Luật Xử lý vi phạm hành chính: Còn "vướng", khi áp dụng thực tiễn

THÀNH CÔNG 10/08/2017 09:25

Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) được ban hành vào năm 2012, cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khá đồng bộ đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và chống các hành vi VPHC. Đồng thời góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện, các địa phương đang đề xuất điều chỉnh nhiều nội dung, xuất phát từ những vướng mắc khi áp dụng luật vào thực tiễn.

TP.Tam Kỳ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ một số công trình vi phạm về trật tự trên địa bàn. Ảnh: V.A
TP.Tam Kỳ tổ chức cưỡng chế tháo dỡ một số công trình vi phạm về trật tự trên địa bàn. Ảnh: V.A

Khó khăn từ thực tiễn

Năm 2016, TP.Tam Kỳ và các xã, phường trên địa bàn thành phố đã phát hiện hơn 230 vụ, qua đó ban hành quyết định xử phạt, buộc cưỡng chế 5 trường hợp, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực xây dựng, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự với tổng số tiền xử phạt hơn 500 triệu đồng. Nhờ thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt trên địa bàn đạt hơn 70%. Nguyên nhân chính của tình trạng VPHC được xác định là ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao, cố tình vi phạm pháp luật. Trong đó có một số ít người dân chưa hiểu rõ các quy định, cộng thêm mức xử phạt còn khá thấp nên việc tái diễn vi phạm thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền pháp luật trên lĩnh vực này còn hạn chế, hình thức, nội dung tuyên truyền cũng chưa phù hợp với người dân dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả. Theo ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, trên lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị, hầu như người vi phạm chỉ chấp hành nộp phạt tiền còn biện pháp khắc phục hậu quả rất ít thực hiện. Ngoài ra, một số văn bản pháp luật về xử lý VPHC còn chồng chéo dẫn đến không thể xử lý các hành vi vi phạm; lực lượng trực tiếp tham mưu công tác xử lý VPHC ít nên không thể bao quát hết địa bàn, lĩnh vực. Những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc xử lý. Nhiều hành vi vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Cùng với sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội, những vụ việc VPHC ở Tiên Phước có chiều hướng đa dạng và phức tạp trên các lĩnh vực. Theo thống kê, vụ việc vi phạm tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực an ninh trật tự, giao thông, đất đai, quản lý bảo vệ rừng và xây dựng. Phổ biến trong lĩnh vực an ninh trật tự là đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Lĩnh vực đất đai, quản lý bảo vệ rừng khá phức tạp khi tình trạng phá rừng trồng keo nguyên liệu có chiều hướng tiếp diễn. Từ năm 2013 đến nay, địa phương này đã phát hiện, xử lý gần 6.500 trường hợp vi phạm trên tất cả lĩnh vực, với gần 5.700 quyết định xử phạt được thực thi, số tiền phạt đã nộp hơn 6 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là vì ý thức của bộ phận người dân còn chưa cao, tình trạng vi phạm pháp luật trong tầng lớp thanh thiếu niên có xu hướng phức tạp, nhu cầu đất ở, đất sản xuất khá cao trong khi quỹ đất bắt đầu hạn hẹp… “Công tác xử lý VPHC là lĩnh vực phức tạp, nhiều nội dung đòi hỏi sự chính xác cao. Trong khi đó, điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác này ở địa phương còn nhiều khó khăn. Cấp huyện và cấp xã không có cán bộ chuyên trách, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này nên còn gặp nhiều khó khăn trong thực tế” - ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói.

Đề nghị điều chỉnh

Theo đại diện Sở Tư pháp, từ khi Luật Xử lý VPHC có hiệu lực, công tác xử lý VPHC, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã có những chuyển biến tích cực. Việc phát hiện hành vi vi phạm, lập thủ tục xử lý về cơ bản đảm bảo tính công khai, nghiêm minh của pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về xử lý VPHC của cơ quan có thẩm quyền từng bước được ổn định, nền nếp và có tính khoa học. Tuy nhiên, từ những khó khăn vướng mắc nảy sinh, các địa phương cũng đã có nhiều kiến nghị điều chỉnh một số nội dung trong Luật Xử lý VPHC. Cụ thể, theo đề xuất của các địa phương, hình thức xử phạt thường xuyên được áp dụng là phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; riêng hình thức buộc nộp số tiền tương ứng với giá trị phương tiện vi phạm, hình phạt cảnh cáo ít mang lại hiệu quả. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi VPHC” trong thực tế áp dụng gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. “Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật khác có liên quan bị chồng chéo, mâu thuẫn nên khó áp dụng vào thực tiễn. Kinh phí địa phương còn hạn chế, biên chế ngày càng ít nên không thể bố trí nhiều cán bộ cho công tác quản lý, xử lý VPHC. Các cấp trên ít đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ xử lý VPHC, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu còn chậm dẫn đến khó khăn trong công tác theo dõi, đôn đốc thi hành, cần có sự điều chỉnh kịp thời” - ông Văn Anh Tuấn góp ý.

Trong quy định của luật, Sở Tư pháp cũng nêu ra nhiều kiến nghị hết sức bức thiết. Cụ thể, tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc tất cả trường hợp cưỡng chế phải có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng không quy định mẫu cụ thể, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều và lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số cụm từ sử dụng trong Luật Xử lý VPHC như “vi phạm có quy mô lớn”, “vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp”, “vụ việc đặc biệt nghiêm trọng”, “gây hậu quả lớn”, “hành vi côn đồ hung hãn”… chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng. Nhiều quy định trong luật mâu thuẫn nhau về mức phạt tiền, gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Việc quy định giao quyền, ủy quyền xử phạt nhưng chưa đưa ra định nghĩa để phân biệt ủy quyền và giao quyền, khiến địa phương lúng túng khi thực hiện… Những kiến nghị này đã được Sở Tư pháp tổng hợp, đề xuất Bộ Tư pháp sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện thể chế về công tác xử lý VPHC, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập ở thời điểm hiện tại.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG