Đường cao tốc nối Ấn Độ và ASEAN

QUỐC HƯNG 10/08/2017 08:40

Những năm gần đây, Chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc biên giới nối với các nước láng giềng, đặc biệt đến khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Một phần của tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan. Ảnh: travelnewsdigest
Một phần của tuyến đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan. Ảnh: travelnewsdigest

Chỉ trong vòng hai năm qua, Ấn Độ đầu tư đến 4,7 tỷ USD để xây dựng và phát triển tuyến đường biên giới với các quốc gia láng giềng. Tháng trước, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phê duyệt dự án 256 triệu USD để nâng cấp nhiều tuyến đường biên giới vùng xa. Trong đó bao gồm tuyến đường cao tốc kết nối đường bộ dài gần 1.400km, khởi đầu từ khu vực Moreh, bang Manipur (Ấn Độ) đến thị trấn Tamu (Myanmar) và Mae-sot (Thái Lan). Tuyến đường này giúp vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ tại vùng đông bắc Ấn Độ với Thái Lan, Myanmar. Đây cũng là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ và các quốc gia khác của ASEAN xâm nhập thị trường lẫn nhau một cách thuận lợi hơn.

Vào năm 2009, Ấn Độ và khối ASEAN đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 25 năm mối quan hệ hợp tác ASEAN và Ấn Độ. Ấn Độ trở thành một đối tác quan trọng của khối ASEAN, với xuất khẩu từ Ấn Độ sang khối ASEAN đạt 25,15 tỷ USD trong giai đoạn năm 2015 - 2016. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ ASEAN giai đoạn cùng kỳ đạt mức 39,9 tỷ USD.

Theo một số chuyên gia kinh tế Ấn Độ, việc xây dựng tuyến đường cao tốc mở rộng kết nối đường bộ với các nước ASEAN trở nên cấp thiết. Bởi Trung Quốc đang thúc đẩy sáng kiến “một vành đai, một con đường” với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ USD. Tuyến này sẽ đi qua 62 quốc gia, trong đó có khu vực Kashmir đang tranh chấp mà Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Mạng lưới đường bộ, đường sắt và thương mại liên lục địa đã làm dấy lên mối lo ngại giữa những đối thủ chiến lược của Trung Quốc như Ấn Độ, Nga, Mỹ và Nhật Bản. K. Yhome, chuyên gia kinh tế của tổ chức nghiên cứu Observer, có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) nói, với sự quan tâm và gia tăng ảnh hưởng, lợi ích của Trung Quốc tại khu vực thông qua thúc đẩy hành lang kinh tế Bắc - Nam nêu trên, Ấn Độ cũng đang xây dựng mối quan hệ kinh tế với các nước láng giềng ở phía Đông. Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, dưới thời Thủ tướng Modi mang lại kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện và tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN.

New Delhi cũng đề xuất mở rộng tuyến đường cao tốc đi qua Ấn Độ -  Myanmar - Thái Lan nối với Campuchia, Lào và Việt Nam. Tại diễn đàn ASEAN - Ấn Độ ở Bangkok (Thái Lan) vào đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, việc hợp tác phát triển giao thông và logictics về đường thủy, đường bộ, hàng không giữa Ấn Độ và ASEAN có vai trò rất quan trọng. Đây là cơ sở góp phần thúc đẩy thương mại, giao lưu văn hóa, dịch vụ và đầu tư, tạo cơ hội phát triển vùng, đặc biệt là khu vực phía Đông Ấn Độ và cửa ngõ ASEAN. Với Ấn Độ, tuyến đường cao tốc này sẽ mở ra cơ hội mới về dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi Myanmar và Việt Nam. Đồng thời tiếp cận dễ dàng hơn sản phẩm của Nhật Bản chế tạo tại Thái Lan cũng như mang tới sự thịnh vượng cho các bang nghèo ở vùng đông bắc Ấn Độ.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG