Bức xúc "đoạn đường đen"

SÁU CÒI 15/08/2017 08:43

Ngày 29.3 vừa qua, Sở KH-ĐT đã có văn bản trình UBND tỉnh xin thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống mương thoát nước dọc và gia cố lề đường đoạn qua ngã ba Đại Hiệp đến ngã ba Hòa Đông dài khoảng 4,7km, sau khi Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị.

Đoạn tuyến qua cầu Ngọc cần được mở rộng 12m cho đồng bộ.
Đoạn tuyến qua cầu Ngọc cần được mở rộng 12m cho đồng bộ.

Qua khảo sát, ngành chức năng nhận thấy cầu Giao Thủy cùng với ĐT610 đưa vào sử dụng, do đó hướng tuyến từ Nông Sơn, vùng tây Duy Xuyên qua cầu Giao Thủy đến Đại Lộc, theo ĐT609B, quốc lộ 14B về TP.Đà Nẵng rất thuận lợi và trở thành hướng tuyến quan trọng. Trên tuyến ĐT609B, đoạn từ ngã ba Hòa Đông - ngã ba Đại Hiệp thuộc ĐT609B thường xuyên bị ngập nước, mặt đường chật hẹp, lưu lượng giao thông cao, dân cư đông đúc nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Cũng vì thế, nhân dân và cán bộ địa phương gọi là “đoạn đường đen”. Trước đó vài hôm, chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn trả phần mặt đường nhựa rộng 5,5m đúng hiện trạng, không có mương thoát nước và vỉa hè khiến các phương tiện lưu thông xảy ra xung đột, bê tông nhựa dễ bị bong tróc do ngập nước. Do khó khăn về kinh phí, tổng mức đầu tư Sở GTVT dự kiến khoảng 22 tỷ đồng, nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 nguồn ngân sách tỉnh và thực hiện đầu tư từ năm 2018.

Song đề xuất trên gần như đi vào ngõ cụt do chưa sắp xếp được nguồn vốn. “Đoạn đường đen” tiếp tục chứng kiến nhiều vụ tai nạn gây bức xúc cho các tầng lớp nhân dân. Đến ngày 27.7 vừa qua, Sở KH-ĐT gửi văn bản đến Sở GTVT đề nghị cho ý kiến về việc thống nhất quy mô đầu tư nâng cấp đoạn tuyến nêu trên. Được biết, Sở KH-ĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh có báo cáo giải trình về chủ trương điều chỉnh bổ sung vào dự án cầu Giao Thủy. Theo Sáu Còi, việc bổ sung đầu tư nâng cấp, mở rộng “đoạn đường đen” vào dự án cầu Giao Thủy là hợp lý, giải quyết được bài toán kinh phí đặt ra bấy lâu nay. Bởi lẽ, đoạn 4,7km nói riêng chính là đường dẫn phía bắc cầu Giao Thủy, hàng ngày phải gánh hàng chục nghìn lượt phương tiện hỗn hợp, bề mặt hẹp nhưng có đông ô tô tải nặng lưu thông. Trở lại văn bản mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề xuất, đoạn qua khu đông dân cư thiết kế mở rộng nền mặt đường từ tường rào nhà dân trở ra có mặt cắt 12m, trong đó mặt đường 10,2m và mương dọc rộng 0,9m mỗi bên. Đoạn qua ruộng lúa, hoa màu (không có dân cư) không xây dựng hệ thống thoát nước dọc; bề rộng nền còn 9m, trong đó mặt đường 8m và lề đất mỗi bên rộng 0,5m. Công trình không có giải phóng mặt bằng, mặt đường được thảm nhựa 2 lớp để đảm bảo khai thác lâu dài.

Sở GTVT thống nhất nâng cấp mở rộng đoạn tuyến, nhưng phải phù hợp với quy mô theo Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 846/QĐ-UBND ngày 13.3.2015. Cụ thể, xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với bề rộng nền 12m, riêng đoạn qua khu đông dân cư có bố trí mương dọc để tiêu thoát nước. Như vậy, ngành đề xuất dù không có mương dọc, nền đường đoạn qua ruộng lúa, hoa màu cũng phải đạt 12m. Qua quan sát hiện trường, Sáu Còi nhận thấy đây là kiến nghị hợp lòng dân. Bởi vì, đoạn tuyến qua ruộng lúa, hoa màu chủ yếu thuộc km2+662 - km3+702, qua 3 cây cầu Ngọc, Đại Hiệp và Chánh Cửu. Trong điều kiện chưa có kinh phí xây dựng cầu mới, phần đường nằm phía tây, phía đông và giữa 3 cây cầu cần phải mở rộng trước cho đồng bộ với những vị trí khác...

SÁU CÒI

SÁU CÒI