt với nạn rác thải ni lông, làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đất đai bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người. Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính khiến bùng phát dịch sốt xuất huyết, sốt rét tại nhiều nơi trên toàn cầu. Liên hiệp quốc cho hay, đại dương thế giới chịu đựng thêm 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào mỗi năm, trong đó có túi ni lông. Nếu các quốc gia không hành động thì đến năm 2050, số lượng rác thải nhựa ở đại dương có thể nhiều hơn nguồn cá ở đó.
Trong 10 năm qua, lệnh cấm túi ni lông tại Kenya đã được đệ trình, xem xét và sửa đổi tới 3 lần để có thể đưa vào áp dụng chính thức. Dù vậy, không phải mọi người dân Kenya đều đồng tình với quy định mới. Samuel Matonda, người phát ngôn của Hiệp hội Các nhà sản xuất Kenya, cho biết luật cấm túi ni lông nói trên sẽ khiến 60.000 - 80.000 việc làm bị mất và buộc 176 nhà sản xuất phải đóng cửa vì Kenya đang là nơi xuất khẩu túi ni lông lớn nhất khu vực. Những nhà buôn bán lẻ cũng chịu thiệt hại không nhỏ ngay sau khi lệnh cấm được ban hành. Simon Njenga - chủ cửa hàng tạp hóa tại Nairobi, cho hay: “Lệnh cấm khiến lượng khách của cửa hàng giảm rõ rệt. Cuộc mưu sinh của tôi vì thế cũng bị ảnh hưởng nặng nề”. Những người buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Muthurwa ở Nairobi hiện chưa biết dùng loại túi nào để thay thế cho túi ni lông. Trong khi đó, các chuỗi siêu thị lớn ở Kenya như Carrefour và Nakumatt đã chuyển sang cung cấp cho khách hàng túi vải, thay thế túi ni lông. Chính phủ Kenya cho biết mối quan ngại về môi trường quan trọng hơn lợi ích thương mại và là vấn đề cấp bách phải thực hiện. Người dân Kenya sẽ thay đổi được thói quen của mình, thay thế bằng loại túi đựng thân thiện với môi trường hơn.
Giám đốc Chương trình môi trường Liên hiệp quốc Erik Solheim hoan nghênh lệnh cấm này và gọi đây là “bước tiến lớn quan trọng” nhằm chấm dứt ô nhiễm từ rác thải nhựa. Kenya tuyên bố lệnh cấm vào tháng 2, nhưng trì hoãn áp dụng 6 tháng để người tiêu dùng có thời gian chuẩn bị.
QUỐC HƯNG