Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Đại Lộc
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ở Đại Lộc qua 5 năm nở rộ những mô hình hay, thiết thực. Song để phong trào có sức lan tỏa, đi vào trọng tâm và có chiều sâu, cần giữ lửa và nâng chất lượng phong trào từ cơ sở.
Khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ảnh: H.L |
Nở rộ mô hình
Năm năm qua (2012 - 2017), phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã lan tỏa ra 160 khu dân cư của 18/18 xã/thị trấn của Đại Lộc với nhiều mô hình hay, thiết thực. Hiện toàn huyện đã phát triển thêm 21 mô hình bảo vệ ANTQ, nâng tổng số mô hình lên 48. Toàn huyện cũng xây dựng được 20 câu lạc bộ pháp luật, góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi thành viên thuộc gia đình, dòng họ, khu dân cư. Trong đó, mô hình tiêu biểu, phát huy hiệu quả trong phòng chống tội phạm điển hình như: “Tiếng kẻng an ninh”, “Góc tự quản”, “Ánh sáng đường làng”, vốn được duy trì qua nhiều năm ở các xã/thị trấn…
Thôn An Định và thôn Phước Lộc (xã Đại Đồng) từng nổi lên với trầm kỳ, là địa bàn nóng về an ninh trật tự (ANTT) với nạn “xin đểu”, trộm cướp, gây rối trật tự. Ông Võ Minh Tuấn - Trưởng Công an xã Đại Đồng chia sẻ, địa hình hai thôn trên biệt lập, khu dân cư nằm giữa cánh đồng trống và một đầu là đường ĐT609, một đầu là núi. Để đảm bảo ANTT trên địa bàn, lực lượng Công an xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và chính quyền thôn vận động nhân dân xây dựng hai cổng ANTT ở đầu thôn và cuối thôn; mỗi thôn đều có tổ tự quản về ANTT. “Từ khi triển khai mô hình cổng barie, nạn trộm cắp ở 2 thôn đã xóa, ANTT được giữ vững. Việc tăng cường kiểm soát, nâng cao cảnh giác cũng hạn chế tội phạm các nơi tới” - ông Tuấn nói.
Đại Hiệp, vùng giáp ranh với xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) từng phức tạp về ANTT; nghĩa địa Gò Cà từng là “điểm đen” với nạn trộm cắp, xin đểu. Từ năm 2013 trở đi, tổ chức Mặt trận và Công an xã Đại Hiệp đã phối hợp với Mặt trận và Công an xã Hòa Tiến đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân vùng giáp ranh đấu tranh, tố giác tội phạm, kịp thời cung cấp cho lực lượng công an hai xã những thông tin về tội phạm phục vụ công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý nên tình hình lắng xuống. Công an xã Đại Hiệp và Công an xã Hòa Tiến đã ký kết quy chế phối hợp bảo vệ vùng giáp ranh nhằm giữ yên bình địa bàn. Mô hình “Tiếng kẻng tự quản” cũng ra đời tại các khu dân cư ở vùng giáp ranh Đại Hiệp, góp phần giữ vững ANTT ở cơ sở. Ngoài ra, Công an xã Đại Cường đã phối hợp với Trường THPT Phan Bội Châu ký kết quy chế phối hợp, đẩy mạnh phong trào “Không có thanh thiếu niên tội phạm, không có tai nạn giao thông” trong học đường, góp phần đẩy lùi tệ nạn.
Nâng chất phong trào
Từ thực tiễn phong trào, quần chúng đã cung cấp cho lực lượng công an 412 nguồn tin, trong đó có 61 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm. Nhiều thông tin bổ ích đã giúp lực lượng công an triệt xóa 22 nhóm, 53 đối tượng có hành vi trộm cắp, cướp giật, đánh người gây thương ích; bắt 12 đối tượng mua bán trái phép chất ma túy; xử lý hành chính 65 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy; kịp thời điều tra làm rõ 2 vụ giết người, bắt 3 đối tượng, vận động và bắt 13 đối tượng truy nã...
Trung tá Lê Nho Tâm - Trưởng Công an huyện Đại Lộc nhìn nhận, hiệu quả thiết thực của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với phong trào, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là rất lớn. Song vẫn còn tồn tại, hạn chế là nhiều nơi chạy theo thành tích mà chưa đưa mô hình đi vào chiều sâu, một số nơi không duy trì mô hình tự quản về ANTT thường xuyên. Sự phối hợp, vào cuộc của chính quyền và nhân dân ở một số địa phương còn yếu… Để nâng chất phong trào, Công an huyện sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện có kế hoạch, phương án thiết thực trong giai đoạn tới. Bên cạnh khích lệ những đơn vị điển hình, lực lượng công an sẽ tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội để hỗ trợ phong trào; hỗ trợ các hoạt động gìn giữ ANTT của các đoàn thể.
Nhận xét về phong trào, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Công Thanh nói: “Có thể thấy, hầu hết mô hình từ phong trào đều phát huy được nguồn lực từ nhân dân, nhân dân tự quản, nhân dân đóng góp, bảo vệ ANTT và an toàn xã hội. Cần duy trì, phát huy và nhân rộng các mô hình thiết thực cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức tố giác, đấu tranh với tội phạm trong quần chúng. Bởi lẽ, nếu dân đồng lòng, chung sức, thì không ai làm tốt phong trào, mô hình bằng dân. Nhưng cần phải có cơ chế bảo vệ người phát hiện, tố giác tội phạm, bảo vệ nguồn tin mới có thể tạo sự tin cậy từ phía nhân dân. Cần đưa ra xét xử lưu động, kiểm điểm trước dân đối với một số vụ việc để tăng tính răn đe”.
HOÀNG LIÊN