An Tự dựng lại mái đình
Bên bờ sông Thanh Quýt, làng An Tự (xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn) được đắp bồi trù phú, những nếp nhà bình dị thấp thoáng sau rặng tre. Dân làng đang chuẩn bị khánh thành đình làng - công trình tâm linh ấp ủ bấy lâu.
Đường về An Tự hôm nay. |
Ngược dòng lịch sử
Theo cuốn “An Tự đất và người” do tác giả Hoàng Đình Phi (Huỳnh Thanh) chủ biên, thì: “Năm 1565, bách tính vùng Thanh Hóa, Nghệ An vâng lệnh triều đình đi mở cõi, từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong đường xa diệu vợi... Các vị tiền nhân cũng ba lần bảy lượt dừng chân mới chọn được nơi đặt nhát cuốc đầu tiên dựng làng, lập ấp. Nơi chúng ta đang lập nghiệp ngày nay, tiền nhân đã đặt tên làng An Tự”. Như vậy, An Tự được lập vào nửa cuối thế kỷ 16, cùng thời điểm với các ngôi làng liền kề như Thanh Quýt, Phong Ngũ, Phong Lục của xã Điện Thắng Nam ngày nay.
Theo gia phả chư tộc làng An Tự, khi lập làng, tổ tiên có câu: “Bình sơn thắng cảnh hoằng khai tấn phát vĩnh thiên niên” (tức: Núi bằng, cảnh đẹp, khai phá sẽ phát đạt vĩnh viễn ngàn năm). Vị tiền hiền khai khẩn làng An Tự là một người tộc Ngô. Mộ ông được nhân dân làng An Tự phụng thờ và tôn tạo từ năm 2013 và ông được xem là thành hoàng làng. Sau khi tộc Ngô vào khai khẩn, các tộc khác như Trần, Đoàn, Võ, Nguyễn, Huỳnh cũng lần lượt vào cùng hợp lực dựng xây nên làng An Tự. An Tự trước đây có đình làng, chùa làng và công trình kiến trúc mang nét đặc trưng làng quê Việt Nam. Nhân dân hầu hết làm nghề nông. Một số gia đình mua sợi từ Quảng Huế, Đông Hồ, Phong Thử về dệt vải bằng khung cửi gỗ tự đóng, rồi đem bán tại chợ vải Thanh Quýt. An Tự còn nổi tiếng với nghề đan cót (phên) truyền thống bằng nan tre chẻ thật mỏng, khi đan xong mang ra Đà Nẵng hoặc đưa xuống Hội An tiêu thụ. Vì thế, trong làng lưu truyền câu “Thức khuya dậy sớm cho quen/ Làm dâu An Tự chong đèn đan phên”.
Đình làng trước ngày khánh thành. Ảnh: CÔNG TÚ |
Tri ân tiền nhân
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề truyền thống và các công trình đó đã bị mất đi trong sự hoài vọng của người dân làng An Tự. Đình làng không còn nữa, nhưng những nét truyền thống văn hóa tốt đẹp vẫn luôn được gìn giữ và phát huy; tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Về An Tự hôm nay, vùng quê ven sông Thanh Quýt, cách quốc lộ 1 khoảng một cây số về hướng tây đã “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân từng bước nâng cao. Cùng với nhà nước, nhân dân trong làng cũng như những người con quê hương đang sinh sống trên mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài đóng góp nhiều công sức, tiền của để xây dựng, chỉnh trang các thiết chế văn hóa tại địa phương. Từ cổng chào làng An Tự, qua những con đường bê tông trải dài, khu sinh hoạt văn hóa được nâng cấp. Các công trình văn hóa như âm linh làng, mộ tiền hiền tộc Ngô, miếu xóm được dựng xây để đồng bào có nơi ngưỡng vọng, nương tựa về mặt tâm linh. Qua các dịp tổ chức nghi lễ của làng xóm, mọi người dân đều tề tựu đông đủ càng tăng thêm sự gắn kết cộng đồng, để bao việc khó khăn nhất của làng cũng không thể ngăn cản được lòng đồng thuận của nhân dân.
Nhưng rồi, ước nguyện của người dân nơi đây về việc hình thành một ngôi đình làng vẫn còn nung nấu, dở dang. Vậy nên, có người đã viết: “Ước mơ con cháu làng mình/ Bao giờ xây lại mái đình quê hương”. Theo người dân địa phương, An Tự trước đây đã có đình làng. Song, do chiến tranh, cộng thêm thiên tai liên miên khiến đình bị tàn phá. Đình cũ không còn, họ lại dựng nên tại vị trí khác. Thành thử, An Tự từng có 4 ngôi đình. Theo ông Đoàn Thông - Chi hội trưởng Người cao tuổi làng An Tự, thể theo nguyện vọng của các vị cao niên và ước mơ của bao đời con cháu, làng quyết tâm xây dựng lại đình trên nền đất cũ. Được sự đóng góp công sức, tiền của từ nhân dân và bà con đồng hương khắp nơi, cách đây hơn 5 tháng, công trình bắt đầu triển khai thực hiện. Và hôm nay, bên cánh đồng lúa trĩu hạt, ngôi đình làng tọa lạc uy nghiêm, là biểu tượng văn hóa làng xã. Sáng ngày 27.8 (nhằm ngày mùng 6 tháng 7 năm Đinh Dậu), nhân dân An Tự tổ chức lễ khánh thành và dâng hương tri ân công đức tiền nhân. Người làng bảo nhau, giá trị của công trình hôm nay không thể đo bằng tài chính, cũng không thể đo bằng công sức lao động bỏ ra, mà đây là ngôi đình được xây đắp nên bằng tình yêu của người dân với bản quán.
CÔNG TÚ - THANH TÂM