Phát triển hạ tầng giao thông ở Đông Giang: Đòn bẩy giảm nghèo

ALĂNG NGƯỚC 31/08/2017 14:45

Cùng với đẩy mạnh kết nối mạng lưới giao thông liên vùng, huyện Đông Giang tập trung thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển các tuyến đường dân sinh, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo đòn bẩy giảm nghèo cho người dân.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư về các thôn bản, giúp đồng bào vùng cao Đông Giang có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư về các thôn bản, giúp đồng bào vùng cao Đông Giang có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Kết nối liên vùng

Thực tế những năm qua, cùng với việc nâng cấp và hoàn thiện dần một số công trình giao thông trọng điểm, huyện Đông Giang đã đầu tư xây dựng mới nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT), nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân miền núi. Bên cạnh việc công bố quy hoạch phát triển giao thông vận tải theo lộ trình chung với 753 mốc quản lý hành lang đường bộ, địa phương đã và đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp 4 hệ thống đường giao thông liên vùng, bao gồm: đường giao thông quốc gia (đường Hồ Chí Minh dài 38,9km và quốc lộ 14G dài 41km); đường tỉnh lộ ĐT609 theo tuyến An Điềm - A Sờ dài 28,3km; 17 tuyến đường huyện với chiều dài 134,82km và đường GTNT có chiều dài 124km.

Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang,  việc mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã trong những năm gần đây đã tạo nên điểm nhấn kết nối giao thông giữa các địa phương trên địa bàn huyện, từ đó góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa, cũng như xóa nhiều “điểm đen” về giao thông ở miền núi. Trong số hơn 124km đường GTNT được đầu tư, có gần 91km tuyến đường được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của người dân trên địa bàn huyện. Ngoài các thôn Bhơ Hôồng 2 (xã Sông Kôn); A Chôm 2 (xã Kà Dăng) và A Duông 2 (thị trấn P’rao) chưa có đường bê tông GTNT, hầu hết thôn còn lại cơ bản đã hoàn thành việc kiên cố hóa đường sá, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống dân sinh. “Từ kết quả huy động, quản lý vốn và triển khai thực hiện việc đầu tư phát triển hạ tầng GTNT thuộc thẩm quyền, giai đoạn 2011 - 2016 huyện đã đầu tư xây dựng 86 công trình hạ tầng giao thông với tổng kinh phí hơn 473 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương hơn 418 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 31 tỷ đồng, còn lại được đối ứng từ vốn ngân sách huyện và nhân dân đóng góp. Ngoài ra, cùng với đẩy mạnh xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực đóng góp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, mục tiêu đến 2020, huyện Đông Giang phấn đấu xây dựng hệ thống giao thông địa phương cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo chất lượng và gắn kết với hệ thống giao thông quốc gia, từng bước xây dựng hệ thống giao thông ngày càng hiện đại, rút ngắn thời gian vận chuyển, đi lại từ thị trấn P’rao về TP.Đà Nẵng” - ông Minh cho biết thêm.

Những đổi thay bước đầu

Trong số rất nhiều hệ thống đường dân sinh được đầu tư, mở rộng theo mô hình kết nối liên vùng, tuyến đường Za Hung - Jơ Ngây được đánh giá đem lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo đời sống của đồng bào vùng cao. Bà Zơrâm Thị Nép - Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây cho hay, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, xóa dần “điểm đen” cô lập ở các vùng dân cư, tuyến đường liên xã Za Hung - Jơ Ngây còn tạo nên đòn bẩy giúp người dân địa phương mở hướng thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Từ điểm thôn La Đàng - nơi giáp ranh với xã Za Hung, con đường được mở về tận thôn C’loò, tiếp giáp với tuyến quốc lộ 14G, tạo cơ sở hình thành nên những điểm dân cư mới, cùng các hàng quán bán buôn, trao đổi sản vật của vùng. “Đường sá được thuận lợi, người dân vùng cao đã bắt đầu đổi mới tư duy làm ăn, phát triển kinh tế. Cùng với đầu tư trồng cây keo, cây chuối, bây giờ nhiều hộ đã thử sức trong việc kinh doanh buôn bán, cùng góp vốn xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp làm trang trại trồng cây dược liệu, bước đầu đem lại hiệu quả” - bà Nép chia sẻ.

Đến nay, hệ thống GTNT trên địa bàn huyện Đông Giang đã bao phủ khắp 11 xã, thị trấn, đảm bảo đường ô tô về đến trung tâm xã; 92/95 thôn có đường GTNT đã được bê tông hóa. Mục tiêu đến năm 2025, địa phương hoàn thành việc nâng cấp mở rộng đạt quy mô đường cấp 4 đối với tuyến quốc lộ 14G và tuyến tỉnh lộ ĐT609 theo các quyết định của tỉnh và Chính phủ. Ngoài ra, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% thôn có mặt đường được cứng hóa đường GTNT; xây dựng 10 xã nông thôn mới đạt tiêu chí số 2 về đường giao thông và phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn.

Theo ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc đổi mới diện mạo nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi. Vì thế, cùng với tập trung triển khai công tác quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh và Trung ương cũng cần có thêm nhiều nguồn vốn hỗ trợ giúp địa phương giải quyết nhu cầu mở rộng hệ thống GTNT trên địa bàn, góp phần hoàn thiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. “Những năm qua, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh và Trung ương, với nhiều dự án được đầu tư mới, phục vụ đời sống dân sinh ở miền núi. Dù vậy, do nhu cầu mở rộng giao thông khá lớn, trong khi nguồn vốn của địa phương rất khó khăn nên việc đầu tư, nâng cấp chưa được triển khai đồng bộ” - ông Tài nói.

Để tạo nên những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, huyện Đông Giang kiến nghị tỉnh cần sớm đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 14G và bổ sung quy hoạch tuyến đường này đến cửa khẩu Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) theo hướng Đà Nẵng - Đông Giang - Tây Giang; đồng thời quan tâm hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển 10,5km đường đô thị P’rao với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng;… Từ giao thông, Đông Giang đang hướng đến việc đẩy mạnh đầu tư, phát triển liên vùng giao thương, bắt đầu từ việc trồng cây nguyên liệu, chăn nuôi gia súc tập trung và mở rộng thị trường du lịch cộng đồng, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC