Quy hoạch chung TP.Hội An: Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển
Trong 3 ngày (7, 8 và 9.8), Hội đồng tuyển chọn quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tiến hành tuyển chọn các đồ án quy hoạch của nhiều đơn vị tư vấn trong và ngoài nước. Các đồ án quy hoạch lần này đều đặt ra mục tiêu cân bằng giữa bảo tồn và phát triển Hội An.
Quy hoạch chung TP.Hội An đặt mục tiêu cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. |
Theo đồ án quy hoạch của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) và Công ty Hansen Partnership của Úc, thách thức của Hội An hiện nay là sự bành trướng đô thị, nguy cơ các cánh đồng vốn là đặc trưng cảnh quan thiên nhiên biến thành các khu đô thị mới, các khu vườn sẽ biến mất do nhu cầu đất ở tăng cao, các di tích gốc bị biến dạng; sự bùng nổ về khách du lịch tạo nguy cơ về ô nhiễm môi trường. KTS. Wilson Lawrie (Công ty Hansen Partnership) nói: “Đồ án đề xuất tầm nhìn xây dựng Hội An là “Thành phố của những ngôi làng trong sông”. Phát triển không gian đô thị Hội An về phía tây, hướng về phố cổ theo hướng giảm dần các chỉ tiêu về mật độ và tầng cao. Các khu phía đông, phía nam xây dựng các công trình hướng đến bảo vệ hệ sinh thái đặc biệt khu vực ngập mặn. Định hình các hình thức nhà ở phù hợp với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và lũ lụt cho các khu dân cư hiện trạng. Đối với Cù Lao Chàm cần bảo vệ hệ sinh thái như một tấm lá chắn bảo vệ Hội An, đồng thời phát triển du lịch có kiểm soát”. Các vấn đề mà đồ án quy hoạch của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và Công ty Hansen Partnership của Úc đặt ra là cần phải giải quyết triệt để vấn đề giao thông cho đô thị, bảo vệ hệ thống hạ tầng, các công trình kiến trúc cho phố cổ; phát triển dân số, phát triển quỹ đất phù hợp; quản lý tầng cao, mật độ xây dựng; các giải pháp bảo vệ phố cổ, không gian xanh, đa dạng sinh học; các không gian đô thị, ven biển, hạ tầng xanh...
Sau 8 tháng phát động cuộc thi về quy hoạch phát triển Hội An, thành phố đã nhận được đăng ký của 7 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7 vừa qua, chỉ có 3 đơn vị tư vấn gửi đồ án quy hoạch chung TP.Hội An. Được biết, Hội đồng tuyển chọn đã thống nhất trao 2 giải B cho 2 đồ án liên doanh với đơn vị tư vấn Nhật Bản và Pháp, giải C cho đồ án liên doanh với đơn vị tư vấn đến từ Úc (không có giải A). |
Khi phân tích, đánh giá hiện trạng quy hoạch chung TP.Hội An, bà Pauline - Trưởng nhóm quy hoạch của Viện Kiến trúc quốc gia và Công ty Arep Ville - Cộng hòa Pháp cho rằng, Hội An là động lực phát triển kinh tế vùng đông Quảng Nam, nằm trong cụm động lực số 1. Hội An là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia mang tính đặc thù về di sản văn hóa, cảnh quan và môi trường. Điểm mạnh của đô thị Hội An là có vị trí thuận lợi, nằm trong chuỗi kết nối di sản, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú và có thương hiệu du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, điểm yếu là đô thị Hội An thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, giao thông kết nối chưa liên tục, hạ tầng quá tải, cơ cấu doanh thu nội bộ ngành du lịch chưa hợp lý, quỹ đất hạn chế, thiếu sự kết nối và sự liên kết giữa đô thị - nông thôn - dòng sông - mặt biển. “Chúng tôi đề xuất cấu trúc đô thị Hội An là “Thành phố trong vườn - vườn trong thành phố” với 5 dự án đầu tư trọng điểm là công viên cửa ngõ phía đông, kết nối thành phố và dòng sông, cải tạo chỉnh trang không gian công cộng, liên kết giao thông linh hoạt, nâng cao giá trị cảnh quan và khai thác du lịch các khu vườn Hội An” - bà Pauline nói.
Trong khi đó, đồ án quy hoạch của liên doanh Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Nhật Bản - Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, Hội An là đô thị có cấu trúc cụm và ẩn trong đó bề dày lịch sử. Các khu vực chính cấu thành nên đô thị như khu vực di sản văn hóa thế giới mà trung tâm là khu phố cổ, khu vực resort ven bờ biển, khu vực sinh thái phía đông thành phố, khu vực nhà ở phía tây đều có sự phát triển rực rỡ. “Ý tưởng chủ đạo của đồ án quy hoạch Hội An với tầm nhìn tương lai thành “Thành phố chuyển hóa từ văn minh sang văn hóa”” - KTS. Masafumi Tanaka (Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Nhật Bản) nhấn mạnh. Tuy nhiên, vùng sinh hoạt của người dân địa phương nằm ở giữa các khu vực, vùng đất trống lại mang bộ mặt “phía sau” đối với khu vực “mặt tiền” phát triển, tiềm năng chưa được phát huy. Vì thế, tư vấn giải bài toán cấu trúc đô thị cụm tạo không gian “phía sau” để tái thiết. Cải biến cấu trúc đô thị một cách triệt để, đồng thời thực hiện các tác động đô thị tình thế, thu hút các hoạt động đa dạng vào khu vực ranh giới ở giữa các cụm, qua đó thúc đẩy xây dựng đô thị phát triển bằng nguồn lực nội tại, xây dựng đô thị Hội An phải lưu giữ tối đa các “nét riêng” hiện nay.
PGS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam (thành viên Hội đồng tuyển chọn) cho rằng, cả 3 nhóm tư vấn đã có sự dấn thân nghiên cứu, mỗi đồ án đều có sự sáng tạo, làm cho ý tưởng phát triển Hội An được nâng lên một bước. Cái chung nhất là cả 3 ý tưởng quy hoạch đều hướng tới bảo tồn những giá trị trường tồn của đô thị di sản và môi trường sinh thái Hội An. Các đồ án cũng đưa ra được một số gợi ý để khai thác tài nguyên, tiềm năng, tạo thành động lực cho phát triển đô thị. “Tuy nhiên, dưới cái nhìn cá nhân, tôi cho rằng, đồ án quy hoạch nào cũng nhất thiết phải tạo cho được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển” - PGS. Đặng Văn Bài nói. Còn Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An thì cho rằng: “Các đồ án đều quy hoạch Hội An phát triển bền vững trên nền thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, trong đó thảo luận nhiều nhất là bảo tồn khu di sản, khu sinh quyển trong áp lực phát triển. Đặc biệt, Hội đồng tuyển chọn gồm 19 thành viên, trong đó có 10 chuyên gia đầu ngành của cả nước đã giúp chúng ta tuyển chọn đồ án khả thi, giúp chúng ta định hướng phát triển thành phố bền vững đến năm 2013 và tầm nhìn đến năm 2050”.
QUỐC HẢI