Gian nan giữ thương hiệu sâm Ngọc Linh

HOÀNG LIÊN 17/08/2017 08:40

Trước những vụ giả mạo sâm Ngọc Linh liên tiếp diễn ra, để làm rõ, gìn giữ và bảo vệ thương hiệu sâm củ “Ngọc Linh”, đoàn thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN) vừa có đợt thanh tra, kiểm tra, ghi nhận thực tế tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum để có hướng xử lý, kiểm soát.

Nhiều hình thức quảng bá sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.Ảnh: H.LIÊN
Nhiều hình thức quảng bá sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.Ảnh: H.LIÊN

Nỗi lo sâm giả

Sâm Ngọc Linh trở thành chủ đề nóng, giá cả tăng chóng mặt kể từ khi được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Cơn sốt giá sâm đi liền với nhu cầu thị trường tăng cao khiến loài sâm bản địa có xu hướng giảm sút nghiêm trọng về sản lượng. Trên thị trường đã xuất hiện sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh, đánh lừa người tiêu dùng. Theo các nhà chức năng, những dòng sâm lạ được bày bán tràn lan ở Kon Tum và rao bán trên nhiều trang mạng là sâm Ngọc Linh thực chất chính là củ tam thất vũ diệp, được tuồn vào 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum từ phía Bắc, từ biên giới với giá khoảng  2 - 4 triệu đồng/kg. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, trước nạn sâm giả, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ, chấn chỉnh để tránh gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu sản phẩm quốc gia. “Cơ quan chức năng cần làm rõ, phải làm nhanh, triệt để để trấn an lòng dân, trước khi phát triển cây sâm Ngọc Linh mạnh mẽ. Cần có sự kiểm tra chặt chẽ từ trung ương, nên có chế tài xử phạt mạnh để răn đe, hạn chế thấp nhất thực trạng trên” - ông Bửu nói. Cũng theo ông Bửu, phiên chợ sâm núi Ngọc Linh sắp tới sẽ được tổ chức tại Nam Trà My. Để đảm bảo về mặt chất lượng, huyện đã lập hai đội kiểm nghiệm vòng trong và vòng ngoài, song việc nhận biết chỉ bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm lâu năm của những người trồng sâm bản địa và đội ngũ cán bộ công tác ở vùng sâm. Nếu có thiết bị kiểm nghiệm, có thể test tại chỗ để phân biệt sâm thật, sâm giả thì sự vào cuộc của ngành chức năng sẽ dễ dàng và lòng tin của người tiêu dùng sẽ cao hơn.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN nhìn nhận, thời gian qua, dù tỉnh và các ngành, địa phương đã cố gắng song công tác quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh còn nhiều khó khăn. Tỉnh vẫn còn lúng túng, chưa có kinh nghiệm trong quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nói chung. Khâu quản lý còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Việc mở rộng diện tích còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu sản phẩm trên thị trường, tình trạng giả mạo còn nhiều, công tác kiểm định chất lượng sâm trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được. Việc lưu thông, phân phối, mua bán sâm trên thị trường hết sức phức tạp, tình trạng bán sâm giả, sâm không đúng là sâm Ngọc Linh vẫn còn nhiều. Cái khó hiện nay việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý chưa thực hiện được do sự vướng mắc giữa 2 tỉnh. Ở địa bàn 2 tỉnh và cả nước hiện nhiều doanh nghiệp tự ý gắn nhãn mác, thương hiệu sâm Ngọc Linh lên sản phẩm sâm củ và các loại sản phẩm chế biến từ sâm mà chưa có sự quản lý, kiểm soát, xử lý từ cơ quan chức năng.

Siết chặt quản lý

 “Trước nỗi lo sâm giả, công tác kiểm định còn nhiều khó khăn, cả nước chỉ mới có một cơ sở kiểm định nằm tại TP.Hồ Chí Minh. Còn lại, việc xác định sâm thật, giả hoàn toàn dựa vào cảm nhận chủ quan, kinh nghiệm thực tiễn của người dân và cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm. Vẫn chưa làm rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm truy xuất nguồn gốc chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Việc kiểm soát các sản phẩm được chế biến từ sâm còn lỏng lẻo. Công tác thông tin đến người tiêu dùng giúp nhận biết sản phẩm sâm còn hạn chế. Các sản phẩm chế biến từ sâm chưa đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu công nghiệp… là một loạt khó khăn, vướng mắc và tồn tại cần xử lý”.
(Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN)

Việc kiểm soát chất lượng giống gốc, chất lượng sâm củ được bàn luận trong chuyến làm việc của đoàn thanh tra Bộ KH-CN tại Quảng Nam. Theo đó, bài toán kiểm soát trước hết bắt đầu bằng việc làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền cần triển khai mạnh đến tận người dân, doanh nghiệp, giúp họ nhận biết sản phẩm quốc gia, kêu gọi người dân phải trồng cây sâm bản địa, không được trồng cây sâm lạ, doanh nghiệp không sử dụng sâm giả vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Và để có nguồn sâm ổn định, vấn đề giống chuẩn, phải có trung tâm sản xuất giống chuẩn do Nhà nước quản lý. Các nhà quản lý cũng đề xuất ngành KH-CN cần nhanh chóng nghiên cứu, đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu thiết bị để lực lượng chức năng có thể sử dụng kiểm tra tại chỗ phân biệt thật - giả.

Ông Phạm Viết Tích thông tin, Sở KH-CN mới tham mưu chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, UBND huyện Nam Trà My đang xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở ban ngành trình tỉnh phê duyệt, chỉ đạo. Phía Sở KH-CN Quảng Nam và Kon Tum cũng tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam và Kon Tum ký kết quy chế phối hợp quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và đang hoàn thiện quy chế, quy trình kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng tem, logo chỉ dẫn địa lý gắn lên sản phẩm. Sở cũng tham mưu tỉnh nâng cấp Hội quế Trà My thành Hội sâm Ngọc Linh - quế Trà My, đẩy mạnh trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh và quản lý, kiểm soát chặt, kiến nghị xử lý đơn vị, cá nhân vi phạm. Sở KH-CN cũng đề nghị Bộ KH-CN cần hỗ trợ cho 2 tỉnh triển khai dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; đăng ký nhãn hiệu tập thể trong nước và ngoài nước về một số sản phẩm, dịch vụ sâm Ngọc Linh; triển khai chuỗi sản phẩm từ sâm và thành lập Trung tâm Sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My. “Các đơn vị chức năng cũng tích cực phối hợp với huyện Nam Trà My tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh, chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với sâm Ngọc Linh” - ông Tích nói.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN