Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về kinh tế: Phát triển toàn diện và hội nhập
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang vừa ký ban hành Chương trình số 11-Ctr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), nhất là trong phát triển kinh tế tư nhân, với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Hội thảo “Kinh tế tư nhân - Động lực phát triển kinh tế địa phương” tổ chức ngày 28.6.017 tại khách sạn Mường Thanh, TP.Tam Kỳ. Ảnh: ĐÀ THÀNH |
Chú trọng kinh tế tư nhân
Trên địa bàn Quảng Nam hiện có gần 6.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và hơn 32.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Giai đoạn 2012 - 2016, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp cho ngân sách bình quân 5.500 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 70% số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng đóng góp ngân sách bình quân 51%/năm; đóng góp hơn 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 80% giá trị sản xuất, gần 75% GRDP (bao gồm cả thuế); 90% số lao động đang làm việc là thuộc thành phần kinh tế này.
Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế, Tỉnh ủy quyết tâm tập trung thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ bản đảm bảo tính đồng bộ giữa quản lý nhà nước và thị trường. Đặc biệt, chú trọng nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân; tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển và đóng vai trò chủ đạo trong tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế Quảng Nam. Đối với doanh nghiệp nhà nước, sẽ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo toàn, phát triển vốn nhà nước.
Hướng đến đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 8.000 doanh nghiệp (chỉ còn 2 doanh nghiệp nhà nước và 1 doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chi phối), đến năm 2025 có hơn 13.000 doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong phát triển chung về kinh tế, Chương trình số 11 của Tỉnh ủy đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 10 - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 75 - 80 triệu đồng; đến năm 2020 nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ còn chiếm khoảng 10% tỷ trọng các ngành trong GRDP, công nghiệp - xây dựng 46%, dịch vụ 44%. Tương ứng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hơn 16%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hơn 15%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm hơn 30% GRDP. Riêng khu vực kinh tế tư nhân, nếu giai đoạn từ nay đến 2020 mục tiêu bình quân hàng năm đóng góp hơn 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 75% tổng thu ngân sách, hơn 75% GRDP trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho 90% lao động; thì sang giai đoạn 2020-2025, Tỉnh ủy nâng mức chỉ tiêu đóng góp tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hàng năm lên hơn 60%, đóng góp hơn 85% tổng thu ngân sách trên địa bàn; giải quyết việc làm cho 95% lao động.
Hoàn thiện thể chế
Một trong những giải pháp quan trọng mà Tỉnh ủy quan tâm nhằm thực hiện đạt mục tiêu đề ra đó là hoàn thiện thể chế để đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh. Tỉnh ủy yêu cầu phải thực hiện nhất quán các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế; đảm bảo bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp, ngành liên quan rà soát, đề xuất Trung ương xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh, các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế... nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Đồng thời hoàn thiện mọi quy định liên quan để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp; phát huy hiệu quả các quỹ tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh.
Nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển, Chương trình số 11-Ctr/TU của Tỉnh ủy cũng đề ra việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hướng đến trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị này về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính, gắn với cơ chế đánh giá độc lập. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả chính sách xã hội hóa đầu tư, áp dụng rộng rãi các hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP), nhất là trên lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; chỉ lựa chọn đầu tư công vào những lĩnh vực mà tư nhân không thể tham gia được.
Tỉnh ủy cho rằng, việc xây dựng kế hoạch và áp dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khơi dậy tinh thần phấn đấu “vươn lên làm giàu” trong các tầng lớp nhân dân. Song song với điều này, khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp. Riêng mô hình kinh tế tập thể, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Trong đó, ở khu vực miền núi từng bước hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông - lâm nghiệp, dược liệu; còn nhìn chung, chú trọng nhân rộng, phát triển những loại hình hợp tác xã sản xuất - kinh doanh đa ngành nghề hiệu quả cao; chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tham gia các dự án đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, phát triển hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết thể hiện rõ quan điểm về phát triển vùng động lực đông nam và vùng tây. Thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp được phát động rộng rãi trên địa bàn, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm thực hiện, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh và phát triển. (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng) |
Tỉnh ủy tiếp tục nhận định, vấn đề mấu chốt trong phát triển kinh tế, thu hút doanh nghiệp đến với Quảng Nam là cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, kinh doanh với hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ đầy đủ và chi phí hợp lý, nhất là về hạ tầng giao thông, điện, đô thị, cấp thoát nước, xử lý chất thải, dịch vụ hậu cần... Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền tự do kinh doanh cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Các địa phương, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực: đất đai, tài nguyên, các quỹ đầu tư, quỹ bảo lãnh tín dụng... một cách minh bạch, bình đẳng phù hợp với cơ chế thị trường, thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh lành mạnh và được tự do kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm và được đối xử bình đẳng về mọi phương diện theo quy định của pháp luật.
Ngày 27.4.2016 Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 24-KL/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nay Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện. Trong đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại… sản xuất nông - lâm - thủy sản theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Các cấp, ngành phải tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đem lại hỗ trợ thực sự cho các làng nghề truyền thống của tỉnh phát triển, nhất là đối với những làng nghề có sản phẩm nổi tiếng, mang lại giá trị cao. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân.
Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền chuyển hóa nội dung từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 11-Ctr/TU thành cơ chế, chính sách cụ thể. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh. Đồng thời theo dõi, kịp thời phát hiện những vướng mắc để điều chỉnh kế hoạch, đề ra giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế…
TRƯỜNG ĐỒNG