Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson: "Người dân đảo Guam cứ yên tâm ngủ ngon"
CHDCND Triều Tiên gây chấn động thế giới với loan báo sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ vào giữa tháng 8 này.
Cuộc “khẩu chiến” giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ (trái) và Triều Tiên đẩy căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 10.8 cho biết, Triều Tiên đang “xem xét một cách nghiêm túc” kế hoạch phóng tên lửa vào vùng biển gần đảo Guam, nhằm đáp trả cảnh báo của Tổng thống Trump rằng Triều Tiên sẽ đối mặt với “hỏa lực và sự giận dữ”. Quân đội Nhân dân Triều Tiên tiết lộ phương án bắn đồng thời 4 quả tên lửa đạn đạo Hwasong-12 “để ngăn chặn lực lượng địch trên các căn cứ quân sự lớn ở đảo Guam”- nơi Mỹ có căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân Apra-Harbour. Các tên lửa Hwasong-12 sẽ bay ngang bầu trời ba tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản với chiều dài 3.356,7km chỉ trong 1.065 giây và rơi xuống vùng biển cách đảo Guam khoảng 30 - 40km. Kế hoạch sẽ được đệ trình lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để đưa ra quyết định cuối cùng.
Có mặt tại đảo Guam ngày 9.8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hạ thấp dự đoán rằng tình hình căng thẳng hiện nay đưa Mỹ đến gần hơn với lựa chọn quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và trấn an người dân đảo Guam cứ yên tâm ngủ ngon. Thống đốc Guam - Eddie Calvo cho biết, đã liên lạc với Nhà Trắng và nhấn mạnh hiện tại chưa có mối đe dọa nào đối với hòn đảo này. Tuy nhiên, kênh truyền hình NBC của Mỹ trích dẫn nguồn tin trong lực lượng vũ trang, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu với các đòn đánh bằng tên lửa vào Triều Tiên nếu Tổng thống Trump ra lệnh. Đó là cuộc tấn công bằng các máy bay chiến lược B-1B Lancer từ căn cứ Andersen trên đảo Guam. Trước đó (8.8), Mỹ triển khai hai máy bay ném bom chiến lược B-1B trên bầu trời bán đảo Triều Tiên trong cuộc diễn tập hỗn hợp thường xuyên với chiến đấu cơ Hàn Quốc.
Đảo Guam có diện tích 541km2, cách Triều Tiên hơn 3.000km, với dân số khoảng 170 nghìn người. Guam là lãnh thổ chưa hợp nhất với Mỹ nên mặc dù là công dân Mỹ, người Guam không có quyền bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ. Đảo Guam, nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự, máy bay ném bom chiến lược và khoảng 7.500 binh lính Mỹ đồn trú. Quân đội Mỹ triển khai một hệ thống THAAD tại Guam và cho biết có đủ sức đánh chặn hầu hết vũ khí trong biên chế Triều Tiên hiện nay. |
Hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, sẵn sàng đáp trả khiêu khích trên và đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nhất là sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tấn công đảo Guam. Quân đội Hàn Quốc đang ở tư thế phòng thủ sẵn sàng và chuẩn bị đối phó với nhiều tình huống. Chính phủ Nhật Bản cũng đặt tình trạng báo động cao, sau khi xuất hiện thông tin Triều Tiên đã có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân thu nhỏ vào các tên lửa của nước này.
Trước căng thẳng rất quan ngại trên bán đảo Triều Tiên, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị ngoại giao để giảm nhiệt tình hình. Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc ngày 5.8 thông qua gói trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo. Cả Nga và Trung Quốc đều kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế và Mỹ - Triều Tiên tránh sử dụng các ngôn từ “có thể gây hiểu nhầm” làm phức tạp tình hình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer cho biết, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thực sự nghiêm trọng nhưng giải pháp quân sự không thể là “câu trả lời trong nỗ lực xây dựng một khu vực Đông Á không có vũ khí hạt nhân”.
QUỐC HƯNG