Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Mấu chốt ở khâu thông tin, tuyên truyền

NGUYỄN QUANG 31/08/2017 10:04

“Cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả” là nội dung được đưa ra bàn thảo xuyên suốt tại hội nghị trực tuyến về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hôm qua 30.8.

Lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý một vụ vận chuyển hàng giả trên địa bàn. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý một vụ vận chuyển hàng giả trên địa bàn. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, năm 2016, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí sản xuất, phát sóng hơn 500 tin bài về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 300 tin bài liên quan được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, thông tin tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn được đăng tải trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại địa chỉ “www.bcd389.gov.vn”. Tuy nhiên, ông Đàm Thanh Thế cũng cho rằng, qua theo dõi, tình hình thực hiện chế độ báo cáo, thông tin nhanh phục vụ công tác tuyên truyền tại nhiều đơn vị, địa phương chưa được nghiêm túc. Một số đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt chế độ báo cáo nhanh nhưng chất lượng tin báo chưa cao, hầu hết thông tin các vụ việc còn chậm trễ, không có hình ảnh kèm theo… Những điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tham mưu, chỉ đạo của lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Thực hiện chế độ báo cáo, tin nhanh hàng ngày

Tại hội nghị, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đơn vị đang xây dựng tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, trong đó chỉ tiêu thực hiện công tác thông tin tuyên truyền cũng là một trong những tiêu chí đánh giá. Văn phòng Thường trực cũng đã đề nghị lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ báo cáo, tin nhanh hàng ngày gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia qua Văn phòng Thường trực theo địa chỉ email “bcd389-tinnhanh@customs.gov.vn”. Trong đó, nội dung thông tin nhanh hàng ngày, gồm: các thông tin, sự kiện hoạt động, văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các cơ quan, sở ban ngành chức năng. Thông tin về tình hình, hiện tượng, vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm; có hàng hóa, tang vật vi phạm là hàng cấm, hàng trọng điểm, mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng... (gửi kèm video hoặc hình ảnh).

Tại hội nghị, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức tập huấn kỹ năng viết tin bài, tuyên truyền về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, do giảng viên của Thông tấn xã Việt Nam hướng dẫn. Đồng thời thảo luận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức công tác thông tin tuyên truyền. (B.T)

Theo ông Đàm Thanh Thế, để đẩy mạnh tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian đến, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo ký ban hành Quyết định số 2026/QĐ-BCĐ 389, qua đó quy định nghiêm chế độ báo cáo của các đơn vị, địa phương. Cùng với đó, Quyết định số 01/QĐ-BCĐ 389 về quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã quy định chế độ, nội dung, hình thức cung cấp thông tin về tình hình, kết quả phát hiện, xử lý vi phạm trên lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. “Để thông tin kịp thời các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian đến, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ký chương trình phối hợp với các đơn vị báo chí trung ương để xây dựng các chuyên đề tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan, địa phương trong cả nước cũng cần phối hợp với các cơ quan báo chí, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác này” - ông Đàm Thanh Thế nói.

Tại Quảng Nam, thời gian qua, mặc dù đạt được một số thành quả nhưng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đã bộc lộ không ít hạn chế. Trong đó, một số cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam chưa chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo tháng, quý. Ngoài ra, ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của các ngành, đơn vị. Trong khi đó, thị trường ngày càng diễn biến khó lường, công tác kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Chỉ trong tháng 8, các lực lượng chức năng của Quảng Nam thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý 183 vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,356 tỷ đồng; trong đó, riêng Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 101 vụ. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã triển khai tổ chức cho 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không kinh doanh hàng hóa kém phẩm chất, không bảo đảm an toàn thực phẩm. “Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền để người dân hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp lưu thông hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng sẽ được chú trọng” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.

NGUYỄN QUANG

NGUYỄN QUANG