Nhịp sống La Êê...

ALĂNG NGƯỚC 23/08/2017 08:36

Từ trung tâm xã, con đường bê tông chạy dài về phía làng Đắk Ngol (xã La Êê, huyện Nam Giang) uốn lượn theo triền núi bên những thửa ruộng bậc thang. Nếu như một vài năm trước, hình ảnh đó, người làng chưa bao giờ dám nghĩ tới…

Con đường mới được mở, góp thêm diện mạo cho vùng cao La Êê.
Con đường mới được mở, góp thêm diện mạo cho vùng cao La Êê.

1. Làng Đắk Ngol nằm ẩn mình dưới chân núi dọc đường biên giới Việt - Lào, giữa trập trùng màu xanh của núi. Đắk Ngol là ngôi làng của đồng bào Tà Riềng với dân số gần 200 người. Nhiều năm trước, làng Đắk Ngol cách trở với bên ngoài, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy theo phương thức tự cung tự cấp. Nhưng gần một năm nay, khi con đường bê tông giao thông nông thôn được khai mở, Đắk Ngol đổi thay rõ nét. Ông Zơrâm Hiệm - Trưởng thôn Đắk Ngol cho hay, kể từ khi con đường mới được mở về tận làng, cái ăn, cái mặc với người dân ở miền núi này ít nhiều đã có sự đổi thay. Ruộng lúa nước ngày càng được mở rộng diện tích, cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp dần diện tích phát nương, làm rẫy, xâm hại  rừng già. “Có đường, nhiều người trong làng bây giờ đã bắt đầu trồng keo, chuối để phát triển kinh tế. Cỡ vài ba năm nữa, khi keo, chuối đến mùa thu hoạch, người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống. Ngày xưa, có ai dám nghĩ đến đâu” - ông Hiệm bộc bạch.

Kể từ khi có máy xay xát gạo, đồng bào Tà Riềng ở Đắc Ngol đỡ vất vả khi giã gạo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Kể từ khi có máy xay xát gạo, đồng bào Tà Riềng ở Đắc Ngol đỡ vất vả khi giã gạo. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cuối chiều, trở ra từ làng, chúng tôi tình cờ gặp những phụ nữ Tà Riềng vội vã cõng gùi thóc vượt con suối để xay xát gạo. Kể từ ngày Zơrâm Nghiệp, một hộ dân trong làng bỏ tiền ra mua máy xay xát, người dân Đắk Ngol đã không còn cực nhọc vừa địu con, vừa giã thóc như vài năm trước. “Cả ngày đi làm, chiều trở về gùi thóc đến xay xát, chỉ vài phút là xong. Có gạo ăn, lại đỡ mất thời gian, công sức” - chị Zơrâm Thuê tâm sự, rồi lại vội vã trở về nhà chuẩn bị cơm nước cho chồng con. Chúng tôi men theo con đường bê tông dẫn đến nhà Zơrâm Nghiệp. Tiếng máy nổ xình xịch, cùng vài người phụ nữ, trẻ em ngồi đợi đến lượt xay xát. Nghiệp nói, trước đây cũng có một hộ trong làng mua máy xay xát, nhưng được hơn một năm bị hư hỏng, bỏ luôn. Chứng kiến cảnh những phụ nữ trong làng hì hục vừa địu con, vừa giã gạo cực nhọc, Nghiệp vay tiền, quyết tâm mua máy xay xát. Mỗi gùi thóc, công cán, lời lãi chỉ vài lon gạo. Tính ra, Nghiệp không lời mấy. Nhưng bù lại, Nghiệp tìm thấy được niềm vui, góp thêm những nét mới với người làng Đắk Ngol, từ bây giờ…

2. Mất chừng vài phút, từ làng Đắk Ngol, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm xã La Êê. Cũng quãng đường đó, nếu như năm 2014, chúng tôi phải mất gần một giờ đồng hồ men theo triền núi. Đường xa thăm thẳm. Nhiều đoạn suối, rêu đá trơn trượt, trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người khi đặt chân lên vùng cao La Êê. Chủ tịch UBND xã La Êê - ông Zơrâm Huấn nói rằng, nhịp sống mới ở La Eê bắt đầu hình thành từ vài năm gần đây. Là khi, con đường mới được mở về tận các bản làng Đắk Ngol, Palan, Pà Ooi, đã kết nối La Êê với các xã La Dêê, Chơ Chun theo trục đường liên xã. Người dân được hưởng thụ, mở ra những kỳ vọng cho cơ hội phát triển mới, từ điện, đường và một số công trình dân sinh khác. “Bây giờ, nhiều làng Cơ Tu, Tà Riềng tại địa phương đã bắt đầu trồng keo, trồng chuối và một số cây ngắn ngày để làm ăn, phát triển kinh tế. Chừng vài năm nữa, La Êê sẽ khác hơn bây giờ, khi tuyến đường bê tông đã được hoàn chỉnh, điện sinh hoạt cũng được đưa về phục vụ người dân toàn xã. Cơ hội phát triển đang rộng mở phía trước, từ rừng, với những mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới đầy triển vọng như trồng keo, trồng chuối, chăn nuôi bò, heo… đem lại hiệu quả kinh tế” - ông Huấn nói.

Dừng chân tại một hàng quán nước ven đường, cạnh trung tâm xã, đã thấy đông đúc những vị khách người địa phương. Ông Huấn cho hay, một vài quán nước mọc lên kể từ khi có đường, có điện. UBND xã La Êê, khi hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư kéo về, mọi công việc của cán bộ xã đều được thực hiện nhanh gọn, từ nhập cơ sở dữ liệu, in ấn văn bản, giấy tờ, cho đến nhận thông báo, nội dung giấy mời các cuộc họp. Đó là chưa kể, bây giờ người La Êê đã không còn ngược núi để “tìm” sóng điện mỗi khi cần liên lạc như vài năm trước. Điển hình như vụ vỡ dòng dẫn hầm thủy điện Sông Bung 2 xảy ra, cũng nhờ điện thoại mà nhiều người Cơ Tu ở các làng Pà Ooi, Palan kịp thời thông tin cho nhau đề phòng lũ cuốn, bảo toàn tính mạng. “La Êê đã có bước phát triển hơn trước nhờ đường, điện được đưa về từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Duy chỉ có đoạn đường hơn 4km, từ địa phận xã La Dêê đi La Êê vẫn chưa được đổ bê tông, khiến việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa, còn vất vả nhọc nhằn” - ông Huấn cho biết thêm.

Buổi sáng, từ Đồn Biên phòng La Êê, chúng tôi ngắm bình minh nơi góc rừng. Mây núi phủ dày trên những vạt đồi trập trùng màu xanh thẳm. Những bản làng của đồng bào vùng cao La Êê hiện ra, lung linh dưới ánh nắng vàng tươi. Từng chuyến xe tải chở vật liệu xây dựng hối hả nối đuôi nhau chạy về phía núi. La Êê bắt đầu hình thành một nhịp sống mới, sau hàng chục năm “ngủ quên” giữa cánh rừng già…

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC