Công ty đóng tàu phải bồi thường thiệt hại cho ngư dân Trần Văn Liên
Tại phiên tòa xét xử vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy và Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á được tổ chức chiều 30.8, TAND TP.Tam Kỳ đã tuyên Công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỷ đồng để khắc phục sự cố hỏng máy.
Ngư dân Trần Văn Liên cùng luật sư Nguyễn Thành Quý tại phiên tòa. |
Theo hợp đồng ký kết, tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên được Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Công ty Bảo Duy) ở Đà Nẵng tiến hành đóng mới từ tháng 9.2015, đến ngày 18.3.2016 thì hạ thủy. Con tàu này được Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (Công ty Liên Á) ở Hà Nội cung cấp máy thủy hiệu Mitsubishi có giá trị 2,8 tỷ đồng. Trong các ngày 25, 26 và 28.3.2016, các bên tiến hành chạy thử máy tại chỗ và theo thỏa thuận đến ngày 30.3 các bên phải có mặt trên tàu vỏ thép QNa-94679 để chạy thử đường dài. Tuy nhiên, do lo sợ thủy triều hạ thấp không thể đưa tàu ra ngoài chạy thử nên vào đêm 29.3.2016, Công ty Bảo Duy đã tự ý thuê tài công đưa tàu ra khỏi cầu Mân Quang mà không có đại diện của Công ty Liên Á. Tàu bị chết máy vào thời điểm này. Ông Liên xuống kiểm tra thì thấy màng lọc luyn bị hỏng. Sau đó đại diện Công ty Liên Á đến kiểm tra máy thì thấy lốc máy bị bể. Con tàu vỏ thép QNa-94679 nằm bờ từ đó đến nay. Ông Liên đã làm đơn kiện 2 công ty đòi bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố này.
Tranh luận gay gắt
Luật sư Nguyễn Thành Quý - đại diện pháp luật của ngư dân Trần Văn Liên trình bày, trên danh nghĩa, ông Liên là chủ tàu nhưng trên thực tế, ngư dân chưa phải là chủ sở hữu con tàu vỏ thép bởi phương tiện đang trong quá trình hoàn thiện, chưa bàn giao cho ngư dân. Ngư dân Trần Văn Liên không là nguyên nhân gây nên sự cố hỏng máy tàu vỏ thép, bởi vậy, trách nhiệm bồi thường, khắc phục sự cố chỉ có thể thuộc về Công ty Liên Á hoặc Công ty Bảo Duy. Luật sư Huỳnh Hòa Nam - đại diện pháp luật của Công ty Bảo Duy cho rằng, theo hợp đồng đã ký, Công ty Bảo Duy chỉ có trách nhiệm đóng tàu, còn về máy thủy lắp đặt trên tàu vỏ thép thuộc trách nhiệm của ông Liên và bên cung cấp máy thủy là Công ty Liên Á. Công ty Bảo Duy không lắp máy nên không chịu trách nhiệm. “Trong trường hợp này, bên bán máy là Công ty Liên Á phải chịu trách nhiệm vì không chứng minh được trách nhiệm thuộc về ông Liên hay Công ty Bảo Duy. Công ty Bảo Duy chỉ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp duy nhất là bị chứng minh là nguyên nhân gây ra sự cố hỏng máy” - Luật sư Huỳnh Hòa Nam nói.
Luật sư Nguyễn Văn Lâm - đại diện pháp luật của Công ty Liên Á nêu ý kiến, Công ty Liên Á đã giao sản phẩm cho ông Liên là máy thủy đúng theo các nội dung trong hợp đồng về xuất xứ, chủng loại nên không chịu trách nhiệm trong sự cố này. “Lỗi ở đây là lỗi vận hành chứ không phải trục trặc kỹ thuật về chế tạo hay lắp đặt máy. Bên nào vận hành máy móc không đúng thì phải chịu trách nhiệm. Tại sao Công ty Bảo Duy thuê tài công đưa tàu vỏ thép ra khỏi cầu Mân Quang mà không thông báo để đại diện kỹ thuật của Công ty Liên Á có mặt?” - Luật sư Nguyễn Văn Lâm đặt câu hỏi.
Công ty Bảo Duy chịu trách nhiệm
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Tam Kỳ, bà Lê Thị Ngọc Linh nêu quan điểm, theo hợp đồng đã ký thì Công ty Liên Á mới chỉ bàn giao máy móc cho ông Liên chứ chưa bàn giao kỹ thuật cho người mua. Vì thế, trong bất cứ điều kiện nào, việc vận hành máy thủy trên tàu vỏ thép của ông Liên phải có đại diện kỹ thuật của Công ty Liên Á. Trong trường hợp máy thủy bị hỏng mà không có đại diện của Công ty Liên Á nên công ty này không chịu trách nhiệm về sự cố. Công ty Bảo Duy đã tự thuê tài công đưa tàu vỏ thép ra khỏi cầu Mân Quang là sai về quy trình vận hành. Bởi vậy, Công ty Bảo Duy phải chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục sự cố.
Phó Chánh án TAND TP.Tam Kỳ Đinh Tấn Long - Chủ tọa phiên tòa cho biết, vụ kiện gặp rất nhiều rắc rối trong thời gian qua. Cụ thể, khi máy bị hỏng, các bên đã ngồi vào bàn đối thoại, tìm cách khắc phục nhưng không thống nhất về phương án khả dĩ. Về giám định máy móc cũng gặp rất nhiều trở ngại. Bởi các bên đã tháo các thành phần cấu tạo của máy thủy nên không thể có kết luận chính xác đâu là nguyên nhân gây nên hỏng máy. Qua quá trình liên hệ trực tiếp với trụ sở của Công ty Mitsubishi ở Nhật Bản đã khẳng định được chắc chắn máy thủy lắp đặt trên tàu vỏ thép của ông Liên là máy chính hãng. “Tàu vỏ thép QNa-94679 lúc chạy thử không có mặt nhân viên kỹ thuật của Công ty Liên Á. Việc Công ty Bảo Duy tự ý vận hành máy chính khi không có người của Công ty Liên Á là sai. Như vậy, sự cố máy chính hỏng là do Công ty Bảo Duy tự điều động chạy tàu do đó phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho ngư dân” - Chủ tọa phiên tòa Đinh Tấn Long kết luận.
NGUYỄN QUANG VIỆT