Du lịch Đại Bình: Cơ hội và thách thức
Tháng 3.2017, cầu Giao Thủy và công trình nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT610 (nối Nông Sơn - Duy Xuyên, qua đèo Phường Rạnh) hoàn thành đã mở ra cơ hội du lịch cho làng Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn). Tuy nhiên, những thách thức đã xuất hiện khi lượng khách đến với làng quê này tăng lên đột biến…
Mùa này, rất đông du khách đến Đại Bình nên tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra. Ảnh: C.N |
Nhiều cơ hội
Trước đây, khách đến Đại Bình chủ yếu đi từ ngả Hương An (Quế Sơn) lên theo đường ĐT611 rồi qua đèo Le. Vào mùa cây trái năm nay, khi tuyến ĐT610 qua đèo Phường Rạnh được nâng cấp xong, khách từ các huyện, thị xã, thành phố phía bắc của tỉnh như Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và đặc biệt là khách từ Đà Nẵng “đổ” vào Đại Bình khá đông. Trong số này, có không ít khách du lịch sau khi tham quan di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã băng đèo Phường Rạnh để đến với Đại Bình. Anh Nguyễn Hoàng Huy, quê Nam Phước, Duy Xuyên, đưa gia đình đến tham quan làng Đại Bình, chia sẻ, hầu như mùa cây trái năm nào anh cũng đến Đại Bình nhưng đây là lần đầu tiên anh đi theo đường Phường Rạnh, dễ đi hơn nhiều so với qua đèo Le và đường cũng gần hơn.
Còn anh Nguyễn Văn Quy ở Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cũng từng 2 lần đến Đại Bình và lần này, anh lại đưa bạn bè đến đây chơi theo ngả Phường Rạnh, mà theo anh là để “có thêm một trải nghiệm mới, vì nghe nói đèo này thấp nhưng đẹp”. Theo ông Nguyễn Duy Minh - Trưởng thôn Đại Bình, năm nay mới đầu mùa trái cây nhưng lượng khách đến Đại Bình tăng khoảng 4 - 5 lần so với những năm trước và dự kiến ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, du khách thường đến vào cuối tuần thì hiện nay ngày nào cũng có khá đông người đến với Đại Bình. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật, mỗi ngày có gần trăm lượt ô tô của cá nhân, của công ty du lịch, taxi chở khách đến tham quan, vui chơi, chưa kể khách đi xe máy. Người dân Đại Bình vốn nồng hậu, chân tình và mến khách. Khách du lịch theo đoàn đã có hướng dẫn viên và điểm đến là những vườn cây trái của ông Bảy, ông Năm... Một số khách mới đến lần đầu, còn chưa biết tham quan vườn cây ra sao, thường được nhiều người dân dẫn vào vườn nhà mình tham quan, giới thiệu từng loại cây trái và mời ăn trái cây miễn phí.
Một góc hồ sen ở Đại Bình. Ảnh: M.LY |
Ông Minh cho biết, để phục vụ du khách bài bản và chuyên nghiệp, địa phương đang hoàn tất hồ sơ để mở hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng ngay tại làng. “Để phát triển du lịch cộng đồng Đại Bình, còn nhiều viêc phải làm. Nhưng trước mắt, chính quyền địa phương sẽ từng bước tuyên truyền và hướng dẫn người dân tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp từ trong nhà đến ngoài vườn; mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch và đặc biệt, thu hút và giữ chân du khách bằng chính sự chân thành của mình” - ông Minh nói. Còn theo ông Nguyễn Văn Hai - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đại Bình, ngoài hệ thống các vườn trái cây Nam Bộ phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng, Đại Bình còn có thể kết hợp phát triển thêm du lịch tâm linh, bởi đây có một ngọn “núi thiêng” với nhiều huyền tích - núi Cấm, với cây cổ thụ vài ba trăm năm tuổi, có hồ sen rộng cả héc ta.
