Đẩy lùi nạn tảo hôn, cận huyết thống

NGUYỄN DƯƠNG 29/08/2017 08:38

Là một trong những “điểm nóng” của tỉnh về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện Bắc Trà My đang nỗ lực thực hiện đề án về hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này.

Trẻ con ở Trà Giác. Ảnh: N.Đ.AN
Trẻ con ở Trà Giác. Ảnh: N.Đ.AN

Những hệ lụy buồn

Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Bắc Trà My, từ năm 2015 đến tháng 6.2017 các xã, thị trấn đều có xuất hiện tình trạng tảo hôn. Nhiều nhất là xã Trà Đốc, 23,3% (14 cặp); xã Trà Bui, 16,7% (10 cặp); xã Trà Giáp, 15,0% (9 cặp). Tuổi kết hôn ở trẻ em gái trung bình là 16 tuổi; trẻ em gái kết hôn ở tuổi thấp nhất là 14 tuổi. “Với đặc điểm là phần đông dân số là người dân tộc thiểu số với kiểu sống quần cư nên tình trạng kết hôn trước độ tuổi quy định hay hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện đã rất nỗ lực để đẩy lùi tình trạng này” - bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết. Trường hợp lấy chồng từ thuở 13 đến năm 18 có cả đàn con xảy ra khá nhiều trước đây. Như em Hồ Thị Ph. dân tộc Ca Dong ở xã Trà Ka, vừa tròn 20 tuổi, đã có 4  con, đứa lớn nhất năm nay 4 tuổi và đứa nhỏ nhất mới sinh được gần 1 tuổi. Vì lấy chồng sớm, em phải bỏ học giữa chừng, trong 4 năm Ph. liên tục sinh 4 đứa con nheo nhóc và hậu quả là những đứa con bị suy dinh dưỡng nặng. Hồ Thị Ph. chỉ là một trong những trường hợp kết hôn sớm hay còn gọi là tảo hôn ở huyện vùng cao Bắc Trà My.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở huyện Bắc Trà My tăng cao, nguyên nhân chính đó là vì phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc bám sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay. Đối với người Ca Dong, việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm. “Nhận thức về hôn nhân ở một số vùng, đặc biệt là vùng cao còn hạn chế, bên cạnh đó còn một số thôn thường sống gần nhau, như nóc Xơ Rơ, thôn 8 xã Trà Bui, nhà sát nhau, việc học hành còn hạn chế, còn tình trạng bỏ học nhiều nên nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có mặt hạn chế” - ông Nguyễn Đình Tiên - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My cho hay.

Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn

“Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang diễn biến ngày một phức tạp và nó đang gây ra những hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, vận động để bà con nơi đây xóa bỏ hủ tục lạc hậu này là vô cùng cần thiết. Để những cặp vợ chồng không còn phải sống trong cảnh đói nghèo, tương lai của những đứa trẻ sinh ra sẽ được đảm bảo, cần phải đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” - bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói. Nhằm từng bước giảm thiểu tình trạng này, huyện Bắc Trà My đã có đề án “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2015 - 2017”. Đề án nhằm nâng cao nhận thức và ngăn ngừa, khống chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từng bước nâng cao chất lượng dân số phục vụ sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đề án cũng đề ra mục tiêu đến năm 2017 cơ bản giảm số trẻ em và từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn huyện, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, nâng cao chất lượng dân số.

Hiện nay, 13/3 xã, thị trấn của huyện Bắc Trà My đều có ban chỉ đạo để giám sát việc thực hiện các công tác liên quan. Đặc biệt là việc thực hiện thu thập, cập nhật biến động DS-KHHGĐ, kể cả các trường hợp kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống vào kho dữ liệu điện tử của huyện. “Qua đó, lập danh sách theo dõi những cặp vợ chồng kết hôn trước tuổi, kết hôn cận huyết thống ở từng xã, thị trấn để theo dõi tình hình sinh đẻ, các dị tật bẩm sinh, các bệnh ở trẻ sơ sinh... để can thiệp sớm. Thiết lập hệ thống sổ sách, mẫu biểu ghi chép, theo dõi đối tượng, thống kê, báo cáo hằng năm cho ban chỉ đạo huyện nắm bắt tình hình”- bà Thư cho biết thêm. Một nhiệm vụ được chú trọng nhất trong công tác này chính là việc đào tạo đội ngũ tư vấn viên, thành lập các “câu lạc bộ thân thiện” và triển khai hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) trẻ vị thành niên. “Đội ngũ tư vấn viên là các cô giáo, người có uy tín, các em học sinh ưu tú được chọn lọc theo từng trường học, tham gia làm đội ngũ tư vấn viên. Hoạt động này chủ yếu thực hiện trong các trường bán trú, thành lập được các “nhóm thân thiện” đa số là bạn gái tham gia có sự hỗ trợ của các cô giáo chủ nhiệm, tiếp cận của các tư vấn viên nhằm giúp các em mạnh dạn chia sẻ những thay đổi của bản thân ở lứa tuổi vị thành niên, điều mà do e ngại các em không muốn bày tỏ trong các buổi tuyên truyền về SKSS được tổ chức tại lớp, cung cấp thông tin và hướng dẫn các em về kỹ năng sống, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, tình dục an toàn...”- một cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bắc Trà My thông tin.

Định kỳ hằng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với các trường học, Đoàn thanh niên, Hội LHPN, tổ chức các hoạt động như rung chuông vàng, giao lưu kiến thức SKSS, hội thi tìm hiểu Luật hôn nhân gia đình… Đây được xem như một giờ học ngoại khóa, các em học sinh có thể trao đổi những kiến thức về hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, về chăm sóc SKSS dưới sự trợ giúp của giáo viên chủ nhiệm và các tư vấn viên. Ngoài ra các xã, thị trấn cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tại các trường THCS nhằm trang bị kiến thức SKSS cho các em trước khi kết thúc năm học về lại địa phương. “Về lâu dài, chính quyền huyện đang từng bước đưa các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nghiêm cấm nam nữ kết hôn trước tuổi quy định, kết hôn cận huyết thống, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, trẻ em... vào hương ước, quy ước bản làng, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, nhất là đối với những bản làng có cuộc sống quần cư đông đúc. Có như vậy mới hy vọng đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới” - ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG