Đô thị không đuổi kịp tốc độ phát triển

TRẦN HỮU 26/08/2017 08:52

Tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định đô thị hóa để lại nhiều hệ lụy ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, hạ tầng đô thị chắp vá, kiến trúc thiếu bản sắc... Đô thị của Quảng Nam không phải là ngoại lệ.

Quá trình đô thị hóa không theo kịp sự phát triển nhanh của xã hội. Trong ảnh: Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quá trình đô thị hóa không theo kịp sự phát triển nhanh của xã hội. Trong ảnh: Một góc đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Dự báo yếu

Báo cáo của Bộ Xây dựng thừa nhận, quản lý đô thị chưa theo kịp thực tiễn phát triển, thiếu tính hợp nhất đa ngành, chất lượng đô thị chưa được cải thiện nhiều, dự báo phát triển đô thị còn yếu, quy hoạch bị điều chỉnh, bổ sung không theo nguyên tắc nào... Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới tình trạng phân tán, sử dụng đất chưa hiệu quả. Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu chưa cao. Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, hệ thống quy hoạch đô thị nhiều nơi thiếu đồng bộ, thiếu các quy hoạch chi tiết. Chất lượng quy hoạch còn thấp, phải điều chỉnh nhiều lần. “Thiếu tầm nhìn quy hoạch, sự tăng trưởng nóng của các công trình nhà ở là nguyên nhân gây nên bộ mặt nhếch nhác của đô thị” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận.

Do dự báo kém nên quá trình phát triển đô thị không đuổi kịp với tốc độ phát triển nhanh các lĩnh vực của đời sống kinh tế. Mấu chốt nằm ở khâu quy hoạch đô thị chưa đáp ứng thực tiễn. “Trong khi đó, khâu tổ chức, quản lý quy hoạch thường thực hiện chậm, chắp vá. Có hạng mục cần làm trước lại làm sau, cần làm toàn bộ lại làm một phần. Ngoài ra, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra không thường xuyên dẫn đến nhiều sự việc chưa được xử lý kịp thời tạo tiền lệ cho sự vi phạm” -  Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói về bất cập trong thực hiện quy hoạch đô thị.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 5.2017, dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người (tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37%), mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người/km2. Cả nước có 805 đô thị (tăng thêm 8 đô thị loại 5 so với cuối năm 2016), bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; 17 đô thị loại 1; 25 đô thị loại 2; 44 đô thị loại 3; 84 đô thị loại 4 và đô thị loại 5 là 633.

Tại Quảng Nam, những năm gần đây đô thị hóa phát triển với tốc độ rất nhanh. Hầu như ở đâu phát triển mạnh loại hình công nghiệp, du lịch thì ở đó hình thành các khu đô thị. Dễ thấy nhất là vệt đô thị ven biển. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, các đơn vị làm quy hoạch xây dựng, kiến trúc của tỉnh cũng chưa dự báo một cách đầy đủ, chính xác phát triển kinh tế cũng như nhu cầu xã hội phát sinh. Quy hoạch hầu hết bám theo hiện trạng nên thường dễ bị lệ thuộc. Đơn cử, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc ra đời hơn 13 năm, hàng chục nghìn công nhân làm việc cho khu công nghiệp, nhưng đến nay người lao động phải sinh hoạt trong các căn phòng trọ chật chội, thiếu tiện ích và không đảm bảo an ninh trật tự. Thị xã Điện Bàn dù “lên hạng” đô thị nhưng địa phương còn ngổn ngang nhiều hạng mục hạ tầng dở dang. Thực tế, các công trình công cộng trường học, khu vui chơi thể thao giải trí, công viên, nhà ở cho công nhân... còn thiếu, xuống cấp. Rõ nhất là cơ sở vật chất trường học, y tế vùng đông luôn trong tình trạng quá tải. Lực lượng công nhân đại diện cho lối sống thị dân với tác phong công nghiệp nhưng nhiều năm nay vẫn chưa tiếp cận các dịch vụ xã hội đa dạng của đô thị văn minh.

Thiếu nhạc trưởng

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn: “Thực tế cho thấy, quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn, tồn tại các vấn đề về môi trường, ùn tắc giao thông, thiếu nơi vui chơi giải trí, phố xá thì nhếch nhác…”. Đặc thù đầu tư xây dựng đô thị liên quan đến nhiều ngành nghề, đầu mối quản lý khác nhau. Ví như muốn đầu tư xây dựng dự án nào liên quan đến khu vực đô thị, phải trải qua nhiều bước như lấy ý kiến của Sở Xây dựng (ở các thành phố lớn là Sở Quy hoạch kiến trúc) về quy hoạch chi tiết; Sở Kế hoạch và đầu tư về quản lý việc lập kế hoạch dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tiếp đến, việc giao, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất lại do Sở Tài nguyên và môi trường phụ trách; cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Vì không có cơ quan nào là “tổng chỉ huy” nên mới có chuyện một số dự án sai phép hoặc chưa có phép vẫn được xây dựng, thậm chí đến khi đã hoàn thiện cơ quan chức năng mới biết và cuối cùng vẫn không quy được đầu mối chịu trách nhiệm.

Gần đây, quy hoạch xây dựng đô thị ở Hội An là dịch chuyển không gian phát triển lên khu vực cao ráo, ứng phó với biến đổi khí hậu.Ảnh: T.H
Gần đây, quy hoạch xây dựng đô thị ở Hội An là dịch chuyển không gian phát triển lên khu vực cao ráo, ứng phó với biến đổi khí hậu.Ảnh: T.H

TP.Tam Kỳ dù được công nhận là đô thị loại 2 song nhiều năm vẫn chưa đảm bảo chỉ tiêu dân số theo quy định. Phải chăng đô thị vẫn chưa đủ sức hấp dẫn dòng người nhập cư? Điểm yếu nhất của đô thị trong tỉnh là hạ tầng kỹ thuật khung thiếu đồng bộ, chắp vá, thiếu trước hụt sau... gây bức xúc cho thị dân. Nhiều đô thị mới hình thành song chưa đầu tư các hạng mục cần thiết. Điển hình, chợ Kỳ Lam (xã Điện Thọ), chợ Hương Đàn (Điện Phương), chợ Hạ Nông Tây... các công trình phụ trợ không có hoặc đầu tư tạm bợ. Ngay cả Khu phố chợ Vĩnh Điện xây mới khang trang, nhưng vẫn không xử lý dứt điểm ô nhiễm rác thải, gây bức xúc cho thương nhân và thị dân sống chung quanh. Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, bất cập nhất là chưa cung ứng đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt lẫn sản xuất của người dân. Các khu dân cư ngột ngạt bởi thiếu hụt nghiêm trọng về diện tích cây xanh lấp đầy. Tại đô thị Tam Kỳ, nhiều khu dân cư có quy hoạch công viên, hệ thống cây xanh nhưng địa phương đã chuyển công năng sử dụng sang các công trình, trụ sở cơ quan.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng nhận trách nhiệm quản lý nhà nước để phát sinh nhiều bất cập trong thực hiện quy hoạch xây dựng. “Nguyên nhân của mọi nguyên nhân” nằm ở chỗ thiếu một “tổng chỉ huy” trong phát triển, đầu tư xây dựng đô thị hiện nay.

Giải pháp nào?

Về xử lý tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, không chỉ đầu tư hạ tầng, tổ chức giao thông tốt là có thể tháo gỡ được vì càng đầu tư vào hai đô thị này, sự thu hút với người dân nơi khác càng cao, người dân kéo về tìm kiếm cơ hội việc làm càng lớn. Do đó, muốn giải quyết triệt để  ùn tắc cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia các đô thị, các trung tâm để kéo giãn dân. Theo đó, việc đầu tư các đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng tốt phải đặc biệt quan tâm. “Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển. Trước mắt rà soát, đánh giá tổng kết Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng để cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển nói chung. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu giải pháp. Về nhiệm vụ thời gian đến, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch. Tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng công trình, bảo đảm an toàn, chất lượng và theo quy hoạch, tránh tăng áp lực lên hạ tầng đô thị. Thêm nữa, đầu tư hạ tầng đô thị khung (điện, đường, trường, trạm, nghĩa trang, cây xanh, công viên...) phải đồng bộ. Đồng thời tổ chức kết nối theo vùng, theo lãnh thổ, phát triển giao thông đô thị mới.

Tại Quảng Nam, nhận diện được sai lầm trong quy hoạch đô thị, chính quyền TP.Hội An đã thay đổi tư duy phát triển, định hướng phát triển đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch; tuyệt đối không cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng, resort mọc lên ở ven biển Cửa Đại. Còn Tam Kỳ thì “trung thành” với đô thị xanh. Kinh tế khu vực đô thị chuyển dịch đúng hướng sang công nghiệp và dịch vụ. KTS.Trần Bá Tú cho rằng, các địa phương bắt buộc thẩm định quy hoạch xây dựng đô thị có chất lượng, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, xác định vùng đô thị trọng điểm làm “đầu tàu” kéo các khu vực khác phát triển theo. Giải quyết triệt để hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, đảm bảo các dịch vụ xã hội cần thiết của đô thị văn minh.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU