Di sản của đá
Niềm hy vọng thêm một địa chỉ văn hóa du lịch độc đáo tại Quảng Nam được nhen lên mỗi ngày, khi bộ hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất quốc gia cho quần thể địa chất Tam Hải (Núi Thành) đang hình thành. Những vẻ đẹp lâu đời của đất - nước và thiên nhiên đang được “phát hiện lại” và chờ ngày khai phóng...
Vẻ đẹp kỳ thú của “Tam Hải thạch họa”. Ảnh: Trần Công |
VÙNG ĐẤT KỲ THÚ
Một hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn phong phú, chưa kể rất nhiều mỏm đá, ghềnh, quần thể đá “có hình thù đa dạng và đẹp mắt”, những tấm vân đá đẹp như bức tranh – theo lời nhiều chuyên gia địa chất nhìn nhận. Xã đảo Tam Hải đang bắt đầu được nhận diện với các giá trị hiện hữu…
Quần thể địa chất lâu đời
Tam Hải sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với một vị trí địa lý khá độc đáo, khi được che chắn bởi những dải đá trầm tích hàng trăm triệu năm tuổi và hai nguồn nước mặn, ngọt bao bọc chung quanh. Theo Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tam Hải có các loại đá biến chất, trầm tích, núi lửa, xâm nhập, các loại khoáng sản cũng như các loại tài nguyên đất, nước, di sản địa chất có tuổi từ khoảng 2 tỷ năm đến nay. Ông Đỗ Cảnh Dương – Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, “phạm vi huyện Núi Thành và các vùng kế cận bước đầu có thể nhận dạng được các kiểu di sản địa chất được phổ thông hóa như địa lý, địa mạo”. Theo vị chuyên gia này, huyện Núi Thành và các vùng kế cận thuộc tỉnh Quảng Nam có địa hình từ vùng cao Tam Trà ở phía tây như núi Hú cao 1.132m, thấp dần xuống vùng trung du như Tam Sơn, Tam Thanh, vùng đồng bằng như Tam Xuân, Tam Anh, Tam Hiệp… và dải ven biển dọc hạ lưu các sông Tam Kỳ, Trường Giang, tiếp giáp với các mũi An Hòa, Kỳ Hà ra Biển Đông. Ngoài ra ở đây còn có các thác nước, ốc đảo, các vũng An Hòa, bắc Dung Quất. “Bên cạnh đó, các đá trầm tích lục nguyên và núi lửa lộ ra nhiều nơi dọc bờ biển các xã Tam Quang, Tam Hải, các đảo Hòn Dứa, Hòn Mang, Bàn Than… là những ví dụ. Các thành tạo địa chất này có tính phân lớp, phiến hóa mạnh tạo thành những lớp mỏng xếp chồng nhau song song với nhiều màu sắc xám, xanh, phớt đỏ, vàng xen kẽ nhau bị uốn nếp với hình thù nhiều tư thế nghiêng, chờm phủ, kéo dài hoặc đứt đoạn quan sát được trên nhiều vết lộ di sản địa chất tuyệt đẹp mà ít nơi có được” - ông Dương mô tả.
Khảo sát tại khu vực ghềnh Bàn Than. Ảnh: L.Q |
Trong quần thể địa chất hiện có tại Tam Hải, các nhà khoa học nhận định, tuyệt vời nhất và nổi tiếng nhất của Tam Hải là mũi Bàn Than. Đây là một khu vực dài hơn 1km chạy quanh hòn núi nhỏ được tạo bởi những bàn đá đen lớn, ở đó có các hình thù khác nhau và vô vàn những hình vẽ và hoa văn độc đáo có một không hai. Ghềnh Bàn Than gây ấn tượng về hình thù và chính vị thế của mình. Ngoài ra, từ dải đá, ra xa còn có các đảo nhỏ như hòn Mang, hòn Dứa… Tuy cũng có màu đen như đá ở đảo Lý Sơn và một số địa điểm khác ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhưng, như nhận định của các nhà địa chất, đá của Bàn Than không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có tuổi đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. “Có lẽ, những bàn đá đen thiên hình vạn trạng cùng các hình vẽ và hoa văn tuyệt mỹ diệu kỳ của Bàn Than là danh thắng địa chất, địa lý và thiên nhiên độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước. Trong lần đầu đến với Bàn Than, tôi đã thốt lên, có thể gọi vùng đảo này là “Tam Hải thạch họa” (những bức tranh trên đá Tam Hải) và nói rằng, nếu chụp hay vẽ lại các bức tranh đá này có thể trưng bày thành cả một triển lãm lớn về “tranh đá tự nhiên” - PGS-TS. Ngô Văn Doanh - nguyên ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nhìn nhận. Cũng theo ông, xét về mặt địa chất và địa lý, có thể dễ dàng nhận thấy hai yếu tố rất miền Trung của Tam Hải: yếu tố đồng bằng ven biển và yếu tố biển đảo. “Có lẽ không có một hòn đảo lớn nào ở miền Trung lại có được cả hai yếu tố tự nhiên trên. Ngoài ra, như các nhà địa chất đã nhận định, những bãi đá, ghềnh đá của Tam Hải cũng thuộc loại rất cổ và rất hiếm ở miền Trung. Hơn thế nữa, những bãi đá và ghềnh đá của Tam Hải lại tạo thành những thắng cảnh và những “tác phẩm” nghệ thuật có một không hai” - ông Doanh nói thêm.
Đa dạng sinh thái và văn hóa
TS. Chu Mạnh Trinh (Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An) cho biết thêm, nguồn tài nguyên phong phú và một cảnh quan môi trường nền đã được hình thành từ rất lâu khiến vùng biển nơi này sở hữu rất nhiều rạn san hô. “Tam Hải hiện có hơn 90 rạn san hô với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô này có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loại có giá trị kinh tế như cá hồng, cá mú cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi cùng với nhiều loại ốc đẹp. Có thể nói tổng số loài ghi nhận được tại đây còn nhiều hơn so với quần đảo Cù Lao Chàm. Chưa kể các rạn san hô tại Tam Hải còn nuôi dưỡng một nguồn giống quan trọng cho chính vùng biển này” - TS. Chu Mạnh Trinh cho biết. Cùng với đó, hơn 10ha rừng ngập mặn còn lại trong tổng số diện tích 220ha đã góp phần làm phong phú thêm hệ sinh thái của xã đảo này.
Cũng theo TS. Chu Mạnh Trinh, Tam Hải đang đứng trước rất nhiều nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của hệ sinh thái này, như áp lực phát triển kinh tế, với đa số người dân Tam Hải sống dựa vào nghề biển ven bờ, khai thác giá trị trực tiếp từ hệ sinh thái rạn san hô; việc các nguồn lợi bị khai thác thiếu kiểm soát, đánh bắt các cá thể chưa trưởng thành, ô nhiễm rác thải… “Năm 2003, cộng đồng Tam Hải đã cộng tác với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển vận động bà con tham gia hoạt động tìm hiểu rạn san hô, làm sạch bãi biển… Trong vòng nhiều năm, người dân tại đây phối hợp cùng với các nhà khoa học phục hồi được 1.300 tập đoàn san hô trên 120 giá thể nhân tạo và bề mặt nền đá gốc. Hiện tại, người dân đang cùng với dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải, góp phần bảo vệ môi trường biển và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương” - TS. Trinh nói.
Di sản văn hóa lịch sử của xã đảo này cũng là một điểm nhấn được nhiều người quan tâm. Một nghĩa địa cá Ông có 502 cá thể cá voi được chôn cất qua các thời, mách bảo về một môi trường biển xưa kia của Tam Hải và xung quanh. Mộ và lăng cá ông là một hiện tượng phổ biến của cư dân duyên hải miền Trung, nhưng với Tam Hải là một hiện tượng biệt lệ với cả một nghĩa địa rộng lớn. “Tại Tam Hải còn dấu tích của những khẩu giếng Chăm, nước ngọt, mát, dường như không bao giờ cạn. Dân vẫn dùng nó để nấu ăn và pha trà. Câu chuyện về những khẩu giếng này sẽ là vô tận, nếu như các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thổi được hồn vào đó, qua những kịch bản hấp dẫn. Tam Hải còn có những ngôi nhà cổ, những xác tàu cổ, những câu chuyện dân gian, ẩn giấu những giá trị văn hóa cộng đồng… hoặc đã được khám phá, hoặc khám phá chưa hết, rất cần được đầu tư nghiên cứu thêm, để biến nơi đây thành một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm khai thác phục vụ du lịch” - TS. Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia nhìn nhận.
CẤP THIẾT BẢO TỒN
Tuy mang trong mình nhiều giá trị nhưng nhiều năm qua Tam Hải gần như bị bỏ lỡ trong nhiều cơ hội phát triển. Đánh thức và phục hồi, phát huy các giá trị của vùng đất này trong thời gian tới là một điều cấp thiết…
Vẻ đẹp và cấu tạo địa chất, địa lý và thiên nhiên của đá Bàn Than là độc nhất vô nhị. Ảnh: Trần Công |
Tự phát xây dựng. Những hệ sinh thái tự nhiên bị khai thác gần như không kiểm soát. Rừng ngập mặn bị chặt bỏ để làm hồ nuôi tôm. Chưa kể những bờ kè bê tông hiện đại đã làm mất đi giá trị tự nhiên của biển – đảo. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, bê tông để chống xói lở thì đã có những bài học kinh nghiệm đau thương từ rất nhiều các địa phương duyên hải Việt Nam, tuy Tam Hải vẫn chưa thấy có hiện tượng phá hủy từ sóng biển. Giải pháp nào cho cảnh quan môi trường bờ biển nơi này vẫn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có, cũng là một thách thức đối với các nhà quản lý và các cơ quan thực thi những dự án về quy hoạch. Tam Hải còn gặp vấn đề trong câu chuyện giữ một môi trường biển trong lành. Nhiều chuyên gia e ngại việc khai thác rong biển hiện giờ trở thành nghề của cộng đồng cư dân Tam Hải, chẳng bao lâu nữa sẽ làm nghèo đi hệ sinh thái biển vốn đang bị đe dọa bởi các chất độc hại của các khu công nghiệp xung quanh thải ra.
TS. Chu Mạnh Trinh cho biết, mặc dù Tam Hải đã có một thời gian tiếp cận và cũng đã có nhiều nỗ lực về các hoạt động bảo tồn tài nguyên biển, nhưng hiện tại, địa phương này vẫn chưa đề cập các dịch vụ của hệ sinh thái mang lại, như chất lượng nguồn nước, điều hòa khí hậu, duy trì nguồn lợi, tạo cảnh quan. “Hiện nay, cấu trúc hệ sinh thái và sức khỏe hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi biển, vùng cửa sông Tam Hải đã và đang bị uy hiếp, tổn thương. Nếu địa phương này không sớm có các giải pháp và hành động vì sự phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường, thì sự đa dạng sinh học tại đây có nguy cơ bị phá vỡ ” - TS. Trinh nói.
Hiện vấn đề nhức nhối của địa phương này vẫn là bảo vệ môi trường và xử lý rác thải. Rác thải đã bắt đầu tấn công các địa điểm có cảnh quan thu hút du khách của Tam Hải. Chưa kể, những hộ nuôi tôm trong thời gian dài đã phá đi một phần rừng ngập mặn và liệu sẽ còn những công trình gì mọc lên ở đây, rất cần được nhìn nhận thấu đáo để có quy hoạch phù hợp. Một nhà máy xử lý rác thải sắp tới sẽ được xây dựng tại địa phương này. Và thêm lần nữa, câu chuyện được lật ngược trở lại, rằng khói thải và những hóa chất từ nhà máy này liệu có gây ảnh hưởng môi trường sinh thái của xã đảo? Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, nhà máy chỉ xử lý rác thải tiêu dùng, không phải rác thải công nghiệp nên mức độ ô nhiễm sẽ không đáng lo ngại. Bên cạnh đó, ông An cho rằng, khu vực xây dựng nhà máy xử lý rác thải cách khá xa rạn Bàn Than cũng như một số địa điểm liên quan đến quần thể địa chất Tam Hải.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn liên quan đến câu chuyện tìm hướng xử lý rác thải cũng như bảo vệ môi trường cảnh quan tại các vùng ven biển, trong đó, Tam Hải được nhìn nhận là địa phương cần đưa vấn đề môi trường lên hàng đầu. Cùng với đó, những vấn nạn như sạt lở bờ biển và các hoạt động như nạo vét luồng cảng Kỳ Hà, hoạt động của tàu bè qua cảng và xây dựng bờ kè bê tông, rất cần được đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng.
Hiện việc lập hồ sơ khoa học để công nhận Công viên địa chất quốc gia cho các xã Tam Hải, Tam Quang... cũng được xúc tiến trong các kỳ họp của UBND tỉnh gần đây. Tiêu chí môi trường và bảo vệ các tài nguyên trong hệ sinh thái biển của địa phương này cũng là một yếu tố quan trọng để nhìn nhận, đánh giá đối với việc xác lập một công viên địa chất trong tương lai.
MỞ RA NHỮNG CƠ HỘI
Các ý tưởng đề xuất để khơi dậy tiềm năng và phát triển vùng đất Tam Hải được chúng tôi ghi nhận từ những người liên quan.
Sự đa dạng và niên đại hàng trăm triệu năm tuổi của hệ địa chất tạo nên giá trị độc đáo của vùng Tam Hải. Ảnh: Trần Công |
TS. Phạm Quốc Quân - ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Tam Hải cần có danh hiệu về địa chất
Trước hết, Tam Hải, Tam Quang và một số vùng phụ cận có liên quan của huyện Núi Thành cần phải có một danh hiệu. Và đương nhiên, danh hiệu ấy phải là địa chất hoặc hỗn hợp giữa địa chất và văn hóa. Tôi nghĩ rằng, dẫu có liền khoảnh và kề cận với Lý Sơn và Bình Châu, thì với sự khác biệt về tính chất và niên đại của Tam Hải, Tam Quang và Chu Lai, nơi đây xứng đáng được xây dựng là công viên địa chất. Danh hiệu ấy trước hết phải được công nhận từ cấp tỉnh, sau đó đến cấp quốc gia và quốc tế. Có danh hiệu, thì sẽ có cơ sở, cơ hội tốt để công tác bảo tồn được thực thi có hiệu quả. Vấn đề là quy mô của công viên địa chất ấy đến đâu để không có sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển, thì cần phải được tính toán trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Tam Hải, Tam Quang, Chu Lai nói chung, Tam Hải nói riêng cần phải có một quy hoạch, thậm chí một quy hoạch chi tiết ngay từ bây giờ, để mọi ứng xử với khu vực này phải tuân thủ theo quy hoạch ấy. Quy hoạch phải công khai, dân chủ, có định hướng để lợi ích cộng đồng, nhà nước và địa phương không xung đột nhằm phát triển bền vững. Tôi cho rằng, việc để những di sản văn hóa, địa chất, cảnh quan... bị xâm lấn, thu hẹp, mất đi nét xưa cũ, thì rất xót xa và tiếc nuối. Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu và sẵn sàng trong sự kết nối tuyến di sản văn hóa miền Trung. Giờ đây, sự kết nối ấy cần được nhìn thấy từ Núi Thành - Hội An - Lý Sơn - Trà Bồng và Đức Phổ với các tài sản thiên nhiên và văn hóa đã có, mài giũa thêm để trở thành những viên ngọc sáng của công viên địa chất, của văn hóa Sa Huỳnh và không gian sinh tồn của người dân, để hình thành nên một tuyến tham quan biển - đảo - duyên hải - miền núi, hẳn sẽ vô cùng hấp dẫn và lý thú.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành: Giữ hiện trạng địa tầng, địa chất
Có lẽ, những bàn đá đen thiên hình vạn trạng cùng các hình vẽ và hoa văn tuyệt mỹ diệu kỳ của Bàn Than là danh thắng địa chất, địa lý và thiên nhiên độc nhất vô nhị không chỉ của Quảng Nam mà còn của cả nước. Trong lần đầu đến với Bàn Than, tôi đã thốt lên, có thể gọi vùng đảo này là “Tam Hải thạch họa” (những bức tranh trên đá Tam Hải) và nói rằng, nếu chụp hay vẽ lại các bức tranh đá này có thể trưng bày thành cả một triển lãm lớn về “tranh đá tự nhiên”.(PGS-TS.Ngô Văn Doanh) |
Sau cuộc hội thảo khoa học về “Nhận diện giá trị di sản địa chất Núi Thành”, chúng tôi xác định phải tiếp tục hoàn thiện các bước về khảo sát hiện trạng và cùng với Sở VH-TT&DL phối hợp thành lập hồ sơ, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch 1/5000 của xã đảo Tam Hải. Giữ lại hiện trạng tự nhiên của Tam Hải là điều ưu tiên hàng đầu, sau đó sẽ phát triển các dịch vụ du lịch phụ trợ. Mở mang du lịch biển theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, không bao vây thiên nhiên chỉ để phục vụ một nhóm lợi ích và đặc biệt không xâm hại đến lợi ích chung của cộng đồng. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để cố giữ lấy Hòn Chim (Tam Quang), giữ lại hiện trạng địa tầng địa chất là ưu tiên. Trong tương lai, du lịch biển đảo của Núi Thành hứa hẹn sẽ phát triển mạnh khi Cảng du lịch Núi Thành đặt tại cảng cá An Hòa hiện nay hình thành, đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ du lịch sang trọng, hiện đại.
PGS-TS.Chu Văn Ngợi - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội: Cần nhận diện giá trị địa chất
Tôi nghĩ Tam Hải và cả Núi Thành cần nâng cao nhận thức cộng đồng, chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển du lịch. Nâng cấp hạ tầng cơ sở tại xã đảo Tam Hải (đường đi, các công trình công cộng, vệ sinh môi trường) tạo thuận lợi cho nghiên cứu, tham quan và du lịch. Khôi phục, trùng tu các di sản phải đảm bảo tính lịch sử, tránh tình trạng “hiện đại hóa” di sản. Với thiên nhiên, tại đây có ấu trùng tôm hùm sinh sống nên cần làm rõ điều kiện sinh sống của chúng để giới thiệu với khách du lịch và có kế hoạch bảo vệ môi trường sống cho chúng phát triển. Đây cũng là điểm hấp dẫn. Đối với rạn san hô cần khoanh khu bảo vệ đảm bảo cho rạn san hô phát triển. Núi Thành có đầy đủ điều kiện để xây dựng khu du lịch hấp dẫn nằm trên tuyến du lịch biển đảo: Cù Lao Chàm - Núi Thành - đảo Lý Sơn, hoặc Hội An - Núi Thành - Bình Châu. Còn nếu theo phương án xây dựng công viên địa chất, cần mở rộng phạm vi và cần nhận diện giá trị địa chất của các tổ hợp thạch kiến tạo trong hai thời kỳ lịch sử hình thành vỏ lục địa cổ, từ Proterozoi giữa (PR2) đến Paleozoi sớm (PZ1) gồm các phức hệ Ta Vi, Chu Lai, Hiệp Đức, Núi Ngọc, Điện Bông và Trà Bồng, các hệ tầng Khâm Đức, Núi Vú, A Vương ở phía nam và phía tây huyện, ngoài ra cần liên kết với Khu di tích Mỹ Sơn nhằm đảm bảo quy mô đủ lớn để có đầy đủ cơ sở phát triển kinh tế du lịch…
Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN