Mưu sinh ở thượng nguồn
Đã đi một ngày không dự định trước. Đến một nơi cũng không hề dự định. Trước, “ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng” là... hết! Như một ngưỡng cuối cùng để ngóng đến để rồi rất hoan hỷ ra về chấm dứt một cuộc đi. Ở đó, phía dưới cái Hòn Kẽm dừng ngang sông, tôi đã cảm, đã hiểu phần nào những phận đời gắn bó với khúc sông này như một món nợ, một nỗi oan khiên kiếp này phải trả.
Những người mưu sinh bằng ghe ở Hòn Kẽm Đá Dừng.Ảnh: L.T |
Mưu sinh vốn đã nhọc nhằn, mưu sinh ở thượng nguồn con sông hùng vĩ như Thu Bồn này càng nhọc nhằn. Hết cả đời chứ chẳng chơi! Như bà Rân với chiếc ca nô tổ chảng luôn neo đậu khi thì quãng này lúc thì quãng khác của sông, để đánh cá bán cho những người sinh sống hai bên bờ. Họa hoằn lắm mới chịu lên bờ, cứ như chân không khua khoắng cùng dòng nước là người cũng tiêu tán hết sức lực vậy(?). Rồi lại nhanh chóng quay về con thuyền quen thuộc. Bà Rân bây giờ không biết đã về đâu nữa?
Như đôi vợ chồng già chừng như không còn tuổi nữa thường đánh cá tôm trên sông quãng Đá Ngang tới Hòn Kẽm dạo nào. Một nhúm tôm độ dăm chục ngàn là đủ cho cả đoàn khách du lịch nướng thơm lừng một khúc sông Hòn Kẽm - Trà Linh. Đủ để vừa hì hục thổi lửa vừa phì phụt thổi cho tôm nướng nguội bớt, “chơi” cùng ngụm rượu đắng. Và cũng đủ cho anh Tám Lái vừa độ hoan hỉ để “lái” bất cứ câu nào ai đó vừa hứng chí bật lên, tài đến nỗi anh em tôn làm người “lái giỏi” nhất Quảng Nam(?). Bây giờ, nghe nói vợ chồng người đánh cá đã lên bờ vui cùng con cháu còn ông Tám Lái thì đang quanh quẩn đâu trên xóm Trà Linh (Hiệp Đức) chắc là đang sa đà ở đám đông nào đó vui với ngón nghề vô địch của mình...
Buổi sáng theo hai người bạn chạy xe máy ngoằn ngoèo theo con đường bê tông đi từ Trung Phước (Nông Sơn) lên cái bến sông, phía thượng nguồn của Đá Dừng Hòn Kẽm, nơi mở ra một không gian khác chứ không chỉ là “ngó lên...” và hát “thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” nữa. Cái xóm mang tên An Toàn mà chẳng an toàn để rồi người cả xóm trôi mất theo con lụt dữ dằn năm Thìn xa lắc! Cái ngã ba sông nơi hợp lưu giữa sông Trường và sông Tranh làm nên vạn Phước Sơn từng một thời nhộn nhịp trên bến dưới thuyền giờ chỉ lơ thơ vài con nước chảy, dăm ba bãi cát vàng nằm trơ dưới nắng, buồn cứ như... bến vắng. Hỏi, người xưa đâu tá?
Một bến đò nức tiếng từng đón đưa người đến người đi cùng bao nhiêu những quế những hồi, những sâm nhung, những gấm vóc lụa là..., dọc sông Thu Bồn xuống Hội An rồi ra đến cả Tây, Tàu... mọi hướng đất trời. Đâu cả rồi? Ông nhà thơ Thái Bảo - Dương Đình thì bảo đã về mây trắng hết rồi. Ờ, mà mây trắng này có phải là mây trắng xa xưa? Chắc là không phải rồi. Còn một mái đình làng Phước Sơn tồn lưu cái danh vị đâu trong xóm núi nhưng mà chắc là đã khác, bởi cái dòng chảy này đâu có lặp lại bao giờ.
Đây là mũi Hà Ra. Phía bên xa kia là Bến Én... Đây xóm Linh Kiều... Xe cứ trôi đi, trôi tuột xuống bến sông. Hai người đàn bà đang mải mê chuyện làm ăn. Rồi cũng làm quen thăm hỏi. Ghe thuyền nhà họ, một người chuyên đưa khách lên xuống vùng Hòn Kẽm hoặc đưa qua sông, một chuyên đánh cá tôm trên sông và cũng vừa mới bán xong mớ tôm cá đánh được với giá đồng hạng cả tôm lẫn cá bống 100 nghìn một ký. Hỏi có khá không, chị cười bảo ngày cũng được đôi trăm, có điều cá tôm ngày càng hiếm, dễ bán nhưng khó đánh được. Mà với cái lưới lồng kiểu Trung Quốc kia thì vài năm nữa có con tôm con cá nào thoát nổi! Rồi chị giãi bày rằng mình mới vừa bị giật hụi hết hăm mấy triệu từ chủ hụi là chủ một hiệu vàng lớn. Chị bảo, làm sao đòi lại cho được đây. Công sức của hai vợ chồng dành dụm bao nhiêu năm. Cứ lấy hai mấy triệu chia cho 100 ngàn/kg tôm cá, sẽ biết bao nhiêu là công sức vợ chồng chị đã đổ ra để có chừng ấy vốn liếng.
Người đàn bà còn lại cũng che tạm cái chòi trên bãi. Thấy nuôi ba bốn con heo quây tạm trên cát. Bầy gà cả mẹ lẫn con luẩn quẩn quanh chòi như tạo nên chút sức sống cho cái bến vắng nơi thượng nguồn. Chị lui cui nấu nước rồi mời chúng tôi uống, tiện thể mời cả nhóm xuống ghe nhà chị nghỉ ngơi trước khi sang sông. Một chiếc ghe đang neo ở cuối con lạch nhỏ chảy ra từ phía làng, chờ đợi có ai gọi chở đi đâu đó thì chở, vậy thôi, theo lời họ thì bữa có bữa không, tùy ngày. Nghe cũng rất phập phù. Ở phía ghe nhà chị mấy người đàn ông đang ngồi hút thuốc trông có vẻ yên bình. Mong là thế chứ không mong một câu chuyện buồn kéo lên từ cái thị tứ sầm uất mãi tít phía bên kia Hòn Kẽm.
Nhà thơ Thái Bảo - Dương Đình bảo phía mép đồi dưới kia là lăng Bà Thu Bồn, nơi để chiếc ghe đua mang “thương hiệu” Trà Linh từng gây hứng thú cho người xem trong mấy trận đua ghe khắp vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Bà Thu Bồn linh thiêng còn được thờ ở chân đèo Phường Rạnh và cả dưới làng Thu Bồn thuộc xã Duy Tân. Lệ Bà Thu Bồn hằng năm tổ chức cùng lúc ở ba nơi như thế, con cái làm ăn nơi xa đến lệ là về khá đông, kể cả người định cư ở nước ngoài. Ở dưới xã Duy Tân là vậy nhưng ở đây ngày Lệ Bà chắc vắng vẻ hơn thì phải. Vắng như cái cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn ở một khúc sông xa xôi và vắng vẻ ở thượng nguồn này.
LÊ TRÂM