Xây dựng đề án phát triển đàn voọc ở Tam Mỹ Tây
Tin liên quan
|
(QNO) - Sau khi chúng tôi đưa thông tin về đàn voọc chà vá chân xám đang có nguy cơ suy giảm số lượng do không gian sống bị thu hẹp, ngày 15.8, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết sở vừa đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi khoảng 80ha rừng kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà (huyện Núi Thành) để tạo sinh cảnh bảo vệ đàn voọc này.
Sau khoảng 15 phút vào rừng, chúng tôi ghi lại được 2 cá thể voọc chà vá chân xám khi trời vừa hửng sáng. Ảnh: H.H |
Ngoài ra, Sở NN&PTNT đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật để thực hiện việc kết nối sinh cảnh cho đàn voọc chà vá chân xám đến khu vực thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh nhằm mở rộng không gian sinh sống.
Voọc sinh sống trên núi Hòn Dồ. Ảnh: H.H |
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng kêu gọi các cơ quan của Chính phủ, tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ kinh phí và cùng hợp tác trong công tác bảo tồn voọc chà vá chân xám ở Quảng Nam nói chung và khu vực huyện Núi Thành nói riêng.
Quá trình ghi lại hình ảnh đàn voọc rất khó khăn vì không phải lúc nào voọc cũng xuất hiện. Ảnh: H.H |
Trước mắt, Sở NN&PTNT sẽ triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm giám sát thường xuyên hoạt động của đàn voọc chà vá chân xám về số lượng, vùng hoạt động. Đồng thời kết hợp với công tác tuần tra chống săn bắt và phá rừng tại khu vực này để quản lý bảo tồn loài và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về loài.
Không gian sống của đàn voọc đang dần bị thu hẹp. Ảnh: H.H |
Trước đây, đàn voọc chà vá chân xám khu vực này rất đông. Tuy nhiên, do tác động của người dân địa phương như xâm lấn rừng lấy đất sản xuất nên sinh cảnh sống của voọc bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến số lượng cá thể trong các quần thể voọc chà vá chân xám. Hiện nay đàn voọc này sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo và đang chịu áp lực tác động rất lớn từ phía người dân địa phương.
Đề án phục hồi 80ha rừng được kỳ vọng sẽ bảo vệ tốt hơn cho đàn voọc. Ảnh: H.H |
Ông Phan Minh Huấn - phụ trách Trạm Kiểm lâm Núi Thành cho biết đàn voọc có từ lâu ở địa phương, hiện phân bố ở khu rừng nguyên sinh còn sót lại của xã Tam Mỹ Tây, trên núi Nà Lấm, Hòn Bà, Hòn Dồ. Trong đó, khu rừng Hòn Dồ rộng khoảng 10ha, các khu vực còn lại hơn 1ha. Số lượng ước khoảng vài chục cá thể.
Người dân thôn Đồng Cố (xã Tam Mỹ Tây) chỉ ngọn núi nơi đàn voọc sinh sống. Ảnh: H.H |
Voọc chà vá chân xám (tên khoa học là Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam, được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, thuộc nhóm IB (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
HẢI HOÀNG