Nỗi niềm làng miền núi

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 19/08/2017 08:57

Đường 13 trong chiến tranh, nay là QL14D, từ Bến Giằng đến biên giới Việt - Lào là một con đường có lịch sử sinh động, gắn liền với những trang văn đẫm máu. Nhưng bên con đường này còn có là những làng Ta Bhing, Chà Vàl, Ving, La Êê một thời cách trở...

Thiếu nữ vùng cao. Ảnh: T.Đ.T
Thiếu nữ vùng cao. Ảnh: T.Đ.T

1. Nhà văn Chu Cẩm Phong viết trong Nhật ký chiến tranh những năm 1960-1970: “… Xã La Êê có năm thôn, A Xò là làng nằm trên cùng, là làng Cơ Tu cao nhất huyện Nam Giang sát biên giới Việt - Lào, ở đây đi 3 tiếng thì đến đất Lào. Đồng bào Lào và đồng bào Cơ Tu làm rẫy gần nhau chỉ cách một tiếng đồng hồ... Người hai bên biên giới đi lại mua bán, làm sui gia với nhau... Chị Nhuôm là một người miệng nói tay làm, biết nói và biết làm. Chị không nói quanh nói quẩn mà nói thẳng ngay cái ý của mình, thẳng thắn mà thành thực... Lớp học vỡ lòng trong thôn Đắc Ốc có hai mươi em học... Phụ trách các em là Zứ, giáo viên thôn trước kia nay là giáo viên xã. Zứ mồ côi cha mẹ, lúc nhỏ ở với người làng, lớn lên như ngày nay... Zứ là một thanh niên có năng lực nhất của huyện tuy học không nhiều, Zứ rất có uy tín trong đám các em. Còn non người nhưng Zứ đi lại, tác phong đàng hoàng, chững chạc rất có uy thế (11.7.1970)...”.

Trong chiến tranh, nhà văn - Anh hùng LLVT Chu Cẩm Phong từng có những trang ghi chép về vùng đất và con người sát biên giới Lào - Việt cách đây đã gần nửa thế kỷ. Tôi đọc lại nhật ký của anh để mường tượng ra cái nơi mà tôi vừa đến, ngày xưa, trong chiến tranh nó như thế nào. Cả một vùng đất đã đổi thay đến kinh ngạc! Hòa bình và giao thông thuận lợi đã tạo ra sự đổi thay đó, ai cũng nhận thấy... Con đường 13 do Pháp xây dựng từ năm 1937 từ bến Giằng đến thôn Ving, xã Chà Vàl nay đã mở rộng, kéo dài qua biên giới. Một xã La Êê đông vui, một khu kinh tế cửa khẩu đang xây dựng nườm nượp người và thiết bị.

Sau chiến tranh, nhiều năm con đường bị sạt lở do không sử dụng và thời tiết khắc nghiệt. Năm 1979, lần đầu tiên một dự án khôi phục con đường này đã được phê duyệt. Năm 1984, hơn 16km đường đầu tiên từ bến Giằng lên xã Ta Bhing gần Bót Xít được thông tuyến. Tôi có mặt nhiều lần ở Ta Bhing và Chà Vàl. Chứng kiến cảnh những bà mẹ Cơ Tu trong làng phấn khích mang mấy nải chuối đặt trên mâm đồng ra tận chiếc máy ủi để thết đãi những người thợ lái máy làm đường. Thật cảm động. Họ không diễn đạt sự vui mừng bằng lời nói, nhưng chắc chắn họ hiểu khi có con đường, sẽ không còn cảnh gùi những buồng chuối, mụt măng trên vai đi hàng chục cây số xuống Bến Giằng để đổi lấy muối, dầu lửa, cá khô trở về nữa...

Trong những ngày đó, mỗi lần dừng chân ở Ta Bhing, những tờ báo cũ gói áo quần của chúng tôi đều được các bạn giáo viên “tịch thu” để đọc. Các bạn được phân công lên dạy ở miền núi lúc đó không chỉ thiếu thốn về lương thực thực phẩm mà còn thiếu cả thông tin. Nên lúc mang cho họ những tờ báo, tạp chí, bao giờ cũng được trả ơn bằng món gà rừng và rượu tà vạt lấy từ buồng cây đoác...

2. Bây giờ người ta chỉ mất một tiếng đồng hồ đi ô tô từ huyện lỵ Nam Giang lên cửa khẩu Đắc Ốc. Nếu đi từ Đà Nẵng thì chỉ có hai tiếng. Những địa danh Ta Bhing, Chà Vàl, Đắc Ốc... đã nhộn nhịp, có bến xe khách chở người và hàng xuôi ngược mỗi ngày. Hạt bắp, nải chuối đi đến Đà Nẵng, Hội An đã có giá gấp 10 lần thuở núi rừng cách trở. Hạt muối, con cá tươi từ phía biển lên, những mặt hàng tiêu dùng, cả những chiếc TV, xe máy và những đồ gia dụng đắt tiền từ xuôi lên cũng không còn gùi cõng nữa... Tôi nhiều lần trở lại làng Đắc Ốc kể khi con đường này hoàn tất mà vẫn ngỡ ngàng với những đổi thay ấy.

Bà Zơ Râm Thị Nhuôm trong những trang nhật ký của Chu Cẩm Phong nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn còn tỉnh táo. Bà kể, các con lớn đã đi làm cán bộ. Trong bếp lửa giữa nhà, bà vẫn nhớ tên từng người và gói những hạt tiêu rừng gửi tặng chúng tôi. Tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất treo trang trọng trong gian giữa ngôi nhà. Ông Blup Zứ giờ đã về hưu, nhưng là nhà giáo ưu tú đầu tiên của người Tà Riềng. Con dâu, con rể ông đều có cuộc sống khấm khá. Blup Zứ mỗi ngày vẫn ra rẫy. Con đường vào làng đã đúc bê tông rộng, nhà nào cũng có ti vi thu tín hiệu từ chảo parabol. Có điện từ lưới quốc gia. “Con sông Pứt rất to” vẫn rộng và chảy xiết những đã được bắc cầu vĩnh cửu cho xe hạng nặng chạy qua bên kia biên giới, nơi thủy điện Sê Ka Mán thuộc huyện Sê Kông của Lào… Blup Zứ vừa đun nước pha trà đãi khách vừa bình luận: “Có giao thông là có tất cả! Dân làng mình chừ sướng lắm! Có đứa đang học đại học, có đứa đi lao động bên Malaysia...”. Đêm ấy, Blup Zứ gọi thêm nhiều người lớn tuổi về nhà sàn của ông, vừa uống rượu vừa hát lý và trình diễn các nhạc cụ dân tộc của người Tà Riềng để… đãi cán bộ!

3. Chúng tôi trở về xuôi trên con đường 14D. Những làng Chà Vàl, thôn Ving, Ta Bhing bây giờ nhà ngói đã ken dày, hàng quán đông vui nhìn thẳng ra đường lộ. Những tiệm ăn bày những ống cơm lam ra bán với gà rừng nướng và cả bia lon ướp lạnh. Ngã ba từ Ta Bhing rẽ vào thác Grăng là điểm du lịch thu hút các nhà nhiếp ảnh và du khách đi dã ngoại mỗi cuối tuần… Cái bến phà Giằng trong thơ Tố Hữu giờ không còn những chiếc xuồng độc mộc, không còn cảnh xe chờ xuống phà hàng buổi như mấy năm trước. Chiếc cầu De Lattre cũ do công ty Eiffel của Pháp thiết kế bắc qua sông Hàn được đưa về nối hai bờ bến Giằng. Các bản làng người Cơ Tu, Tà Riềng phát triển trông thấy. Nhiều trường học đông đúc học sinh...

Đó là những tín hiệu đáng mừng của tiến bộ. Nhưng ở mặt khác, sinh hoạt hàng ngày như dần mất đi bản sắc văn hóa bản địa khiến ai đó sẽ âu lo! Làng dân tộc lại thiếu vắng những trang phục dân tộc bản địa khi hầu hết học sinh đều ăn mặc như vùng xuôi. Các cô gái Cơ Tu, Tà Riềng ra rẫy với những bộ quần áo như những thiếu nữ ở đồng bằng. Vài bộ đồ thổ cẩm dệt với hoa văn đặc trưng và những chiếc gùi giờ chỉ được sử dụng trong các lễ hội hoặc “làm mẫu” biểu diễn khi các đoàn du khách yêu cầu. Học sinh tiểu học ven đường phì phèo thuốc lá đầu lọc. Những thanh niên cởi trần chạy xe máy lạng lách trước mặt ô tô…

Vì vậy, đường lên các làng biên giới với tôi, trong niềm vui vẫn rơi rớt nỗi niềm âu lo.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG