Chia sẻ nỗi đau da cam - Bài 1: Đau xót những mảnh đời

TRẦN BÍCH LIÊN 15/08/2017 09:38

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, màu của hòa bình đã lên xanh. Song, vẫn còn một cuộc chiến khác đã và đang âm ỉ gặm nhấm, cướp đi niềm vui sống của hàng nghìn con người nơi xứ Quảng. Cuộc chiến với chất độc da cam.

Năm nay 10 tuổi, đồng nghĩa với 10 năm qua bé Bùi Tấn Bão gánh chịu nỗi đau do chất độc da cam gây ra. Ảnh: B.L
Năm nay 10 tuổi, đồng nghĩa với 10 năm qua bé Bùi Tấn Bão gánh chịu nỗi đau do chất độc da cam gây ra. Ảnh: B.L

BÀI 1: ĐAU XÓT NHỮNG MẢNH ĐỜI

Hôm nay, về những mảnh đất xưa kia là chiến trường ác liệt với vành đai trắng, với cảnh đạn cày bom xới, đã nghe đất lên xanh màu. Nhưng ở đó có những mảnh đời bất hạnh bởi di chứng từ chiến tranh mang tên da cam…

Về “thung lũng da cam”

Tại huyện Đại Lộc, lần theo danh sách có được, mấy ngày liền chúng tôi đến thăm một số trường hợp nạn nhân chất độc da cam ở các xã Đại Hồng, Đại Hưng, Đại Lãnh. Đây là 3 xã vùng tây Đại Lộc có số người nhiễm và phơi nhiễm chất độc da cam lên đến hơn 500 trường hợp, cũng vì thế chúng tôi gọi vùng này là “thung lũng da cam”. Trong đó, riêng xã Đại Hồng đã có hơn 200 trường hợp nạn nhân chất độc da cam, chiếm 1/3 trong số đó là trẻ em.

Mỗi trường hợp là một số phận với câu chuyện bi thương. Như nạn nhân Bùi Tấn Bão (ở thôn Hà Vy, xã Đại Hồng), dù đã lên 10 song chỉ có thể trạng của trẻ lên 3, gầy trơ xương, vật vờ, chẳng thể gọi cha, gọi mẹ, chẳng biết bày tỏ buồn vui, giận hờn… Tấn Bão nằm gọn trong lòng chiếc xe lăn vừa được hỗ trợ ngủ mê mệt, thi thoảng nấc lên những âm thanh khò khè đặc quánh. Chân tay em quẹo quặt, co quắp, hai xương ức nhô cao, hai chân chỉ độ bằng cẳng tay của những bạn đồng lứa. Chị Lê Thị Phượng (40 tuổi), mẹ Tấn Bão nói trong nước mắt: “Lúc sinh ra, nó bụ bẫm, dễ thương lắm. Nhưng nuôi hoài chẳng thấy cao thêm tí nào, lại ít lanh lợi như những đứa trẻ khác. Sau khi một trận sốt ác tính đến với Bão, tay chân thằng bé co rút lần. Cay đắng là ngày vợ chồng tôi nhận kết quả thằng bé bị nhiễm chất độc da cam”. Chị Phượng chia sẻ, tên Bão là vợ chồng đặt cho con để kỷ niệm ngày Bão ra đời vào đúng trận bão lũ lịch sử, ai ngờ số phận con lại nghiệt ngã như tên gọi... Mỗi đêm, với chị Phượng là chuỗi đớn đau khi nhìn thân thể con trai ngày một khô héo, giấc ngủ trẻ thơ đầy nhọc nhằn. Chị Phượng nói, giữ được con ở lại thế giới được ngày nào đã là hạnh phúc ngày ấy.

Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đại Lộc cho biết, trên địa bàn huyện, chỉ tính riêng số người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã là 269 người và hơn 50 trường hợp con đẻ của họ bị phơi nhiễm. Song, đó chỉ là con số nạn nhân được công nhận, còn trên thực tế, số người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam có đến hơn 1.700 trường hợp, con đẻ của họ bị dị tật, dị dạng gần 600 trường hợp nhưng chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội mỗi tháng 270 - 540.000 đồng, tùy theo mức độ. Mức hỗ trợ vẫn chưa thấm vào đâu so với nỗi đau mà nạn nhân phải gánh chịu, và hầu hết gia đình đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bi đát.

Theo số liệu của Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 35 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, đến nay hơn 7.000 nạn nhân bị nhiễm CĐDC, trong đó thế hệ thứ nhất hơn 5.000 nạn nhân, số còn lại là thế hệ thứ 2, thứ 3 và thế hệ thứ 4.

Ở xứ này, có những người mẹ cứ đêm đến là thức để canh chừng con, hay dáo dác, mò mẫm trong đêm đi tìm con. Như trường hợp bà Hồ Thị Năm (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng). Bùi Thị Thúy, con gái bà Năm đã tròn 25 tuổi, nhưng lúc tỉnh lúc mê, ngờ nghệch, không thể tự ăn, tự mặc áo quần. Hễ trời động, Thúy lên cơn là đánh, cấu xé bất cứ ai ở gần. Chuyện bà Năm và người chồng tật nguyền phải lê thân lội bộ khắp làng trên xóm dưới để xin lỗi mọi người đã quá quen. Ngay cả họ cũng bao phen trở thành nạn nhân của Thúy. Chìa tờ giấy ghi chấn thương phần ngực, gãy xương sườn, bà Năm bảo, đó là bị Thúy đánh. “Thúy mà lên cơn là phải dỗ ngon dỗ ngọt, chứ nó dữ lắm, gặp ai cũng đánh. Ai thương bỏ qua, còn người không thương thì đánh trả, mặt mày bầm tím. Chừ phải cắn răng, chứ biết làm răng” - bà Năm nói. Bà Năm kể, lúc sinh ra Thúy đã khác biệt với những đứa trẻ khác, một tháng mới chịu mở mắt, 5 tuổi chưa biết đi, chưa biết nói, thường xuyên đau ốm. Của cải lần lượt theo chân vợ chồng bà trong những chuyến bồng con đi hết chỗ này tới chỗ khác chữa trị nhưng đi đâu cũng bị trả về. Bây giờ nhà bà Năm chẳng còn gì có giá để bán. Cứ 3 tháng, bà Năm phải đưa con đi chạy thận nhân tạo, Thúy lại bị tim bẩm sinh, bệnh men gan, mỗi thứ bệnh hàng ngày rút đi từng chút sức đề kháng của Thúy. Chúng tôi rời nhà bà Năm, luôn ám ảnh bởi đôi mắt to tròn, ngờ nghệch của Thúy cùng gương mặt bà Năm u uất, hằn sâu những nếp nhăn…

Ở các xã Đại Hưng, Đại Lãnh cũng dày đặc danh sách nạn nhân chất độc da cam. Như ông Đỗ Thành Trung (ở thôn 15, xã Đại Lãnh) sau khi rời quân ngũ về lập gia đình, sinh được 3 người con trai thì đều là nạn nhân da cam. Hay như ông Đỗ Tới (ở thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng) chết vì bệnh ung thư, để lại 3 người con bị bệnh thần kinh nặng; ngay cả đứa cháu nội duy nhất của ông nay cũng sống đời thực vật. Cũng ở thôn Trúc Hà, ông Trương Công Phúc từng là quân nhân, bị ung thư chết, sau đó vợ ông bị tai biến qua đời, bỏ lại 3 người con bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh bi đát…

Nỗi đau ở vùng cát

Tương tự, ở vùng cát Thăng Bình vẫn còn đó những nỗi đau thầm lặng, những cảnh ngộ thương tâm, éo le, cần sự chung tay, truyền hơi ấm tình người từ xã hội. Và chỉ một trường hợp chúng tôi sắp nói đây cũng đủ để lột tả nỗi đau da cam ở vùng cát này. Đó là gia đình ông Bùi Văn Niếu (SN 1942, xã Bình Triều). Ông Niếu từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng - Đà, chiến trường Tây Nguyên, đường 9 Nam Lào, từng là biệt động thành ở Tam Kỳ. Hòa bình lập lại, năm 1976, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Thanh Hương, cùng quê. Đứa con đầu lòng của vợ chồng ông chào đời lành lặn, tuy có hơi ốm yếu. Liên tiếp những lần mang thai sau đó đều không giữ được. Rồi trời thương, vợ chồng ông cố gắng mãi cũng sinh thêm được hai người con.

Những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh. ẢNH: VINH ANH
Những nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh. ẢNH: VINH ANH

Trớ trêu, năm 1997, ông Niếu phát bệnh, từng mảng da bong tróc, người lúc nào cũng như kim châm, ngứa ngáy, đau đớn. Hai con mắt sưng vù to bằng cái chén chỉ sau một đêm, thuốc thang mấy cũng không khỏi. Ngày cũng như đêm, hai tay ông giữ riết đôi mắt, hết dụi rồi la khóc, song chẳng nơi nào biết bệnh. Rồi, qua giám định, kết quả cho biết ông Niếu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Suốt hơn 20 năm, nhờ thuốc thang, đôi mắt của ông bớt đau nhưng đã mù lòa. Trong 20 năm ròng rã, với ông Niếu, ngày cũng như đêm, bóng tối, đau đớn bủa vây. Tai ương ập xuống cái gia đình khốn khổ khi người con đầu của ông bà bị điện giật chết, để lại hai đứa cháu nhỏ. “Chồng tôi cũng có suất hưởng da cam, song tiền đó chỉ đủ ổng uống thuốc mỗi ngày. Trước tôi ở nhà chăm ông nhưng chừ đành bỏ ổng ở nhà để bươn chải với mớ rau, mớ cá ở chợ kiếm ít đồng lo cho hai đứa cháu nội. Phải chi Nhà nước có hỗ trợ cho người trực tiếp nuôi nạn nhân da cam tỷ lệ 81% trở lên như ổng thì cũng đỡ biết mấy. Chừ cảnh khổ rứa biết làm răng” - bà Hương nói.

Chưa hết, ngay cả người con út của ông Niếu năm nay đã ngoài 30 tuổi cũng bị ảnh hưởng chất độc từ cha, thần kinh không ổn định. Vợ chồng ông khổ cực, đau đớn nhưng vẫn cứ ngay ngáy lo cho đứa con út. “Giờ chỉ mong nó yên bề gia thất. Nhưng có mấy đứa con gái về chơi rồi biệt luôn vì nhìn thấy cha nó bệnh tình nặng, thấy hai đứa cháu nội, cũng một phần vì sợ ảnh hưởng mai sau nữa” - bà Hương nén lòng. Vừa nói, bà vừa chạy vào trong bới mấy bát cơm cho hai đứa nhỏ ăn chiều để còn học bài. Rồi phần ông, bà kéo ghế ngồi đút từng muỗng. “Đâu phải bữa nào cũng ở nhà đút cơm cho ổng được. Có bữa đi bán cả ngày, trước khi đi để đồ ăn xuống sàn cho ông dễ lấy. Về thấy người và chó cùng ăn một mâm mà xót…”. Nói đến đây, bà Hương không kìm được nước mắt…

Rời xứ cát Thăng Bình, chiều đi chầm chậm, đầy khắc khoải. Hàng ngàn nạn nhân da cam là hàng ngàn nỗi buồn, xót xa. Vùng đất “chưa mưa đà thấm” còn biết bao phận người đã và đang gồng gánh nỗi đau đớn trong thầm lặng, những phận người níu giữ thời gian từng ngày qua kẽ tay, ngoài con số liệt kê? Nỗi đau thế kỷ chẳng thể cho phép sự vô cảm.

______
Bài 2: Cần hơi ấm tình người

TRẦN BÍCH LIÊN

TRẦN BÍCH LIÊN