Lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử

NGUYỄN DƯƠNG 24/08/2017 08:42

Là một trong các tỉnh đầu tiên được Bộ Y tế tiến hành thực hiện thí điểm mô hình quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử, Quảng Nam đang nỗ lực hoàn thành yếu tố nền tảng của cả quá trình: lập hồ sơ điện tử.

Các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiến hành khám bệnh, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân. Ảnh: N.DƯƠNG
Các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiến hành khám bệnh, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho người dân. Ảnh: N.DƯƠNG

Gấp rút tiến hành

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử được hiểu là một phần mềm quản lý thông tin sức khỏe của người dân bằng internet được liên thông với nhau giữa các cơ sở y tế trên địa bàn. Thông qua đó, khi người dân đến bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn tỉnh để khám chữa bệnh, những thông tin liên quan đến sức khỏe, chẩn đoán từ lần khám trước sẽ dễ dàng tìm thấy. Từ đó giúp y bác sĩ có thể điều trị đúng với tiền sử bệnh đã và đang có. Đây là phần mềm rất hữu ích với mục tiêu thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho từng người dân, qua đó quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế. Thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe, theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cho người dân. “Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phải đảm bảo tính bảo mật, mỗi người được gắn mã định danh y tế duy nhất và thống nhất để xem thông tin về sức khỏe của mình. Phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân được các cơ sở y tế quản lý, sử dụng phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo liên thông, đồng bộ kết nối với các phần mềm khác từ những chương trình mục tiêu, hệ thống thông tin quản lý bệnh truyền nhiềm, không lây nhiễm, hệ thống thông tin tiêm chủng, phần mềm khám chữa bệnh...” - ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Hiện tại, chương trình đã được triển khai tại 244 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Các địa phương tiến hành khám đồng loạt toàn dân, lựa chọn xã, phường, thị trấn thí điểm, tổ chức các đoàn khám sức khỏe với đầy đủ thành phần để khám, xét nghiệm cho toàn dân; bổ sung, cập nhật thông tin vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử khi người bệnh đến khám bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực hoặc thông qua các đợt khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh lưu động. Giai đoạn 1 của chương trình từ tháng 7 đến cuối năm 2017 và chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ tháng 7 đến cuối tháng 8, ngoài việc phổ biến, những kiến thức về thực hiện phần mềm, phải triển khai nhập các thông tin y tế đang được quản lý tại trạm y tế của xã năm 2016 và 2017 vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Nội dung bao gồm: chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình suy dinh dưỡng, chương trình kế hoạch hóa gia đình, chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm (đái tháo đường, tăng huyết áp), chương trình sức khỏe sinh sản, sức khỏe người cao tuổi... Trong thời gian này, chọn 4 xã: Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), Quế Phú (Quế Sơn), Tam Hải (Núi Thành) và Tân Hiệp (TP.Hội An) để tổ chức khám sức khỏe thí điểm với quy mô khoảng 20 nghìn người.

Phấn đấu vượt chỉ tiêu

“Vì chương trình mới đưa vào thí điểm bước đầu nên chúng tôi động viên anh em cố gắng hoàn thành. Mục tiêu cao nhất là nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đồng thời tạo niềm tin để người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa có thêm niềm tin vào y học, bỏ qua các hủ tục lạc hậu trong chăm sóc sức khỏe”.
(Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế)

Quảng Nam là một trong các tỉnh được Bộ Y tế lựa chọn tiến hành chương trình này (cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Phú Thọ); yêu cầu từ đây đến cuối năm phải thực hiện được bước một của chương trình là tạo lập hồ sơ điện tử cho 85% dân số trong tỉnh. “Thời gian thực hiện rất ngắn nên vừa qua, sở đã gấp rút đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành chỉ tiêu mà Bộ Y tế đề ra. Quan trọng  mình đã có tiền đề từ trước nên việc bổ sung, cập nhập lại thông tin cũng đỡ vất vả hơn” - ông Hai nói thêm.

Với mục tiêu hoàn thành vượt chỉ tiêu, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang gấp rút thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin sức khỏe của người dân. Bác sĩ Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết: “Ở miền núi cao, để chờ người dân đến khám tại các cơ sở y tế rất khó. Như thế không biết đến khi nào mới có thể lập hồ sơ cho họ. Vì vậy, chúng tôi huy động đoàn thanh niên của Trung tâm Y tế huyện vào thứ Bảy, Chủ nhật sẽ phối hợp với xã đoàn đến khám cho từng người. Hiện chúng tôi thí điểm tại 2 xã Phước Xuân và Phước Công. ở giai đoạn này chỉ mới khám những bệnh thường gặp để tạo lập hồ sơ trước, sau đó mới có thể tiến hành các xét nghiệm và khám kỹ hơn”. Tương tự, ở Tây Giang cũng đang tích cực hoàn thành chương trình này. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, đến nay toàn huyện có 96,2% dân số đã được thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. “Có 6 trạm y tế xã đã hoàn thành thiết lập hồ sơ điện tử cho 100% dân số trên địa bàn. Với bước đầu này, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giúp bà con được tiếp cận và hỗ trợ trong việc khám chữa bệnh” - bác sĩ Thông nói.

Ở thị xã Điện Bàn, đã có 87% dân số được khám và bổ sung thông tin và hồ sơ điện tử. Theo bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm Y tế Điện Bàn, do địa bàn có mật độ dân số đông nên công tác khám và lập hồ sơ gặp nhiều khó khăn. “Chúng tôi đã phải huy động anh em làm thêm ngoài giờ để hoàn thành bước 1 chương trình này. Đây mới là giai đoạn đầu thiết lập hồ sơ nên chỉ cập nhật những bệnh và chương trình phổ biến như: tiêm chủng, sức khỏe người già... Còn những bệnh khác cần có thêm thời gian và kinh phí mới thực hiện được” - bác sĩ Thoại cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG