Góc núi
Gọi là góc núi, bởi nơi này là những con đường nhựa phẳng lỳ chạy quanh chân núi, có ngã ba, ngã tư tạo nên những góc núi xanh. Những hàng quán cà phê, giải khát mọc lên theo góc núi, khách thập phương yêu núi rừng hoang sơ lần lượt kéo đến...
Một góc trung tâm huyện Tây Giang với quán cà phê Thủy Tạ yên bình lúc hoàng hôn. Ảnh: BRIU QUÂN |
1. Kể từ khi “ra riêng”, huyện Tây Giang từng bước đổi thay về mọi mặt, từ cách nghĩ cách làm đã góp phần cho huyện miền núi này thêm khang trang. Nằm ở lòng chảo được bao bọc bởi những núi đồi, trung tâm huyện được sắp xếp, bố trí khu dân cư vuông vức, đường sá mở rộng. Từ những góc đường vắng vẻ, im ắng, dần dà có những quán cà phê, giải khát ven đường với những âm thanh rộn rã ban ngày nhưng lại lắng đọng trong đêm sương. Núi thì khác phố nhiều. Người Cơ Tu miền biên ải này chưa “thoát ly” nếp sống cũ để theo lối sống hiện đại ở phố, vẫn co cụm bên bếp lửa hồng, băng rừng lội suối, nhâm nhi tr’đin, alắc, đảng sâm mỗi khi đêm về. Chuyện ngồi uống cà phê góc núi vào buổi sáng hay đầu chiều mỗi ngày lại càng xa lạ hơn.
Mới một năm trở lại đây, những hàng quán cà phê, giải khát bám theo góc núi với cảnh vật hữu tình, thơ mộng ở phố núi khiến đường sá đỡ vắng vẻ hơn. Góc núi trở thành nơi hò hẹn, gặp nhau của mọi người. Những góc đường không còn là chỗ để người dân bản địa xuống huyện tản bộ có chỗ trú nắng hay cơn mưa rừng bất chợt. Tần ngần, như không quen ai thì cứ theo con đường thẳng mà đi. Cuộc sống đã đổi thay, điện đường đến đâu thì cuộc sống thay đổi đến đó. Góc núi, nếu không có đường thì đâu đã có hàng quán cà phê, giải khát phục vụ cộng đồng, nâng cao đời sống dân trí cho người miền núi, dù rằng, đôi khi cũng có không ít người e ngại vào quán nước để xin uống mà không trả tiền như văn hóa Cơ Tu dạo nào!
Tây Giang sở hữu nhiều thác nước tự nhiên rất đẹp, thu hút khách đến chiêm ngưỡng và tắm mát. Trong ảnh: thác R’cung tại xã Bhalêê, Tây Giang. |
2. Nhắm chút vị đắng của ly cà phê đặc quánh, tôi nhìn ra ngã ba đường. Thi thoảng, xe “phượt” rú ga về tận thôn bản, tặng quà đồng bào. Tây Giang được Giàng ban tặng nhiều cánh rừng rộng lớn, với nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm, phong phú, đa dạng. Khí hậu nơi đây ôn hòa, mát mẻ.
Vài năm trở lại đây, Tây Giang được biết đến nhiều với rừng nguyên sinh chiếm 80% diện tích của huyện. Nơi đây vẫn còn hơn nghìn cây pơmu quý hiếm được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt. Tây Giang cũng là nơi có rừng hoa đỗ quyên được phát hiện năm 2015. Ngoài những cái được thiên nhiên ưu ái, Tây Giang còn là nơi được biết đến với nền văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu vẫn giữ đậm đà, giàu bản sắc. Nhiều nét văn hóa vật thể và phi vật thể đang được người Cơ Tu giữ gìn và phát huy. Trong đó, du khách vẫn rất ấn tượng với điệu múa tâng tung da dá trong các lễ hội, hát ba boóch, bh’noóch, biểu diễn trống chiêng của các chàng trai, cô gái Cơ Tu…
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ: “Huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề về thu hút phát triển du lịch trên địa bàn huyện, trong các năm tiếp theo, huyện sẽ khai thác kết hợp với giữ gìn để phát triển khu du lịch sinh thái pơmu, rừng hoa đỗ quyên, điểm dừng chân Đồi Quế, thác nước, kết hợp với bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của địa phương”. Cũng theo ông Arất Blúi, hiện nay trên địa bàn đã có một doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư phát triển du lịch, tháng 9 sẽ khởi công xây dựng 100 phòng khách cao cấp tại xã A tiêng và một người Cơ Tu tự bỏ vốn đầu tư tiếp nhận và phục vụ các đoàn lên tham quan trên địa bàn huyện Tây Giang, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dần với du lịch cộng đồng.
Góc núi ở Tây Giang dù không ồn ào như góc phố ở miền xuôi nhưng cũng đủ cho khách thập phương dừng lại, ngồi nhâm nhi cà phê, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình khám phá mới. Từ góc núi nhỏ trở thành nơi hò hẹn của khách thập phương…
BRIU QUÂN