Còn nhiều vướng mắc trong chính sách giao đất giao rừng
Sáng qua 23.8, Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - Cao Thị Xuân làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về kết quả thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006 - 2016. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dự buổi làm việc.
Theo số liệu của UBND tỉnh, đến nay 8 huyện miền núi đã giao đất giao rừng cho 234 đơn vị cộng đồng dân cư với tổng diện tích hơn 158 nghìn héc ta. Ngoài ra, đang triển khai dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng tự nhiên (KFW 10 do Chính phủ Đức tài trợ) cho 9 cộng đồng dân cư thôn quản lý với diện tích gần 5.700ha. Diện tích do cộng đồng quản lý theo ranh giới truyền thống gần 14.500ha. Toàn tỉnh đã giao đất lâm nghiệp cho 5.854 hộ, đồng bào dân tộc thiểu số tại 9 huyện miền núi với diện tích hơn 19.900ha... Lãnh đạo tỉnh đã thông tin về những bất cập của chính sách pháp luật về giao đất giao rừng, nhất là bị động nguồn kinh phí thực hiện đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; người dân khó tiếp cận vốn tín dụng cho lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là chính sách của trung ương không cho nhóm hộ vay vốn phát triển sản xuất lâm nghiệp, trong khi các địa phương chủ yếu giao đất giao rừng cho nhóm hộ.
Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những thành tựu của Quảng Nam trong triển khai các mô hình phát triển kinh tế rừng, giảm nghèo bền vững; phần lớn diện tích đất, rừng giao cho các hộ và cộng đồng dân cư được quản lý tốt, hạn chế tình trạng xâm hại rừng. Đoàn giám sát cũng lưu ý, ngân sách tỉnh cần bố trí hợp lý cho công tác giao đất giao rừng; đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; diện tích đất rừng lớn do UBND xã quản lý kém hiệu quả cần rà soát giao lại cho dân; bóc tách đất rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển đổi qua đất sản xuất giao cho dân.
H.PHÚC