Chia sẻ nỗi đau da cam - Bài cuối: Những "chiến binh" phi thường

TRẦN BÍCH LIÊN 17/08/2017 09:09

Mỗi câu chuyện, số phận mang trong mình chất độc da cam (CĐDC) quái ác cùng nghị lực vượt qua nghịch cảnh đã thắp sáng ước mơ, là điểm tựa tinh thần cho mỗi phận đời bất hạnh. Trong cuộc chiến với nỗi đau da cam, họ là những “chiến binh” phi thường.

Tin liên quan

  • Chia sẻ nỗi đau da cam - Bài 1: Đau xót những mảnh đời
  • Chia sẻ nỗi đau da cam - Bài 2: Cần hơi ấm tình người
Trương Thị Thương miệt mài thêu tranh. Ảnh: B.L
Trương Thị Thương miệt mài thêu tranh. Ảnh: B.L

1. Chiều về trên “thung lũng da cam” xã Đại Hồng (Đại Lộc), ánh nắng sót lại bên thềm nhỏ, nơi cô bé “hạt tiêu” Trương Thị Thương (ở thôn Đông Phước) đang miệt mài với những đường kim mũi chỉ. Trông từ xa, Thương lọt thỏm giữa thềm nhà trong mớ tranh chữ thập đang thành hình. Thương đã bước sang tuổi 27, cái tuổi được xem là đẹp viên mãn của người thiếu nữ, nhưng với cô thì hoàn toàn khác. Chỉ cao chừng nửa mét, việc đi lại phải nhờ người khác bồng bế, Thương là một trong hàng trăm nạn nhân của CĐDC quái ác ở đất này. Sống trong gian nan, nghiệt ngã của số phận, nhưng nghị lực của cô gái nhỏ, đặc biệt là tấm gương hiếu học khiến ai cũng nể phục. Mười sáu năm đèn sách, con đường đến trường của Thương dày gian nan, nhọc nhằn của cha, của mẹ. Chừng ấy năm cô gái bé nhỏ đi học bằng đôi chân và tấm lưng của bố mẹ, năm nào cũng đạt thành tích học tập khá hoặc giỏi. Ngày Thương nhận giấy báo đậu vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, những người biết đến cô ai cũng mừng nhưng cũng kèm theo đó nỗi lo cho cô và gia đình. Thế rồi mọi khó khăn cũng qua, Thương hoàn thành 4 năm đại học, ra trường với tấm bằng loại khá. Ông Trương Công Bảy và bà Lương Thị Huệ, bố mẹ Thương, mừng rơi nước mắt trước nghị lực của con gái, song họ cũng biết, cái cơ thể tí hon kia khó mà bươn chải, mưu sinh với đời. Thế là bố mẹ đưa Thương trở về quê. Nhưng không vì thế mà Thương buồn chán hay trách hờn số phận. Cô tâm sự: “Tuy không được đi làm với chuyên môn đã học, song tôi cũng tự nhủ mình phải luôn cố gắng vươn lên. Dẫu sao, mình còn may mắn hơn nhiều người cùng cảnh ngộ”.

Thế giới của Thương bắt đầu bận rộn khi cô lập trang facebook bán tranh qua mạng. Những bức tranh chữ thập, tranh đính ốc biển, những giỏ hoa cách điệu màu sắc… nhọc nhằn hình thành từ đôi bàn tay bé nhỏ góp thêm niềm vui trong cuộc sống của Thương. Cô khoe với tôi: “Có tháng mình bán được nhiều tranh, nhiều giỏ hoa, làm không xuể. Ước mong của mình bây giờ là mở một quầy bán tranh nhỏ ở trung tâm xã để kiếm sống, đỡ đần cha mẹ”.

Trương Hùng Anh với kỳ nghỉ hè bên em trai cũng bị nhiễm CĐDC.
Trương Hùng Anh với kỳ nghỉ hè bên em trai cũng bị nhiễm CĐDC.

2. Những ngày này, Trương Hùng Anh (SN 1990, thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước, Điện Bàn) gác lại mùa hè bên gia đình, bên cậu em trai da cam Trương Phú Thiện để chuẩn bị trở lại giảng đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hùng Anh bị chứng bại não, rối loạn hệ vận động, chân tay xiêu vẹo, đầu bị lệch về một bên và giọng nói ngọng nghịu. Ít ai tin một nạn nhân da cam như Hùng Anh suốt năm học qua vẫn đều đặn tập tễnh cắp sách đến giảng đường mỗi ngày. Những giờ lên giảng đường với Hùng Anh cũng dày gian nan, thấm đẫm mồ hôi của mẹ, của năm tháng nhọc nhằn xin làm bảo vệ ngay tại nơi con theo học của cha. Hùng Anh nói trong ngọng nghịu: “Mai… em phải… ra lại trường… để… học rồi… Năm đầu… em… học… đại cương… theo… tín chỉ,… giờ bắt… đầu học… chuyên… ngành”. Xong câu nói khó khăn, Hùng Anh sửa lại tư thế nằm cho cậu em bị bệnh nặng hơn mình đang sóng xoài dưới đất nhìn chăm chăm vào màn hình vi tính với vẻ thích thú, quẫy đạp liên hồi. Mẹ của Hùng Anh, bà Trần Thị Lệ Hương nói: “Những ngày Hùng Anh nghỉ hè về quê, thằng em vui lắm. Gia đình ít có cơ hội đoàn tụ. Ngày mai Hùng Anh phải theo cha ra Đà Nẵng trở lại trường rồi. Không biết nó có đủ sức khỏe để theo hết khóa học, nhưng vì con, vợ chồng tôi vẫn cứ cố gắng đã”.

Chúng tôi vẫn còn nhớ nụ cười khó khăn của Trương Hùng Anh ngày nhận học bổng hỗ trợ trong dịp Báo Quảng Nam tổ chức Lễ trao thưởng Quỹ ươm mầm tài năng đất Quảng năm 2016. Nỗi đau mang trong mình chưa khi nào dập tắt được niềm lạc quan và nụ cười ở Hùng Anh cho đến bây giờ.

3. Nhiều người ví Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1983, xã Bình Dương, Thăng Bình) là “đóa xương rồng” trên cát. Bị ảnh hưởng chất CĐDC từ mẹ (người tham gia kháng chiến), hai chân Ngọc dặt dẹo, co quắp, người chỉ cao chừng một mét. Những năm tháng kiên trì luyện tập, phục hồi chức năng ở các cơ sở y tế cũng chỉ cải thiện được phần nào chứng teo cơ, co rút bàn chân, chẳng thể giúp cô một lần đứng được trên đôi chân của mình. Song, những nghiệt ngã của số phận vẫn không thể dập tắt được ước mơ trong Ngọc. Nhìn bạn bè đi học, Ngọc thèm được cắp sách tới trường. Vậy là bất kể nắng mưa, hằng ngày Ngọc đều đặn đến trường, lúc nhỏ thì bố mẹ đưa đi, lớn lên tự mình đi bằng xe lăn. Tốt nghiệp THPT, Ngọc được nhận vào làm văn thư tại UBND xã Bình Dương. Chặng đường từ nhà đến nơi làm việc chỉ chừng 5 cây số nhưng với Ngọc là cả quãng dài những gian nan, gập ghềnh. Và chính công việc đã giúp Ngọc tìm thấy niềm vui, lạc quan trong cuộc sống.

Gia đình nhỏ của Bích Ngọc được chia sẻ trên facebook cá nhân của cô.
Gia đình nhỏ của Bích Ngọc được chia sẻ trên facebook cá nhân của cô.

Năm 2010, trong một lần vào TP.Hồ Chí Minh cùng bạn, Ngọc gặp anh Lê Trung Kỳ (SN 1984, người cùng quê) trong quán ăn nhỏ bên đường và đôi bạn dần trở nên thân thiết, dù khoảng cách địa lý cả nghìn cây số. Những lần về quê, anh Kỳ đều đến thăm Ngọc, tình yêu trong họ nảy nở và bén duyên chồng vợ sau bao gian nan, nhọc nhằn. Hạnh phúc nở hoa với vợ chồng Ngọc khi một bé trai kháu khỉnh ra đời. Trong thời gian nghỉ sinh đứa con đầu lòng, vị trí văn thư ở xã của Ngọc đã có người thay thế, song cô không lấy làm buồn, bi quan. Vợ chồng Ngọc làm liều vay mượn từ bố mẹ, bạn bè, cùng nguồn hỗ trợ 20 triệu đồng của hội, đoàn thể ở xã xây một ngôi nhà ra riêng. Ngọc mở quầy tạp hóa nho nhỏ, chồng đảm đương việc bỏ ga, nước uống đóng chai trong xã, thu nhập ổn định 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng. Cứ thế, mỗi ngày vợ chồng Ngọc động viên nhau vượt qua chông gai để xây dựng hạnh phúc. Ngọc cởi mở: “Mình chẳng biết tương lai thế nào nữa. Chỉ biết hiện tại gia đình êm ấm bình yên. Chồng mình rất tốt với vợ con, chịu khó chịu khổ làm lụng vất vả để lo cho gia đình. Mình ở nhà chỉ có thể lo chuyện cơm nước, tắm rửa, giặt giũ cho con, trông quầy tạp hóa. Có lẽ tất cả là nhân duyên, mong là ông trời thương cho tổ ấm nhỏ bé này”.

Ngọc tâm sự, cô rất muốn vay vài chục triệu đồng để có vốn mở một đại lý ga nhỏ cho chồng đỡ vất vả và cũng giúp cải thiện đời sống, rồi còn lo cho con trai. Ước mơ đó vốn nhỏ bé với nhiều người, song với Ngọc, cô gái tật nguyền, đó là cả cuộc đời, là hạnh phúc.

*
*                 *

Mỗi mảnh đời, số phận mà chúng tôi gặp là một chiến tích trong cuộc chiến với nỗi đau da cam. Với chúng tôi, họ là những “chiến binh” phi thường, như những đóa xương rồng vươn lên trổ hoa từ cát trắng và nắng cháy. Cũng chính họ đã và sẽ tiếp thêm nghị lực, ý chí vượt qua nghịch cảnh cho những mảnh đời, số phận nghiệt ngã.

TRẦN BÍCH LIÊN

TRẦN BÍCH LIÊN