Đồng hành và sẻ chia

VINH ANH 10/08/2017 09:23

Những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) đã và đang gánh chịu sẽ vơi bớt phần nào nếu họ nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng quà cho nạn nhân da cam tại Lễ kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam do Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh tổ chức.Ảnh: VINH ANH
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng quà cho nạn nhân da cam tại Lễ kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam do Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh tổ chức.Ảnh: VINH ANH

Không sợ thừa, chỉ sợ thiếu

Phòng làm việc rộng chừng 10m2, cũng là chỗ tá túc hàng ngày của ông Nguyễn Văn Hai – Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đại Lộc. Năm nay gần 65 tuổi đời và 45 tuổi Đảng nhưng ông Hai chưa cho phép mình nghỉ ngơi, bởi tấm lòng vẫn còn đau đáu với nỗi đau của nạn nhân CĐDC. Nghỉ công tác ở địa phương năm 2007, ông Hai được tổ chức phân công về làm Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện. Những năm qua, vì nhà ở tận xã Đại Hưng, cách trung tâm huyện khoảng 30km, nên ông ở lại sinh hoạt tại cơ quan để tiện cho công việc. Ông Hai chia sẻ: “Đường sá xa xôi nên tôi đã chọn cách ở lại cơ quan những ngày làm việc trong tuần thay vì sáng đi tối về. Ở lại đây tôi có nhiều thời gian hơn để dành hết tâm lực cho nạn nhân da cam”.

Vận động hơn 6 tỷ đồng cho nạn nhân da cam

Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp hội đã vận động nguồn lực giúp đỡ nạn nhân CĐDC hơn 6 tỷ đồng. Theo thống kê của Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC, trong cả nước, nguồn lực vận động giúp đỡ của Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Quảng Nam chỉ đứng sau TP.Hải Phòng và TP.Hồ Chí Minh.

Chừng ấy thời gian gắn bó với nạn nhân da cam, ông Hai đã chứng kiến biết bao hoàn cảnh éo le, khốn khổ đến tận cùng vì nỗi đau da cam. Ông cho biết, toàn huyện Đại Lộc hiện có 276 trường hợp được công nhận nạn nhân CĐDC, còn trên thực tế số người bị phơi nhiễm CĐDC lên đến hàng nghìn. Những nỗi đau của nạn nhân da cam là không thể đong đếm hết. Họ là những người “nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Với trách nhiệm và cái tâm của mình, những năm qua, ông Hai đã dành hết tâm huyết để giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân CĐDC. Ông tìm đủ mọi cách để kết nối các nhà hảo tâm đến với nạn nhân, có cả tổ chức, cá nhân trong nước lẫn nước ngoài. Ông kết nối nhà hảo tâm bằng một niềm tin chân thành, không vụ lợi và luôn minh bạch, chọn đúng người, đúng đối tượng. Nhiều trường hợp, ông Hai thẳng thắn từ chối nhận tiền mặt từ nhà hảo tâm mà ông đề nghị họ đến trao quà trực tiếp cho nạn nhân da cam. “Trong tay tôi luôn có danh sách, địa chỉ và hoàn cảnh cụ thể của từng nạn nhân da cam. Khi nhà hảo tâm yêu cầu là tôi cung cấp ngay. Họ cần ở đâu là tôi dẫn đến. Nhiều khi họ chuyển tiền mặt nhưng tôi không nhận. Tôi muốn họ tận mắt thấy sự đau khổ của nạn nhân từ đó có sự cảm thông và sẻ chia nhiều hơn với họ. Tôi luôn nói với anh em cán bộ hội là cố gắng giúp được cho nạn nhân bao nhiêu thì giúp, không phải sợ lặp, sợ thừa, chỉ sợ thiếu. Chẳng hạn, có hoàn cảnh chúng tôi phải kết nối 2 - 3 mạnh thường quân, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước mới làm được cho họ ngôi nhà, bởi bản thân họ lo cái ăn qua ngày còn khó huống chi là làm nhà” - ông Hai nói.

Từ cái tâm trong sáng và sự nhiệt tâm với nạn nhân da cam, ông Hai đã cùng với đội ngũ cán bộ Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đại Lộc làm cầu nối vận động, giúp đỡ cho hàng chục nghìn lượt gia đình nạn nhân CĐDC. Giai đoạn 2007 – 2017, Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đại Lộc đã vận động hơn 10,6 tỷ đồng, giúp đỡ cho hơn 21 nghìn lượt gia đình nạn nhân da cam. Trong đó có 60 hộ được hỗ trợ cải thiện nhà ở; trợ giúp khó khăn cho hơn 16 nghìn lượt nạn nhân; hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 60 hộ…

Mong sẻ chia lâu dài

Gần 5 năm nay, một doanh nghiệp nhỏ ở TP.Đà Nẵng vẫn âm thầm đồng hành với Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh tỉnh Quảng Nam (thuộc Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh). Cái tên Công ty CP Thương mại Lê Hiền, chúng tôi đã nghe đến cách đây gần 5 năm, khi ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh vui mừng thông tin cho báo chí về một mạnh thường quân đồng ý hỗ trợ tiền gạo cho Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh tỉnh trong vòng 10 năm, với tổng số tiền 200 triệu đồng.

Người âm thầm làm việc ý nghĩa kể trên là hai chị em, cũng là những cổ đông chính của công ty, bà Lê Thị Như Vân và Lê Thị Như Nguyệt. Trong đó bà Nguyệt làm Giám đốc công ty và là người thường xuyên làm việc với Hội Nạn nhân CĐDC Quảng Nam về các hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam. Bà Nguyệt cho biết, bản thân là nữ giới lại bận rộn với công việc kinh doanh, quản lý công ty nên không có nhiều thời gian để tham gia thiện nguyện. Nhưng tận sâu trong lòng bà luôn mong muốn giúp đỡ, sẻ chia với mọi người, nhất là những hoàn cảnh éo le, khó khăn như nạn nhân CĐDC. Cách đây gần 5 năm, trong một lần gặp gỡ cán bộ của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Nam đến công ty để vận động giúp đỡ cho nạn nhân da cam, chị em bà đã tìm hiểu và nhận thấy có thể gửi gắm tấm lòng của mình cho hội nên đồng ý giúp đỡ. Bà Nguyệt chia sẻ: “Thời điểm đó công ty cũng còn khó khăn, chị em tôi vừa mới tiếp quản nên khá vất vả. Nhưng nhận thấy đó là việc làm thiết thực nên chúng tôi bàn tính và đồng ý hỗ trợ tiền gạo cho các em tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và trẻ em bất hạnh tỉnh Quảng Nam trong vòng 10 năm. Có lẽ nhiều người sẽ hỏi vì sao không hỗ trợ luôn một “gói” cho trung tâm mà lại chia ra hàng năm như vậy? Thật tình mà nói, nguồn lực tài chính của công ty không phải dư dả cho lắm, nên chúng tôi muốn chia ra thực hiện để xem đó như mục tiêu, động lực phấn đấu, cố gắng hàng năm của hai chị em và nhân viên công ty. Một phần, chúng tôi cũng mong muốn được sẻ chia, gắn bó lâu dài với hội, với các cháu tại trung tâm”. Được biết, Công ty Lê Hiền không chỉ cam kết hỗ trợ trong 10 năm mà vào các dịp lễ tết, đại diện công ty đều đến thăm, tặng quà cho trẻ em tại trung tâm và hỗ trợ kinh phí cho Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh vào dịp kỷ niệm thảm họa da cam.

Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết, trên địa bàn Quảng Nam có khoảng 35 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, đến nay hơn 7.000 nạn nhân bị nhiễm CĐDC, trong đó thế hệ thứ nhất hơn 5.000 nạn nhân, số còn lại là thế hệ thứ 2, thứ 3 và thế hệ thứ 4. “Khắc phục hậu quả da cam là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng và xã hội. Nạn nhân CĐDC cần lắm sự chia sẻ, quan tâm của cộng đồng, của chúng ta và của mọi người” - ông Cả nói. Ông còn cho biết, thấu hiểu nỗi đau và mất mát của nạn nhân da cam, trong các đợt kỷ niệm thảm họa da cam ở Quảng Nam, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã ủng hộ, giúp đỡ tiền và hiện vật cho nạn nhân. Trong đó, năm 2017 này, đại diện Công ty CP Thương mại Lê Hiền tại TP.Đà Nẵng tiếp tục ủng hộ 30 triệu đồng cho tỉnh hội. Thay mặt nạn nhân toàn tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã ủng hộ, giúp đỡ tinh thần và vật chất chia sẻ nỗi đau, mất mát của nạn nhân da cam Quảng Nam.

VINH ANH

VINH ANH