Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân: Cần phối hợp đồng bộ
Đã xảy ra tình trạng ngư dân Quảng Nam bị bắt giữ do khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài khi làm lao động thuê cho tàu cá của ngư dân ở tỉnh bạn. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, về luật biển nói riêng cho lao động nghề cá là yêu cầu đặt ra cấp thiết.
Ngư dân Huỳnh Văn Mười (phải) sửa sang vàng lưới ghẹ để chuyển sang đi biển ven bờ. Ảnh: Q.VIỆT |
Xâm phạm lãnh hải khi đánh bắt
Ngư dân Huỳnh Văn Mười (thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) bần thần nhớ lại những ngày bị giam giữ ở Indonesia. “Chúng tôi gồm 7 người, 5 ngư dân của xã Tam Thanh, 2 ngư dân của xã Tam Tiến (Núi Thành) quyết định thử vận may bằng cách đi “bạn” câu mực khơi cho chủ tàu Phạm Cu ở tỉnh Bình Định. Khi “vượt rào” khai thác hải sản ở vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia, không may bị lực lượng chức năng của nước này phát hiện, bắt giữ. Chúng tôi bị giam lỏng trong 40 ngày, sau đó được Bộ Ngoại giao đến giải cứu, về nước hồi tháng 6 vừa qua” - ông Mười kể. Cùng ở thôn Thanh Tân, ngư dân Lương Đức Dục cũng vừa trở về từ Indonesia. Ông Dục đi “bạn” cho tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định, khai thác hải sản xâm phạm vùng biển và bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ. “Chuyến đi câu mực khơi đầu tiên cho tàu cá của tỉnh bạn rồi bị bắt giữ đã khiến tôi choáng váng. Ở Indonesia tôi bị giam lỏng, lúc nào cũng có người theo dõi. Sau lần này, tôi sẽ không dám đi “bạn” tàu ngoài tỉnh nữa, vì mình là lao động thuê đâu có quyết định được chuyến biển sẽ khai thác ở vùng biển nào. Nếu lỡ sang vùng biển chồng lấn hay tranh chấp rồi bị bắt giữ thì không dễ để có thể may mắn về nước như lần này” - ông Dục nói. Ở xã Tam Thanh, hiện vẫn còn 2 ngư dân đang bị giữ ở Indonesia cũng vì đánh bắt xâm phạm lãnh hải.
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Báo Quảng Nam đã thực hiện được 290 tin, bài tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, trong đó có 52 tin, bài về an ninh biển đảo. Tin bài phản ánh chủ yếu tập trung ở chuyên trang “Biển đảo quê hương” được in 2 số/tháng ở báo in và chuyên mục “Biển đảo quê hương” trên Báo Quảng Nam điện tử. Ngoài ra, Báo Quảng Nam còn đăng tải nhiều tin bài về biển đảo trên mục thời sự hằng ngày cũng như liên tục cập nhật các tin tức liên quan trên trang Chính sách - pháp luật. |
Về nguyên nhân dẫn đến các sự việc trên, vì ngư dân không am hiểu luật pháp, các điều ước quốc tế và không xác định được chính xác vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cũng có trường hợp do lợi nhuận về kinh tế nên một số ngư dân bất chấp pháp luật, hoạt động khai thác hải sản vi phạm vùng biển các nước. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến chủ quyền vùng biển cho ngư dân của chính quyền, các lực lượng chức năng chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Ngoài vấn đề am hiểu luật pháp, còn có nỗi niềm là một số ngư dân của tỉnh chưa có điều kiện sắm tàu có công suất lớn nên phải làm thuê cho các chủ tàu ngoài tỉnh, do đó phải phụ thuộc khi hoạt động trái phép trên các vùng biển nước ngoài. Thế nên những ngày qua, ngư dân Huỳnh Văn Mười quyết tâm lập sinh kế mới, không đi “bạn” cho tàu cá khác. Ông đã vay mượn của người thân, xóm giềng mua chiếc thuyền nhỏ giá 8 triệu đồng, lắp máy nổ giá 3 triệu đồng, mua vàng lưới giá 4,5 triệu đồng để sản xuất ven bờ bằng nghề lưới ghẹ. “Cuộc sống cơ cực quẩn quanh. Biết sản xuất bằng nghề cá ven bờ không được khuyến khích nhưng làm sao để có thể đổi nghề được. Vậy nên, đã theo nghiệp biển thì phải gắn bó với biển vậy” - ông Mười nói.
Đồng bộ hơn trong tuyên truyền
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho rằng, những trường hợp ngư dân bị bắt, giam giữ ở Indonesia đã được thả về hay chưa thể trở về đều rất đáng buồn, nhưng cũng rất đáng thương. Toàn xã có hàng trăm phương tiện khai thác hải sản nhưng không hề có tàu cá nào sản xuất xa bờ. Nhiều ngư dân không có phương tiện phải đi làm thuê ở nơi khác vì chủ tàu nhỏ ở xã không cần lao động nghề cá. Không thể trách những ngư dân bị bắt giữ ở Indonesia vì họ đi “bạn”, không thể tự quyết định ngư trường nào sẽ khai thác hải sản. Còn các ràng buộc giữa ngư dân địa phương với chủ tàu ở tỉnh bạn rất lỏng lẻo, không hề có hợp đồng lao động, chỉ thỏa thuận qua loa, khai thác hải sản được thì chia còn thua lỗ thì xem như làm không công. “Điều trăn trở lớn nhất trong hoạt động nghề cá của địa phương là không thể xoay chuyển sang sản xuất lớn, hoạt động xa bờ mà quanh đi quẩn lại chỉ đánh bắt cá nhỏ gần bờ. Với phương tiện, lao động nhỏ lẻ thì làm sao ngư dân có thể dư dả, huy động đủ vốn để đóng được tàu lớn thu hút nhiều lao động. Nhà nước có nhiều ưu đãi đối với khai thác hải sản nhưng ngư dân địa phương không tiếp cận được vì cầm cự sản xuất manh mún” - ông Ty nói.
Về công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân nói chung, ông Lê Ngọc Ty cho biết, xã Tam Thanh đã phối hợp với nhiều ban, ngành của tỉnh để tuyên truyền, vận động ngư dân không được sản xuất trên các vùng biển chồng lấn, tranh chấp, vùng biển không thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng công tác này trắc trở. “Địa phương đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá và 5 tổ đoàn kết sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân chủ yếu tập trung vào các mô hình này nhưng ngư dân lại không quen với hoạt động có tổ chức của nghiệp đoàn” - ông Ty nói.
Thượng tá Quách Thiện Dư - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhìn nhận, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động ngư dân Quảng Nam tuân thủ các quy định của pháp luật khi sản xuất trên các vùng biển xa được triển khai đồng loạt với sự tham gia của các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh. Chuyển biến rõ rệt nhất là từ năm 2016 đến nay không có tàu cá nào của ngư dân Quảng Nam bị bắt giữ khi sản xuất trên các vùng biển chồng lấn, tranh chấp hoặc vùng biển thuộc chủ quyền của nước bạn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu, sự phối hợp triển khai giữa các sở, ban ngành, địa phương ven biển vẫn chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Hy vọng công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ pháp luật khi sản xuất trên biển sẽ lan tỏa hơn trong thời gian đến khi giữa các cơ quan của tỉnh có sự phối hợp đồng bộ. Đặc biệt, các địa phương ven biển có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, các tổ chức mặt trận, đoàn thể vận động ngư dân lựa chọn tàu cá để đi “bạn”, tránh vì ham lợi mà dẫn đến bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.
NGUYỄN QUANG VIỆT