Thách thức phát triển đô thị Đà Nẵng
(QNO) - Sáng nay 11.8, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng phối hợp với tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển tổ chức hội thảo “Những khó khăn, thách thức mục tiêu phát triển bền vững của TP.Đà Nẵng trong tương lai”. Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 50 đại biểu là các nhà khoa học, quản lý đô thị trong cả nước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: K.L |
Với diện tích hơn 98 nghìn héc ta, dân số khoảng 1 triệu người, quá trình phát triển đô thị Đà Nẵng thời gian qua dù đạt được nhiều kết quả tốt nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế, nhất là trong tình hình dân số ngày càng gia tăng. Theo chiến lược phát triển thành phố đến năm 2030 quy mô dân số Đà Nẵng sẽ trên 2,5 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 37,5 nghìn héc ta (bình quân 60 - 70 người/héc ta), trong khi quỹ đất có hạn và đang dần eo hẹp. Điều này gây lên những thách thức cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Đà Nẵng những năm đến.
Tại hội thảo, một số nhà nghiên cứu, quy hoạch cho rằng, để phát triển thành phố bền vững đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, ngoài sử dụng quỹ đất cẩn trọng hiệu quả, chú trọng dành quỹ đất phát triển các công trình dân sinh, xã hội; xây dựng các thành phố vệ tinh, các phân khu chức năng… thì Đà Nẵng cần áp dụng 2 quy tắc quy hoạch cơ bản. Thứ nhất là đô thị nén với mật độ dân số ở mức từ trung bình (100 - 150 người/héc ta) tới cao (200 - 250 người/héc ta), hình thức sử dụng đất hỗn hợp. Đây là mô hình đặc trưng với các khu vực đô thị hiện tại ở Việt Nam và một số nơi khác ở châu Á, thuận tiện cho các hoạt động kinh tế xã hội cũng như tạo ra sự cơ động và khả năng tiếp cận cao. Thứ hai, phát triển định hướng vận tải công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, xe buýt tiêu chuẩn, taxi và các phương tiện nhiều chỗ khác…). Trong đó, việc phát triển khu vực đô thị phải gắn với tiếp cận và sử dụng phương tiện vận tải công cộng dễ dàng.
Phát triển đô thị Đà Nẵng đang đối diện nhiều thách thức. Ảnh sưu tầm từ internet |
Đặc biệt, các đại biểu cũng chỉ ra sự phát triển đô thị Đà Nẵng chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho Quảng Nam, cụ thể là các vùng lân cận như Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… theo nguyên tắc phát triển liên vùng, liên đô thị. Vì vậy ngay từ bây giờ các địa phương Quảng Nam cần xây dựng chiến lược sẵn sàng đón nhận hướng đến cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
KHÁNH LINH