Nhiều bất cập trong xử lý rác thải
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại một số bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh cùng sự bất cập, hạn chế về mặt lựa chọn, áp dụng công nghệ trong xử lý rác thải… đang là những vấn đề nhức nhối cần phải sớm được giải quyết.
Bãi rác Đại Hiệp là “điểm đen” về ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ảnh: H.Liên |
HỆ LỤY TỪ BÃI RÁC TẬP TRUNG
Sự hạn chế về năng lực thu gom, xử lý rác thải tại một số bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh đã gây nên nhiều hệ lụy, khiến môi trường sống của người dân bị đe dọa hàng ngày.
Ô nhiễm
Nhiều năm nay, hệ lụy ô nhiễm môi trường sống như ô nhiễm nguồn nước ngầm, bụi bẩn, mùi hôi từ các bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh luôn là câu chuyện mang tính thời sự. Các bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc), Cẩm Hà (Hội An), Tam Xuân 2 (Núi Thành)… luôn gây ô nhiễm ở mức báo động đỏ khiến người dân và chính quyền địa phương lo lắng, bất an.
Ông Đỗ Thanh Cảng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp - xác nhận, từ năm 2014 tới nay, do lượng rác phát sinh trên địa bàn huyện và các huyện lân cận đổ về đây quá lớn, cứ mỗi lúc mưa to, lượng nước thải từ bãi rác Đại Hiệp quá nhiều, cùng với đó là ô nhiễm môi trường sống đối với khu dân cư lân cận như mùi hôi, ruồi nhặng phát sinh nhiều. Nhất là năm 2016-2017, nước thải đổ ra từ bãi rác còn khiến gần chục héc ta lúa của Đại Hiệp bị thiệt hại trắng. Tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và có xu hướng tăng cao vào mùa mưa. Ông Trương Văn Huấn - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc thông tin thêm, bãi rác này chính thức hoạt động từ năm 2007 với tổng diện tích khu xử lý rác là 7,8ha, có công suất xử lý rác theo hình thức chôn lấp với hơn 200 tấn/ngày, xử lý rác thải cho các huyện: Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên; song đến nay, bãi rác Đại Hiệp vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép xả thải ra môi trường. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT xác nhận, qua kiểm tra, phân tích các chỉ số về môi trường tại bãi rác luôn vượt mức cho phép. Bãi rác Đại Hiệp từng được đưa vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và yêu cầu đơn vị quản lý là Công ty MTV Môi trường đô thị Quảng Nam phải có biện pháp xử lý, khắc phục triệt để. Năm 2012, một trong hai hộc xử lý rác tại đây đã đầy, chính thức đóng cửa, hộc số 2 hiện cũng sắp đầy, tỉnh có chủ trương đóng cửa vào 12.2017. Tuy nhiên, trong khi chờ lò đốt rác thải xã Đại Nghĩa vận hành, bãi rác Đại Hiệp tiếp tục được gia hạn đến 12.2018.
Bãi rác Cẩm Hà (thôn Bàu Ốc Thượng, Hội An) có diện tích 1ha, vận hành từ năm 1992, được bố trí kề nghĩa địa TP. Hội An. Bãi rác lộ thiên này trước kia tập kết hơn 50 tấn chất thải rắn mỗi ngày, nhưng với sự phát triển mạnh của du lịch, lượng rác thải có thời điểm lên tới 80 tấn/ngày, dẫn đến quá tải, không xử lý xuể. Rác thải được chôn lấp không hợp vệ sinh qua nhiều lớp khiến bãi rác Cẩm Hà cao như núi. Ước tính, lượng rác tồn lưu ở đây lên tới 80.000 tấn. Trước những hệ lụy về môi trường, nhiều năm qua, TP.Hội An “đau đầu” tìm hướng xử lý, và đã kiến nghị tỉnh, trung ương xếp bãi rác Cẩm Hà vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, song chưa được phê duyệt.
“Sự cố” rò rỉ nước thải từ hệ thống xử lý nước thải ở bãi rác Tam Xuân 2 (thôn Bích Sơn, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) vừa qua đã khiến người dân và chính quyền địa phương lo lắng, bức xúc. Bãi rác Tam Xuân 2 có tổng dung tích 2.760.000m3 trên tổng diện tích 21ha. Đây là khu xử lý rác cho các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ. Bãi rác nằm ở vị trí cao ráo, cách xa khu dân cư hàng cây số, thời hạn sử dụng còn 12 năm. Tuy nhiên, sự cố trên đã khiến một lượng lớn chất thải hữu cơ đen đặc chảy ra ao hồ, kênh mương. Dù rằng, phía Công ty Môi trường đô thị giải thích là khi đơn vị này đang tiến hành đóng bít hoàn toàn hệ thống xử lý chất thải cũ do Sở Xây dựng trước đây làm chủ đầu tư thì xảy ra sự cố. Để khắc phục, đơn vị này đã huy động máy móc, phương tiện vào xử lý, gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình xử lý nước thải, hồ sinh học, các bể chứa nước thải…
Nhập nhằng khâu xử lý
Theo Sở TN&MT, toàn tỉnh có 15 khu xử lý rác thải, trong đó có 6 khu xử lý với hình thức chôn lấp. Hầu hết bãi rác ở miền núi đang được xử lý theo kiểu đốt thủ công nên không đảm bảo vệ sinh môi trường. Ở nhiều địa phương, các bãi rác đe dọa làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Những bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc), Cẩm Hà (TP.Hội An), Tam Đàn (Phú Ninh), Tam Xuân 2 (Núi Thành) được đánh giá là có lượng nước rỉ ra từ rác thải hằng ngày cực kỳ lớn, nguồn nước ngầm khu vực này đang bị ô nhiễm vi sinh và có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ.
Việc thu gom rác thải công cộng, rác thải công nghiệp (chất thải rắn) trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện bởi hai đơn vị. Phía Công ty Môi trường đô thị thu gom, vận chuyển, xử lý cho hầu hết các xã, thành phố, thị trấn, chợ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ quan, đơn vị, bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế và rác thải từ các khu dân cư. Công ty CP Công trình công cộng Hội An chủ yếu thu gom rác trên địa bàn TP.Hội An. Song, trước áp lực gia tăng dân số, sự phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch..., cùng với đó là năng lực thu gom có hạn, Công ty CP Công trình công cộng Hội An cũng khó lòng kham nổi lượng rác phát sinh, phải nhờ thêm Công ty Môi trường đô thị trợ giúp. Đối với chất thải rắn, hai doanh nghiệp trên chủ yếu thu gom nhóm rác thải rắn thông thường với tỷ lệ cao, gồm rác thải sinh hoạt và rác thải nguy hại. Phía Công ty Môi trường đô thị thực hiện thu gom chủ yếu ở đồng bằng và trung du. Còn tại một số huyện miền núi, rác thải được thu gom, tiêu hủy tại chỗ bởi bộ phận chuyên trách, hộ cá thể tự lập đội hay tổ thu gom vận chuyển rác, tỷ lệ thu gom không cao. Về tần suất thu gom, ở khu vực nội thị Tam Kỳ hay Hội An, tần suất thu gom thường xuyên hằng ngày; ở các xã ngoại thành, thu gom 3 lần/tuần; các huyện đồng bằng thu gom 2 - 3 lần/tuần, còn ở các huyện trung du, miền núi, tần suất thu gom thấp hơn, khoảng 2 lần/tuần.
