Đừng chủ quan với sóng nước!
Cuối tuần qua, Đội cứu hộ biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) liên tiếp thực hiện 2 vụ cứu hộ đối với khách tắm biển vào buổi sáng. Hai du khách này bơi ra xa, khi vào bờ thì bị nước rút nên đuối sức phải cầu cứu.
Điều đáng nói là nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra ở bãi tắm Tam Thanh trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu là do... khách tắm biển chủ quan, tự bơi rất xa bờ dù có hôm thời tiết không thuận lợi, có sóng to gió lớn. Cách đây chưa lâu, người viết cũng từng chứng kiến Đội cứu hộ biển Tam Thanh phải tất tả cứu một du khách đang đuối sức khi tìm cách vào bờ. Du khách này cùng nhiều người khác bơi ra cách bờ hàng trăm mét trong điều kiện có sóng lớn, nước chảy xiết. Sau khi đưa được du khách này vào bờ an toàn, đội cứu phải tức tốc chạy sang khu vực cách đó khoảng 200m để cứu hai ngư dân bị lật thúng chai. Rất tiếc chỉ cứu được một người.
Tai nạn đuối nước đang trở thành nỗi lo của cả cộng đồng. Trong khi nhiều em học sinh vì ham vui, không lường trước nguy hiểm hoặc vô tình nên bị dòng nước cuốn trôi thì ở nhiều trường hợp, nạn nhân là người lớn và gặp nạn do... chủ quan. Một thành viên của Đội cứu hộ biển Tam Thanh có lần phải thốt lên “tôi nói rát cổ mà các anh ấy có nghe đâu. Biển đang động mà cứ bơi ra xa, và hàng loạt người cùng bơi, thậm chí không mang theo áo phao, nếu vào bờ cùng lúc mà bị nạn thì ai cứu cho nổi!”. Quả thật, khi chứng kiến cảnh nhiều người không ngại hiểm nguy, băng băng bơi ra cứu người mới thấu hiểu sự lo lắng của các thành viên trong đội cứu hộ. Trong khi đó, nhiều du khách có lẽ vẫn không từ bỏ được “thú vui” là tắm ở vùng biển “xa bờ” nên ngày nào tại bãi tắm Tam Thanh cũng có người bơi cách bờ hàng trăm mét.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng ban quản lý bãi tắm Tam Thanh cho biết, hầu hết những đội bơi này không chuyên nghiệp, rủ nhau thành một nhóm và thường bơi xa bờ, kể cả trong lúc biển có sóng lớn. Dù ban quản lý khuyến cáo và cấm du khách bơi ra những khu vực nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn bất chấp quy định. Ông Hồng nói, hầu hết các thành viên trong đội cứu hộ là những người từng đi biển nhiều năm, bây giờ xung kích tham gia cứu hộ nhưng chưa bao giờ chủ quan với sóng nước. Biển giã khó lường, có lúc trên mặt sóng êm đềm nhưng dòng nước chảy ngầm, rút chân đẩy người bơi ra xa. Để hạn chế tai nạn đuối nước, cách tốt nhất là không nên tự đặt mình vào thế nguy hiểm, nhất là tự mình “đánh đu” với sóng nước và chưa chuẩn bị các điều kiện an toàn để bơi xa bờ, trong khi việc cứu hộ trên biển không bao giờ là dễ dàng. Ấy thế mà tình trạng này vẫn diễn ra hằng ngày ở biển Tam Thanh, như sáng hôm qua 27.8, dù có sóng to vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhưng khi nhìn ra dòng nước cách bờ hàng trăm mét, vẫn thấy những thân người bé tí nhấp nhô trên sóng...
HÀ QUANG