Và thách thức
Trưởng thôn Nguyễn Duy Minh thông tin, Đại Bình hiện có hơn 300 hộ với 1.500 nhân khẩu. Trong đó, có khoảng 20 hộ làm dịch vụ nấu ăn nhưng chỉ có khoảng 3 - 4 hộ trương bảng hiệu cho người ta biết mình... có làm dịch vụ. Ở Đại Bình, hầu như nhà nào cũng trồng cây ăn quả. Ngoài những nhà trồng vài ba cây, trong làng có khoảng 10 hộ có vườn cây quy mô hơn 1 mẫu với đủ loại: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... và đặc biệt là trụ - một loại trái cây đặc sản ở đất này. Tuy nhiên, để thu hút khách, theo ông Minh, người dân cần cải tạo, chỉnh trang các khu vườn cây ăn quả, trong đó, cần chú ý khâu vệ sinh vườn tược, tạo lối đi trong vườn; chăn nuôi heo, gà cũng phải đảm bảo vệ sinh. “Giả sử du khách đang đi dạo ngon trớn dưới vườn trái cây mát lành, bất ngờ thấy heo gà thả rông chuồng trại chăn nuôi thiếu vệ sinh, nước thải chảy tùm lum thì sẽ mất hứng ngay” - ông Minh nói.
Mùa trái cây năm nay, có một hiện tượng lạ xảy ra ở Đại Bình. Nếu như hơn 10 năm trở về trước, đây là một ngôi làng không có tiếng xe máy thì giờ đây, xe máy, ô tô tới lui nườm nượp. Tình trạng kẹt xe trở thành “chuyện thường ngày” ở làng, nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài chuyện đường sá chật hẹp, các điều kiện hạ tầng khác ở đây cũng chưa thể đáp ứng được và hiện là một thách thức khi lượng khách tăng đột biến. Nơi ăn, chỗ nghỉ, vấn đề vệ sinh, chỗ để xe cho khách... cũng là những việc cần lo. Cuối tuần, nếu du khách đến làng trễ một chút, phải chờ đợi rất lâu mới tìm được chỗ nghỉ ngơi hay mấy suất ăn trưa. Đã có một người dân xây dựng nhà nghỉ ngay tại làng nhưng ít phòng nên lúc cao điểm thì không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, do khách đến Đại Bình chủ yếu chỉ vào mùa trái cây chín rộ nên người dân đầu tư dịch vụ lưu trú một cách dè dặt và thậm chí không dám đầu tư cũng là điều dễ hiểu...
Vì những lẽ đó, bên cạnh việc bảo tồn, phát triển hệ thống các vườn cây trái đặc sản và độc đáo, Đại Bình cần được đầu tư, phát triển nhiều loại hình dịch vụ khác để tăng tính hấp dẫn và sự hài lòng đối với du khách. Ngoài ra, du lịch nối tuyến vốn được du khách quan tâm, ví như kết nối từ Hội An - Mỹ Sơn đến Đại Bình; Đại Bình - ngược sông Thu lên Hòn Kẽm Đá Dừng hoặc Đại Bình - Đèo Le... Hiện nay, sau khi dạo chơi và thưởng thức trái cây ở Đại Bình, nếu muốn ngược sông Thu để khám phá vẻ đẹp sông nước cũng khó, vì không có sẵn đò - nhất là những chiếc đò bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông đường thủy. Cũng vậy, từ Đại Bình muốn lên chơi Hòn Kẽm Đá Dừng bằng ô tô cũng đành chịu vì đường vẫn chưa thông. Hiện tại, dịch vụ du lịch ở Đại Bình vẫn còn mang tính tự phát; người dân hưởng lợi, chưa được nhiều từ du lịch và các lợi ích cũng chưa thật bền vững.
Đội ngũ “hướng dẫn viên” ở đây cũng đều là “tay ngang” - chủ yếu là người trong làng, hướng dẫn theo kiểu ngẫu hứng, bằng sự hồn nhiên, chân thật của mình. Mà du lịch, ngoài sự hồn nhiên, còn cần sự chuyên nghiệp nữa, đó là chưa kể, nếu không được hỗ trợ thì đến một lúc nào đó, ai dám chắc sẽ không phát sinh hệ lụy từ chính những “hướng dẫn viên” này? Còn nữa, mới đây có thông tin cho rằng đã xuất hiện tình trạng “tuồn” trái cây ở địa phương khác về đây để gắn “mác” Đại Bình rồi bán cho du khách, khiến nhiều người lo lắng, băn khoăn. Vậy nên, trong khi nhiều người dân bán đủ các sản vật dọc đường làng nhưng nhiều du khách chỉ dám mua trái cây tại vườn để khỏi bị nhầm lẫn...
Còn nhớ, năm 2014, UBND huyện Nông Sơn phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam tổ chức hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị làng du lịch sinh thái Đại Bình. Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo đã phác thảo bức tranh du lịch Đại Bình. Như vậy là, cùng với việc kết nối giao thông, cơ hội đã mở ra đối với du lịch Đại Bình, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, để người dân Đại Bình trực tiếp làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch, xem ra còn không ít thách thức...
CHÂU NỮ