Khảo sát ở hầu hết bãi chôn lấp rác thải lộ thiên của tỉnh, chúng tôi đều ghi nhận việc chôn lấp đa dạng nguồn rác vốn chứa các thành phần khác nhau, từ chất hữu cơ dễ phân hủy, dễ gây cháy nổ, cho đến hợp chất hữu cơ bền vững, chất trơ… Theo một báo cáo của Sở TN-MT, bất cập lớn hiện nay là công tác phân loại rác tại nguồn, vốn chưa được các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở y tế, khu dân cư, cả đơn vị thu gom, xử lý tiến hành nghiêm túc, ngay cả với rác thải sinh hoạt thông thường. Đáng lo ngại khi chất thải nguy hại vẫn chưa có nơi xử lý riêng biệt. Yếu kém khâu phân loại rác thải tại nguồn cũng là bài toán nan giải. Ngay cả với những bãi rác lộ thiên dù đã đóng cửa, thì lo ngại ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước ngầm vẫn là nhức nhối. Khâu hoàn thổ, phục hồi môi trường, trồng cây xanh cải thiện môi trường tại các bãi rác đóng cửa chỉ dừng lại trên lý thuyết…
LOAY HOAY TÌM CÁCH XỬ LÝ
Áp lực rác thải gia tăng khiến TP.Hội An “đau đầu” trong việc tìm hướng giải quyết, xử lý ô nhiễm. Dự án phân loại rác thải tại nguồn theo chủ trương thành phố được triển khai xuống nhiều khu dân cư, song hiệu quả chưa được như mong đợi.
Lò đốt rác Cẩm Hà đang vận hành thí điểm trong nỗi lo gây ô nhiễm vì khí thải. Ảnh: H.Liên |
Nhiều năm nay, chính quyền TP.Hội An gặp nhiều khó khăn trong việc tìm phương án xử lý 80.000 tấn rác thải tồn lưu tại bãi rác Cẩm Hà. Thành phố du lịch này còn đối diện với áp lực gia tăng lượng rác thải sinh hoạt từ hoạt động phát triển du lịch và dân sinh. Gần đây, một lò đốt rác thải khó phân hủy và một nhà máy xử lý rác dễ phân hủy, tạo phân compost được đầu tư gần bãi rác Cẩm Hà, song vẫn không thể giải quyết triệt để rác. Theo bà Lê Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Nhà máy xử lý rác Hội An, nhà máy đã đưa vào sử dụng từ năm 2013, giảm thiểu được khối lượng rác phát sinh hằng ngày, sản xuất phân compost để cung cấp cho nông nghiệp. Song, lượng phân sản xuất ra không đảm bảo về mặt chất lượng và còn lẫn nhiều tạp chất, không đáp ứng yêu cầu thị trường và ảnh hưởng môi trường. Nhiều hạng mục tại nhà máy đã bắt đầu hư hỏng phải sửa chữa lớn…
Cũng theo bà Thủy, sở dĩ nhà máy hoạt động còn khó khăn là vì công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa đạt. “Chúng tôi luôn phối hợp với Phòng TN&MT tổ chức tập huấn, trang bị cho người dân ý thức phân loại rác tại nguồn đối với rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Công ty còn phân lịch rõ ràng trong thu gom hai loại rác. Đặc biệt là, nếu đơn vị nào, cơ sở nào, hộ dân nào không làm đúng khâu phân loại, công ty sẽ từ chối không nhận, song việc thay đổi nhận thức của người dân là cả quá trình gian nan” - bà Thủy nói. Theo ông Nguyễn Thanh Đông - Tổng Giám đốc Công ty Công trình công cộng Hội An, mỗi ngày, lượng rác thải trên địa bàn mà đơn vị thu gom khoảng 78 tấn/ngày; đặc biệt, thời điểm lễ, tết, lượng rác phát sinh lên tới cả trăm tấn, khiến việc thu gom của đơn vị luôn trong tình trạng quá tải. Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí để duy trì chương trình phân loại rác tại nguồn, bởi công ty phải tốn chi phí nhiên liệu, nhân công trong việc phân loại, vận chuyển, thu gom, xử lý. Từ năm 2015, hầu như thành phố không rót kinh phí bởi không có quy định của nhà nước về phân loại rác tại nguồn. Công tác kiểm soát, xử lý vi phạm trong phân loại rác ở khu dân cư chưa nghiêm… là những khó khăn, bất cập.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng TN&MT TP.Hội An cho hay, thành phố đang kiến nghị tỉnh và trung ương hướng xử lý 80.000 tấn rác tồn lưu. Ông Hùng chia sẻ, hoạt động của lò đốt rác Cẩm Hà và nhà máy xử lý rác tạo phân compost vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Lò đốt rác ở Cẩm Hà chỉ mới vận hành thí điểm, chưa đâu vào đâu.
Đoàn công tác của Hội An từng đi tham quan, học tập về mô hình lò đốt rác ở nhiều nơi, song vẫn chưa tìm được mô hình nào phù hợp. Mỗi nơi làm mỗi kiểu, bất cập về thiết bị, dây chuyền công nghệ. Trong khi đó, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN vẫn chưa quy định một tiêu chuẩn khung nào cho lò đốt tập trung, dẫn đến hiệu quả áp dụng công nghệ không cao. “Chúng tôi đã đi tham quan, học tập ở nhiều nơi để tìm một công nghệ phù hợp có thể áp dụng giải quyết thực tế về rác thải tại Hội An, song vẫn chưa tìm được mô hình, công nghệ nào phù hợp. Mỗi nơi làm mỗi kiểu, bất cập về thiết bị, dây chuyền công nghệ. Trong khi đó, các Bộ TN&MT, Bộ KH&CN vẫn chưa quy định một tiêu chuẩn khung nào cho lò đốt tập trung, dẫn đến hiệu quả áp dụng công nghệ không cao. Thiết nghĩ tỉnh cần đầu tư một vài lò đốt tập trung công suất lớn, xử lý an toàn mùi hôi, khói từ lò đốt. Bởi lẽ, các nước tiên tiến đều đầu tư công suất các nhà máy rất lớn, việc khử mùi, khói phát thải ra đều đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường” - ông Hùng chia sẻ.
YẾU KÉM CÔNG NGHỆ
Rác thải gây ô nhiễm là chủ đề nóng, là áp lực lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Do đó, những bất cập, yếu kém về công nghệ xử lý rác thải cần được cải thiện.
Bãi rác Cẩm Hà tồn lưu 80.000 tấn cao như núi sát nghĩa địa Hội An. Ảnh: H.Liên |
Công suất thấp
Theo nhận định của Sở TN&MT, hình thức chôn lấp vốn là công nghệ đơn giản, phù hợp với năng lực của các nước đang phát triển, với chi phí đầu tư và vận hành thấp, song bất tiện của hình thức này là tốn kém một diện tích đất lớn để xây dựng các bãi chứa rác. Hiện có hai công nghệ đang được các nước tiên tiến áp dụng là công nghệ đốt và công nghệ chế biến rác thành phân vi sinh. Về công nghệ đốt (dùng nhiệt độ 1.000 - 1.100OC) để phân hủy rác, ưu điểm là giảm đáng kể thể tích chất thải phải chôn lấp (chỉ còn xỉ, tro), song chi phí đầu tư, vận hành nhà máy lại khá cao, chủ yếu áp dụng để xử lý rác thải công nghiệp, y tế. Cả tỉnh hiện có 15 khu xử lý rác, nhiều bãi rác lộ thiên chỉ dừng lại ở công nghệ chôn lấp thô sơ hoặc chôn lấp hợp vệ sinh, chứ chưa vận dụng công nghệ cao vào xử lý, tiêu hủy. Công nghệ chôn lấp rác thô sơ tiềm ẩn nhiều mối nguy lớn cho môi trường sống. Đó là thực tế tại nhiều bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay như bãi rác Đại Hiệp (Đại Lộc), Cẩm Hà (TP.Hội An), Tam Đàn (Phú Ninh), bãi rác Tam Xuân 2 (Núi Thành) và nhiều huyện miền núi khác… Chỉ có 6 bãi rác được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi còn lại, nhất là ở khu vực miền núi, chưa triển khai công nghệ chôn lấp đảm bảo xử lý rác đạt yêu cầu về môi trường. Trước đây, lò Hoval (2 cấp) công suất 200kg/ngày đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiêu hủy chất thải y tế, nhưng đã tạm dừng từ năm 2011 để đánh giá lại công nghệ và làm lò dự phòng.
Tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế với công suất 200kg/giờ, song việc đánh giá hiệu quả còn phải theo thời gian. Tỉnh cũng đã đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt không sử dụng nhiên liệu phụ tại thôn Bàu Ốc Thượng, xã Cẩm Hà, Hội An với công suất xử lý dự kiến hơn 90 tấn/ngày, tổng đầu tư vài chục tỷ đồng, song lò đốt hiện chưa được nghiệm thu. Một lò đốt rác thải khác cũng được xây dựng tại Cù Lao Chàm, song công suất còn quá nhỏ. Từ nguồn vốn ODA của Pháp, Quảng Nam đã đầu tư một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt chế biến thành phân hữu cơ với công suất thiết kế 55 tấn/ngày tại Hội An và đã vận hành vào 10.2012. Từ nguồn tài trợ của Đan Mạch, thông qua Hợp phần kiểm soát ô nhiễm vùng đông dân nghèo do Sở TN-MT làm chủ đầu tư, nhà máy chế biến rác thải thành phân vi sinh với công suất 1 - 1,5 tấn/ngày cũng đã xây dựng tại xã đảo Tân Hiệp, hoạt động từ 11.2011. Song, công suất, hiệu quả hoạt động của các nhà máy vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trước áp lực rác thải gia tăng.
Trở ngại xây dựng lò đốt
Thời gian qua, ngoài lò đốt rác ở xã Cẩm Hà, tỉnh có chủ trương xây dựng các lò đốt rác thải tập trung trên địa bàn xã Quế Cường (Quế Sơn), xã đảo Tam Hải (Núi Thành), xã Đại Nghĩa (Đại Lộc). Hầu hết dự án được tỉnh phê duyệt với chi phí đầu tư lớn, song khâu quy hoạch, triển khai dự án còn khó khăn, nhiều nơi gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Trường hợp ở xã đảo Tam Hải là điển hình, dù Tam Hải luôn trong tình trạng báo động đỏ về nạn rác thải ứ đọng trong khu dân cư và nạn vứt rác bừa bãi ra môi trường sống. Tuy nhiên, dự án lò đốt rác thải sinh hoạt xã Tam Hải nhiều năm qua vẫn “đứng bánh” do sự phản đối kịch liệt của nhân dân. Ông Chung Thành Đông - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị từng khẳng định rằng, đây là dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, khí thải đạt chuẩn môi trường QCVN 30:2012/BTNMT. Quy trình xử lý rác thải khép kín, mỗi giờ đốt được 0,5 tấn rác thải, lượng tro xỉ thu được chỉ còn 0,5% so với lượng rác đưa vào, lò đốt vận hành 24/24, lượng phân tạo ra có thể sử dụng để bón cho cây trồng. Lò đốt rác này cách khu dân cư 260m, đây là khoảng cách an toàn. Song, việc thuyết phục người dân Tam Hải hiểu và tin vào sự an toàn của dự án thì vẫn gặp khó khăn. Vì lẽ đó, dự án “án binh bất động” từ năm 2014 tới nay.
Dự án theo hình thức đối tác công - tư này sở dĩ chậm tiến độ do hai lần “sang tên đổi chủ”. Cho đến thời điểm này, người dân và chính quyền xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc vẫn còn băn khoăn, lo ngại về công nghệ lò đốt rác, nhất là về hệ thống xử lý không khí, nước thải. Trong buổi làm việc gần đây của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn với Công ty Môi trường đô thị và UBND huyện Đại Lộc về dự án lò đốt rác xã Đại Nghĩa; ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đề nghị, đơn vị quản lý lò đốt rác cần phải tính toán đến phương án xử lý kỹ vấn đề xỉ tro, phải xây dựng hệ thống dẫn nước thải riêng, xây dựng hồ chứa nước thải, xử lý kỹ nguồn nước trước khi xả thải ra môi trường. Phía doanh nghiệp và Sở TN&MT cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường, trước khi bắt tay triển khai.
Thực hiện: HOÀNG LIÊN